|
Kỳ họp Quốc hội lần này sẽ kiện toàn 50 chức danh của Chính phủ, Quốc hội và Hội đồng Quốc phòng An ninh |
Kiện toàn 4/5 Phó thủ tướng
Chiều ngày 17/7, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Nhất - Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp này Quốc hội dành 3 ngày để xem xét công tác nhân sự. Cụ thể, Quốc hội sẽ kiện toàn 50 chức danh của các cơ quan Nhà nước, bao gồm các chức danh trong bộ máy Chính phủ, Quốc hội và cả Hội đồng Quốc phòng - An ninh.
“Tất cả chức danh của các cơ quan Quốc hội đều kiện toàn. Còn về các cơ quan Chính phủ, hiện chúng ta đang có 5 Phó thủ tướng, tại kỳ họp lần này kiện toàn 4/5 Phó thủ tướng, do đó số lượng là 50 người chứ không phải 51” - ông Bùi Văn Cường lý giải về việc chỉ kiện toàn 50 chức danh trong khi bộ máy Nhà nước hiện có 51 chức danh.
Cũng tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo Luật Tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính phủ, tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội nhiệm kỳ mới, công tác kiện toàn nhân sự sẽ là nội dung trọng tâm. Việc kiện toàn này là thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thể hiện hoạt động theo nhiệm kỳ và đồng thời cũng khẳng định tính cam kết thực hiện lời hứa của các chức danh cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trước cử tri, nhân dân.
Bà Thanh cho biết, tại kỳ họp này, các chức danh được kiện toàn đều đã được báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Trước mắt, tổ chức bộ máy cơ cấu Chính phủ sẽ kiện toàn 27 chức danh gồm Thủ tướng, 4 Phó thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
“Bộ chính trị, Ban Chấp hành trung ương đã cho ý kiến về đề án nhân sự kể trên của Chính phủ và thống nhất trước mắt sẽ kiện toàn 4 Phó thủ tướng. Vì thế, trước mắt, tại kỳ họp thứ 15 này sẽ kiện toàn các chức danh trên”, bà Thanh nói.
Ngoài công tác nhân sự, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021... Ngoài ra, Quốc hội xem xét, quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025...
Rút ngắn thời gian họp nhưng không ảnh hưởng chất lượng
Do diễn biến phức tạp của COVID-19 nên kỳ họp lần này sẽ bế mạc vào ngày 31/7, sớm hơn dự kiến trước đây là ngày 5/8. Trước việc rút ngắn thời gian như vậy, báo chí đặt câu hỏi, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng kỳ họp? Trả lời vấn đề này, ông Bùi Văn Cường khẳng định, tất cả nội dung đều đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và không ảnh hưởng đến chất lượng quyết định của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ làm việc cả hai ngày thứ 7 trong thời gian diễn ra kỳ họp, cần thiết có thể kéo dài thời gian làm việc ngoài 17g hàng ngày...
“Các quy trình không thay đổi, chỉ đẩy thời gian lên, lịch làm việc “sít sao” hơn. Các cơ quan của Quốc hội phải chuẩn bị rất kỹ từ trước về các nội dung tiếp thu, giải trình. Tất cả tài liệu liên quan đều đã gửi cho các đại biểu nghiên cứu trước...”, ông Cường nói.
Theo Tổng thư ký Quốc hội, để phòng tránh lây nhiễm, tất cả ĐBQH đều được xét nghiệm 3 lần trước khi về Hà Nội dự họp. Riêng với các ĐBQH đến từ các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 thì ngoài 3 lần xét nghiệm tại địa phương, khi về Hà Nội sẽ phải xét nghiệm thêm 2 lần nữa, đồng thời bố trí chỗ ăn ở, xe đưa đón riêng, khu vực ngồi họp riêng trong hội trường...
M.Quang