Sáng 25/10, sau khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.
Chiều cùng ngày, ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.
|
Chiều nay, kết quả bỏ phiếu kín lấy phiếu tín nhiệm 48 người sẽ được công bố |
Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là công việc làm đột xuất, việc này đã được các đại biểu theo dõi, giám sát từ đầu nhiệm kỳ, khi Quốc hội bầu vào các vị trí.
Theo ĐB Vũ Trọng Kim, việc “chấm điểm” ĐBQH dựa trên các yếu tố: Có hoàn thành nhiệm vụ không, quyền hạn có sử dụng đúng không. Thứ hai là trách nhiệm phục vụ nhân dân như thế nào trong điều kiện chính phủ kiến tạo, liêm chính. Bên cạnh đó, lối sống, đạo đức, mức độ nhiệt tình của người đó trong công việc cũng những yếu tố để đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm.
ĐBQH Vũ Trọng Kim cũng đề cập tới việc, rất ít ĐBQH thực hiện kê khai tài sản của các nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm. “Cần xem xét có điều gì bất thường không? Mức sống có quá xa cách với người dân không? Thu nhập, tài sản có vượt quá mức xứng đáng được nhận không?
Việc này nhân dân cũng theo dõi, do đó việc giải trình rất quan trọng, tạo điều kiện cho 48 người được lấy phiếu tín nhiệm có điều kiện trình bày. Nhưng tôi chưa thấy có sự trình bày cụ thể về vấn đề này. Bản kiểm điểm của những người lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi tới các đại biểu, nhưng trong đó ít người nói tới vấn đề tài sản”.
|
ĐBQH Vũ Trọng Kim cho rằng, các nhân sự được lấy phiếu tín nhiệm cần báo cáo cả việc kê khai tài sản |
Liên quan tới việc công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá, đây là sự kiện để bản thân những người được lấy phiếu tín nhiệm phải đánh giá lại mình. Bên cạnh đó, dựa trên tỉ lệ lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu Quốc hội cũng phải nhìn nhận lại tại sao mình đánh phiếu tín nhiệm cao, nhưng ĐBQH khác lại đánh giá thấp? Điều đó, tạo ra một sự phân hóa trong chính các đại biểu quốc hội.
“Qua kết quả này, nhân dân và cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng biết được người mà Đảng giới thiệu sang làm nhiệm vụ Nhà nước có đảm bảo đầy đủ phẩm chất và năng lực không? Có nên tiếp tục giữ trọng trách đó không? Ý nghĩa thì rất nhiều, nhưng đánh giá của nhân dân là quan trọng nhất”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng đề xuất, việc đánh giá cán bộ tiến hành 1 lần giữa kỳ như hiện nay là chưa đảm bảo, do đó, cần tiến hành thường xuyên, hàng năm để sát sao hơn.
Minh Quang