Quốc hội đã thông qua Luật Trưng cầu dân ý

26/11/2015 - 07:13

PNO - Quốc hội sẽ xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, và ý dân có vai trò quyết định.

Chiều 25/11, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương 52 điều có hiệu lực từ 1/7/2016.

Luật quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Ngày bỏ phiếu là ngày Chủ nhật, do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân.

Chủ thể được đề nghị trưng cầu ý dân là Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân. Và theo dự luật, cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu mới hợp lệ.

Trước khi trình Quốc hội, đề nghị trưng cầu ý dân phải được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban có liên quan của Quốc hội thẩm tra. Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị trưng cầu ý dân theo quy định. Khi xét thấy đề nghị đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa nội dung quyết định việc trưng cầu ý dân vào dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Những vấn đề được Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; các vấn đề đặc biệt quan trọng về: chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước và vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Điều đáng chú ý là, dự thảo quy định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả này. Nếu vi phạm phải có trách nhiệm tổ chức đảm bảo thực hiện nghiêm kết quả trưng cầu ý dân.

Trưng cầu ý dân được đánh giá là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của công dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

Hoàng Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI