Quốc gia nào sở hữu nhiều nữ phi công nhất thế giới?

08/03/2023 - 10:36

PNO - Ấn Độ là quốc gia có số lượng nữ phi công lái máy bay thương mại cao nhất thế giới, vượt xa nhiều nước phát triển khác như Mỹ và châu Âu.

 

Nữ phi công Turi Widerøe bên cạnh chiếc máy bay Convair 440 Metroliner năm 1957 - Ảnh: thisdayinaviation
Nữ phi công Turi Widerøe bên cạnh chiếc máy bay Convair 440 Metroliner năm 1969 - Ảnh: thisdayinaviation

Nghề phi công lâu nay vốn được “đo ni đóng giày” như là nghề độc quyền dành riêng cho nam giới. Điều này không phải là không có cơ sở khi đến nay chỉ có 6% phi công trên toàn cầu là phụ nữ, mặc dù cách đây 54 năm, chúng ta đã có nữ phi công đầu tiên là bà Turi Widerøe người Na Uy làm việc cho hãng hàng không thương mại Scandinavian Airline Systems (SAS) từ năm 1969.

Đáng ngạc nhiên là một số hãng hàng không lớn và nổi tiếng thế giới như Emirates (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), Aeroflot (Nga), Air France (Pháp) và Finnair (Phần Lan) lại có tỉ lệ nữ phi công cực kỳ thấp trong khi có không ít hãng hàng không đang cố gắng tìm cách gia tăng số lượng các "bóng hồng" điều khiển những “con chim sắt” khổng lồ bay trên bầu trời.

Để chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhiều hãng hàng không có xu hướng “làm một điều gì đó đặc biệt” bằng cách bố trí những chuyến bay được vận hành hoàn toàn bởi phi hành đoàn là phụ nữ - điều hiếm khi xảy ra vào những ngày bình thường khác trong năm. Air Canada, Air Zimbabwe và American Airlines là 3 hãng hàng không duy trì thường xuyên truyền thống này và nhận được nhiều lời khen ngợi từ công chúng.

Ấn Độ là quốc gia có số lượng nữ phi công cao nhất thế giới - Ảnh: Simple Flying
Ấn Độ là quốc gia có số lượng nữ phi công cao nhất thế giới - Ảnh: Simple Flying

Tuy nhiên, quốc gia có nhiều phi công nữ nhất lại là Ấn Độ. Theo nền tảng thống kê Statista thì năm 2021, quốc gia Nam Á này có tới 12,14% phi công là phụ nữ, cao gấp đôi mức trung bình trên toàn cầu. Đứng thứ hai là Ireland với 9,9%, Nam Phi: 9,8%, Úc: 7,5%, Canada: 7%, Đức: 6,9%, Mỹ: 5,5% và Vương quốc Anh: 4,7%.

Hãng tin Bloomberg cho biết, các hãng hàng không Ấn Độ đang không ngừng tăng cường tuyển dụng nữ phi công thông qua các chương trình tiếp cận cộng đồng, cải thiện chính sách tuyển dụng, mở rộng chính sách phúc lợi, trợ cấp học bổng để giúp chi trả cho quá trình đào tạo cực kỳ tốn kém… Đây chính là điều đáng khen ngợi khi Ấn Độ thường bị xếp hạng thấp về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực.

Một trong những gương mặt nữ phi công điển hình ở Ấn Độ là cô Nivedita Bhasin. Năm 1989 khi mới 26 tuổi, cô đã trở thành nữ cơ trưởng trẻ nhất thế giới làm việc cho một hãng hàng không thương mại.

“Những ngày đầu mới vào nghề, tôi luôn bị hãng hàng không giục vào buồng lái thật sớm để hành khách không nhìn thấy tôi và cảm thấy lo lắng khi biết rằng, một phụ nữ sắp lái máy bay chở họ bay trên bầu trời” - cô Bhasin kể lại.

Nữ phi công Zoya Agarwal - Ảnh: captainzoya
Nữ phi công Zoya Agarwal - Ảnh: captainzoya

Một hình mẫu nữ phi công khác tiên phong trong lĩnh vực nghề nghiệp đầy thách thức này là cô Zoya Agarwal.

Chuyến bay đầu tiên do Zoya điều khiển cho hãng hàng không AirIndia là vào năm 2004. Vào thời điểm đó, cô là một trong số rất ít nữ phi công ở Ấn Độ. 10 năm sau, vào năm 2013, cô trở thành nữ phi công trẻ nhất Ấn Độ lái chiếc Boeing-777.

Mặc dù nữ phi công 40 tuổi này đã có một sự nghiệp lâu dài đáng ngưỡng mộ, thế nhưng Zoya cũng phải công nhận, một trong những trở ngại lớn nhất của phụ nữ để theo đuổi nghề phi công chính là môi trường gia đình “vốn rất bảo thủ ở Ấn Độ, luôn có quan niệm phụ nữ cần được đàn ông nuôi nấng bảo bọc”.

“Mẹ tôi đã khóc rất nhiều khi tôi nói với bà rằng tôi muốn trở thành phi công. Thậm chí bà còn nghi ngờ là tôi bị tâm thần nên mới có suy nghĩ lạ lùng như vậy” - cô Zoya chia sẻ.

Nguyễn Thuận (theo Simple Flying, Euronews)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI