Quốc hội chính thức thông qua Luật tiếp công dân

26/11/2013 - 07:10

PNO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 25/11, Quốc hội làm việc ở hội trường biểu quyết thông qua Luật tiếp công dân và thảo luận về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).

edf40wrjww2tblPage:Content

 Cần thiết sửa đổi Luật bảo vệ môi trường

Các đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (đoàn Bắc Ninh), Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ), Nguyễn Đức Hiền (đoàn Nghệ An), Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang)... nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Theo đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm (đoàn Bắc Ninh), việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2005 nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường; thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung những quy định nhằm khắc phục những tồn tại trong phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; những quy định mới về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, an ninh môi trường...

Quoc hoi chinh thuc thong qua Luat tiep cong dan

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tiếp công dân. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị dự thảo Luật cần rà soát lại các yêu cầu chung và phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước trong việc quản lý tài nguyên cũng như chủ động trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mặt khác, dự thảo Luật cần thể chế hóa trách nhiệm cá nhân trong cách quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là thể chế hóa chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

Nên có quy hoạch bảo vệ môi trường

Về quy hoạch bảo vệ môi trường, các đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Lê Thị Công (đoàn Bà Rịa-Vũng tàu) cho rằng dự thảo Luật bảo vệ môi trưởng (sửa đổi) có nhiều quy định mà nội dung liên quan đến quy hoạch bảo vệ môi trường nhưng không đề cập đến nội dung, cấp độ, trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức xây dựng quy hoạch, thời kỳ quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ thêm về vấn đề này.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Lâm (đoàn Long An), quy hoạch bảo vệ môi trường là một nội dung mới rất cần thiết cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường, cần đưa vào dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của các địa phương về bảo vệ môi trường hiện nay. Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị cần phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường gắn với việc quy hoạch các chức năng sinh thái để phát triển một cách bền vững.

Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường

Về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định), Triệu Thị Nái (đoàn Hà Giang) nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tuy nhiên, so với phạm vi điều chỉnh của Luật bảo vệ môi trường năm 2005 thì “hộ gia đình” chưa được quy định trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, trong khi đó hộ gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Các đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần nhấn mạnh và làm rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thể hiện lại Điều 1 của Dự thảo Luật cho phù hợp hơn.

Đối với đánh giá tác động môi trường, các đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định), Nguyễn Minh Lâm (đoàn Long An) cho rằng thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập đánh giá tác động môi trường thấy xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.

Vì vậy, việc quy định 2 bước lập đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường phải do Chính phủ quy định là cần thiết.

Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát quy định này để bảo đảm thực sự là không phát sinh thủ tục hành chính và khắc phục được việc gây lãng phí cho chủ đầu tư, xã hội.

Các đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật cân nhắc việc đánh giá tác động môi trường sơ bộ phải xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường bởi lẽ, sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư và doanh nghiệp; đồng thời sẽ xuất hiện cơ chế “xin cho” và tiêu cực trong quá trình lấy ý kiến. Mặt khác, quy định này sẽ dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương.

Ngoài ra, các đại biểu đã thảo luận vào một số nội dung như trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; việc sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu; thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ môi trường; những hành vi bị nghiêm cấm...

Thông qua Luật tiếp công dân

Với 84,14% số phiếu đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tiếp công dân. Như vậy, Luật tiếp công dân gồm 9 chương, 36 điều, quy định rõ về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.

Luật tiếp công dân cũng quy định cụ thể về việc tiếp đại diện của cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện như đối với tiếp công dân.

Theo Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, sáng 26/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật hôn nhân và gia đình; đồng thời biểu quyết thông qua Luật đấu thầu (sửa đổi).

Theo NGUYỄN CƯỜNG (TTXVN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI