Quốc gia Tây Âu đầu tiên tái phong tỏa vì đợt bùng phát dịch COVID-19

13/11/2021 - 06:28

PNO - Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vừa chính thức tuyên bố đóng cửa một phần đất nước trong 3 tuần, với số ca nhiễm mới và tử vong tăng kỷ lục khi mùa đông đang cận kề.

Với quyết định mới nhất này, Hà Lan trở thành quốc gia tái phong tỏa đâu tiên ở khu vực Tây Âu, kể từ khi đợt bùng phát dịch nghiêm trọng diễn ra trong 2 tháng qua.

Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh động thái này là để đối phó với tình trạng số ca mắc COVID-19 hàng ngày liên tiếp lập kỷ lục và lượng bệnh nhân ở các đơn vị chăm sóc đặc biệt tăng cao khiến hệ thống y tế quá tải.

Hà Lan trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên tái phong tỏa vì đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất.
Hà Lan trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên tái phong tỏa vì đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất

Trong ngày 11/11, Bộ Y tế đã ghi nhận 16.364 trường hợp dương tính COVID-19 - con số cao nhất từ trước đến nay kể từ khi dịch bệnh bắt đầu lây lan tại đây. Mặc dù đã có hơn 84% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ nhưng Hà Lan vẫn tiếp tục vật lộn với dịch bệnh.

Không riêng Hà Lan, phần lớn các nước châu Âu cũng đang đối mặt với số ca nhiễm tăng vọt, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc do dự tiêm vắc xin của người dân.

Theo lệnh cấm, các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa lúc 18 giờ; còn quán cà phê, nhà hàng và khách sạn buộc ngưng hoạt động lúc 20 giờ. Các trận đấu thể thao chuyên nghiệp sẽ diễn ra ở các sân vận động trống và mọi người được khuyến nghị làm việc ở nhà càng nhiều càng tốt. Khoảng cách xã hội 1,5 mét sẽ được áp dụng lại và tối đa bốn khách trên 13 tuổi sẽ được phép tụ tập ở nhà của người dân.

Hà Lan không đơn độc trong việc tái áp dụng các biện pháp cứng rắn để kiềm chế sự lây lan của virus. Mới đây, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg cũng cho biết nước này đang thực hiện lệnh cấm với những người không tiêm chủng ở hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vào tuần tới và có vẻ sẵn sàng tiến hành các biện pháp tương tự trên toàn quốc.

Bắt đầu từ ngày 15/11, những người chưa được tiêm phòng ở các vùng Thượng Áo và Salzburg sẽ chỉ được phép rời nhà vì những lý do cần thiết cụ thể, chẳng hạn như mua hàng tạp hóa hoặc đi khám bệnh.

Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức đang kêu gọi mọi người hủy bỏ hoặc tránh các sự kiện lớn để giảm tiếp xúc khi tỷ lệ nhiễm bệnh đang đạt mức cao.

Phát biểu về tình hình ngày càng xấu đi ở châu Âu trong một cuộc họp báo ngày 12/11, tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới về các trường hợp khẩn cấp, cho biết: “Thành thật mà nói, một số quốc gia đang ở trong tình trạng khó khăn đến mức họ khó lòng không áp dụng các biện pháp hạn chế, ít nhất là trong một thời gian ngắn để giảm cường độ lây truyền”.

Chung Thu Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI