Quốc gia nào có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cao nhất thế giới?

11/03/2021 - 08:27

PNO - Cuộc chạy đua từng ngày của các quốc gia nhằm chống lại sự hoành hành của đại dịch đã dần lộ diện những "quán quân" trong việc triển khai chương trình tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân của đất nước mình.

Chile đã qua mặt Israel để trở thành quốc gia có số người dân được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cao nhất thế giới trong vòng 7 ngày vừa qua theo cách tính dựa trên số lượng vắc-xin được tiêm trên mỗi 100 dân.

Một người đàn ông trong trang phục siêu nhân đang đưa mẹ mình đi tiêm vắc-xin COVID-19 ở thủ đô Santiago, Chile - Ảnh:
Một người đàn ông trong trang phục siêu nhân đang đưa mẹ mình đi tiêm vắc-xin COVID-19 ở thủ đô Santiago, Chile - Ảnh: EPA

“Hôm nay chúng ta có một lý do mới để tự hào: Chile đã giành vị trí quán quân trong bảng tổng sắp toàn cầu về số mũi tiêm tính trên tỷ lệ 100 người dân”, thông cáo báo chí của quốc gia Nam Mỹ này viết một cách đầy tự hào ngay sau khi dữ liệu thống kê mới nhất từ cổng thông tin Our World in Data được công bố.

Theo đó, Chile đã đạt được tỷ lệ tiêm bình quân 1.08 liều/ngày/100 người dân trong vòng 7 ngày. Tỷ lệ này hiện nay của Israel là 1.03. Thông báo này được đưa ra đúng vào thời điểm cả thế giới vẫn đang chạy đua từng ngày để chống chọi với COVID-19, và cũng tròn một năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố chính thức rằng, loài người đang phải đối mặt với đại dịch.

Vào ngày 11/3/2020, số ca xác nhận mắc COVID-19 chỉ mới chạm ngưỡng 125.000 ca cùng với số ca tử vong khoảng 5.000 người. Thế nhưng giờ đây, trên toàn cầu đã có hơn 117 triệu người dương tính với SARS-CoV-2 và hơn 2,6 triệu người ra đi mãi mãi vì đại dịch.

Tổng thống Chile Sebastian Piñera đi thị sát lô hàng chứa vắc-xin vừa đến sân bay quốc tế Arturo Merino Benitez (Chile) ngày 28/1/2021 - Ảnh: Marcelo Hernandez/Getty Images
Tổng thống Chile Sebastian Piñera đi thị sát lô hàng chứa vắc-xin vừa đến sân bay quốc tế Arturo Merino Benitez (Chile) ngày 28/1/2021 - Ảnh: Marcelo Hernandez/Getty Images

Không thể ngồi yên để coronavirus cướp đi mạng sống của người dân, Chile đã ngay lập tức hành động để trở thành một trong những quốc gia đặt mua vắc-xin sớm nhất để ngay sau đó trở thành nước đầu tiên trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe tiêm những mũi tiêm ngừa COVID-19 cho đông đảo người dân của mình. Hiện tại, đất nước này đã hoàn tất quá trình đặt mua 35 triệu liều vắc-xin, trong đó 10 triệu liều đã sẵn sàng để tiêm cho người dân.

Đất nước 18 triệu dân này tỏ rõ quyết tâm sẽ tiêm xong cho hầu hết dân chúng vào tháng Sáu tới với 21% dân số, đến nay đã tiêm xong mũi đầu tiên trong tổng số 2 mũi phải tiêm cho mỗi người.

Israel đang từ vị trí đầu tiên giờ đây đã tụt xuống vị trí thứ 2 với 9,3 triệu dân đã được tiêm xong mũi đầu và đang khẩn trương thúc đẩy kế hoạch tiêm phòng của mình trong tuần này để kịp cho việc tái mở cửa nền kinh tế vào tuần sau.

Một người đàn ông Do Thái đang được tiêm mũi tiêm đầu tiên ở Israel - Ảnh:
Một người đàn ông Do Thái đang được tiêm mũi tiêm đầu tiên ở Israel - Ảnh: Reuters

Ở Mỹ thì Tổng thống Joe Biden đã dành ưu tiên cho việc giải quyết đại dịch coronavirus ngay trong những đầu tiên đắc cử với mục tiêu 100 triệu liều vắc-xin sẽ được tiêm cho người dân trong vòng 100 ngày đầu tiên ngồi ghế tổng thống của mình, vốn sẽ chạm mốc vào cuối tuần sau.

Ngược lại, châu Âu lại đang vật lộn một cách chật vật với việc triển khai tiêm vắc-xin cho người dân, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự chậm chạp trong việc cung cấp nguồn vắc-xin cho các quốc gia thành viên.

Bên cạnh nguồn vắc-xin được cung cấp bởi các hãng thuộc Mỹ và châu Âu như Johnson & Johnson,  BioNTech/Pfizer, Moderna và AstraZeneca thì lục địa này vừa tuyên bố sẽ bổ sung thêm 10 triệu liều vắc-xin Sputnik V (Nga) được sản xuất ngay tại Ý vào giữa cuối năm 2021.

Châu Âu bị chỉ trích vì sự chậm trể trong thương thảo mua vắc-xin - Ảnh: Andreas Rentz/Getty Images
Châu Âu bị chỉ trích vì sự chậm trễ trong thương thảo mua vắc-xin - Ảnh: Andreas Rentz/Getty Images

Ở châu Phi thì một số quốc gia như Sudan và Tunisia đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin cho những đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế, người cao tuổi.

Một loạt các nước ở châu Á cũng đã xúc tiến việc tiêm vắc-xin cho người dân của mình từ cuối tháng 2. Malaysia tuyên bố sẽ tiêm miễn phí cho toàn bộ người dân nước mình. Indonesia đã tiêm 9 triệu mũi tiêm lần một cho nhân viên y tế tuyến đầu từ tháng 2 trong khi Philippines lên kế hoạch tiêm vắc-xin cho 25% dân số của mình trong năm 2021 bắt đầu từ tháng Sáu.

Với Việt Nam thì lô hàng đầu tiên gồm 117.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19 do hãng AstraZeneca sản xuất đã cập cảng hàng không Tân Sơn Nhất vào cuối tháng Hai để sẵn sàng cho đợt tiêm đầu tiên cho hơn 50.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Nguyễn Thuận

(theo DPA, AFP, AP, ST, Asean Briefing)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI