Quốc hội đề nghị nghiên cứu đánh thuế cao hơn với người sở hữu nhiều nhà, đất

23/11/2024 - 16:34

PNO - Đây là nội dung trong Nghị quyết liên quan tới bất động sản, nhà ở vừa được Quốc hội thông qua chiều 23/11.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, chiều 23/11 - ảnh: Media Quốc hội
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết, chiều 23/11 - ảnh: Media Quốc hội

Chiều 23/11, với 421/423 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Nghị quyết chỉ ra, giai đoạn 2022 - 2023, thị trường bất động sản suy giảm; nguồn cung giảm mạnh so với giai đoạn trước; giá bất động sản tăng cao gấp nhiều lần so với mức tăng thu nhập trung bình của đa số người dân.

Số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng chi phí cho chủ đầu tư, tăng giá bán sản phẩm; bất động sản du lịch, lưu trú gần như “đóng băng”, tiếp tục gặp vướng mắc về pháp lý.

Về nhà ở xã hội, bên cạnh các kết quả đạt được, hệ thống pháp luật còn thiếu tính ổn định; một số quy định pháp luật về phát triển nhà ở xã hội chưa được hướng dẫn cụ thể; vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo...

Nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 không đạt được. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp, khó khả thi.

Từ thực tế trên, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện ngay nhiều nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, Quốc hội yêu cầu có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ...; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”.

Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” bảo đảm tiến độ, chất lượng và phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, còn có các giải pháp thiết thực để cải tạo chung cư cũ xuống cấp; rà soát các công trình, dự án nhà ở phục vụ tái định cư, có giải pháp phù hợp để sớm khắc phục tình trạng chậm đưa vào sử dụng, tránh lãng phí.

Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương điều tiết, đa dạng hóa sản phẩm bất động sản để đáp ứng cung – cầu; phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân, đáp ứng nhu cầu về nhà ở.

“Sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam”, Nghị quyết nêu rõ.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI