Quốc hội bàn cách phát triển nhà ở xã hội

30/08/2023 - 06:22

PNO - Ngày 29/8, dự hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ tư khóa XV, khi bàn về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu trăn trở về việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị lớn.

Mua nhà ở xã hội không phải để bán lại

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, các chính sách phát triển nhà ở hiện nay vẫn theo hướng xem quyền sở hữu nhà ở là tài sản hơn là chỗ để ở. Ông đề nghị Quốc hội nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng “nhà là để ở”, không phải để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai. Trên thực tế, có tình trạng mua bán nhà ở xã hội với mức giá tăng gấp 2-3 lần so với giá mua. 

Khu nhà ở xã hội thuộc dự án xây cao ốc Jamona Apartment (quận 7, TPHCM) - ẢNH: BÍCH TRẦN
Khu nhà ở xã hội thuộc dự án xây cao ốc Jamona Apartment (quận 7, TPHCM) - Ảnh: Bích Trần

Ông tán thành quy định rằng, người mua nhà ở xã hội không có nhu cầu ở sau 5 năm chỉ được chuyển nhượng lại nhà cho chủ đầu tư ban đầu hoặc đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội với giá bằng giá mua ban đầu: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có được chỗ ở chứ không phải để tạo ra thu nhập cao cho họ trong tương lai từ tài sản này. Nhà ở xã hội là để ở, không phải để cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức”. 

Ông cũng dự đoán, nhu cầu có nhà ở các khu đô thị sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới do tác động của sự di dân và già hóa dân số. Trước thách thức này, cần có các chủ trương, chính sách để khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội, chấm dứt tình trạng mua nhà ở xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” như trong thời gian qua. 

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, dự thảo luật đang thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng cung, như giảm chi phí đầu vào, gia tăng ưu đãi của nhà đầu tư mà chưa tập trung làm tăng cầu, tức là thiếu các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà như cho vay với lãi suất thấp, dài hạn. Số người được hỗ trợ tăng, nguồn cầu mua nhà tăng mới thu hút sự đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. 

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội thảo luận về 8 dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp thứ sáu tới, gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Quỹ đất xây nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh bố trí

Để tạo nguồn đất xây dựng nhà ở xã hội, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho hay, có 2 phương án. Phương án 1 là kế thừa luật hiện hành, quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất nhất định để xây dựng nhà ở xã hội. Về phương án này, nhiều đại biểu đề nghị hình thức thực hiện cần linh hoạt, chẳng hạn chủ đầu tư có thể dành quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại hoặc quỹ đất ở vị trí khác, thậm chí có thể đóng góp bằng tiền với mức tương đương giá trị quỹ đất dành cho nhà ở xã hội. Phương án 2 là UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí quỹ đất nhà ở xã hội.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với phương án đầu tiên để bảo đảm trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với việc phát triển nhà ở xã hội. Phương án này cũng huy động các nguồn lực xã hội chung tay với Nhà nước để đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) không đồng tình với quan điểm này. Ông phân tích, các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại thường chọn xây ở các khu đất vàng, gần trung tâm. Nếu dành từ 10 - 20% đất để xây nhà ở xã hội ở đây, người có thu nhập thấp sẽ không có điều kiện để chi trả các loại phí dịch vụ cao, chi phí sinh hoạt ở khu vực trung tâm cũng không phù hợp với họ. Do đó, ông Phạm Văn Hòa đề nghị phải quy định rõ ràng, tách bạch giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. UBND cấp tỉnh cần chịu trách nhiệm bố trí quỹ đất xây nhà ở xã hội cho người dân. 

Đồng tình, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, buộc chủ đầu tư xây nhà ở thương mại phải dành quỹ đất xây nhà ở xã hội là chưa phù hợp với quy luật thị trường, tạo gánh nặng cho chủ đầu tư, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. 

Tranh luận việc giao Tổng liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư?

Theo đại biểu Trần Văn Tuấn (tỉnh Bắc Giang), Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu “đến năm 2020, phấn đấu có 70% công nhân các khu công nghiệp được giải quyết về chỗ ở” nhưng tới nay, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu này. Vấn đề nhà ở kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác như an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em… mà nếu giải quyết tốt, sẽ tạo sự an tâm cho người lao động. Ông cho rằng, để huy động nguồn lực, nên đưa vào dự thảo luật quy định Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án xây nhà ở xã hội.

Nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị không nên để Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bởi đó là tổ chức chính trị, không có chức năng kinh doanh. Tổ chức này có nhiều cách khác nhau để chăm lo đời sống của công nhân, nhưng việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thì nên giao cho các đơn vị khác.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI