Quốc gia đáng sống theo chuẩn của ai?

08/07/2019 - 13:50

PNO - Một nhân tài, có lẽ nên là người giải quyết được các vấn đề của thành phố. Tiêu chí đó, nên chăng mai này, cần đưa vào trong việc chọn cán bộ lãnh đạo.

Thông tin Việt Nam lọt vào Top 10 quốc gia đáng sống (sau thì biết đây là bình chọn của các Expat - người nước ngoài đến sống và làm việc tại Việt Nam) và tin TP.HCM sẽ thưởng 1 tỷ đồng cho nhân tài đặc biệt khiến dân tình xôn xao về hai khái niệm này.

Người ta xôn xao vì nhiều lẽ. Một số cười cợt không tin, vì thỉnh thoảng hay “lòi ra” những tin “kỳ dị” kiểu như “nữ hoàng văn hóa tâm linh” không rõ ai bầu và làm công việc gì mà vừa trúng xong thì xin rút khỏi ban chống hàng giả. Loại trừ những người bất mãn “chuyện gì cũng chửi cái đã” thì quốc gia đáng sống và nhân tài đặc biệt có nhiều điều rất đáng suy nghĩ.

Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia đáng sống, theo ý kiến người nước ngoài, là chuyện dễ hiểu: họ được trả lương cao, sống ở nơi giá cả rẻ, từ ăn uống, đi lại, tiền nhà… Họ dễ kiếm việc làm, có khi  chỉ cần dạy tiếng Anh mà không cần bằng cấp hay nghiệp vụ sư phạm.

Việt Nam có nhiều cảnh đẹp và nếu là… Tây, bạn sẽ thường được ưu tiên. Từ khi có Tây đến xứ ta du lịch, người ta mới đầu tư các khu nhà vệ sinh sạch sẽ. Trong các nhà hàng, địa điểm du lịch, người ta còn giấu những thức ăn (như bơ chẳng hạn) để dành cho Tây ngủ muộn có mà ăn, không bị khách Việt (chuyên dậy sớm và mỗi khi ăn buffet thì vét sạch thứ ngon) gom hết là những ví dụ dễ thấy. Anh CSGT cũng thường mỉm cười cho qua hoặc sẵn lòng giúp đỡ khi có Tây nào đó “lỡ” chạy xe vào đường cấm.

Quoc gia dang song theo chuan cua ai?
Việt Nam vào tốp quốc gia đáng sống, nhưng ai bình chọn, theo tiêu chí nào?

Họ - những vị khách Tây ấy - cũng thường đến sống ở Việt Nam khoảng chục năm chứ không ở cả đời, lại là những năm trẻ khỏe. Không mấy khi thấy Tây nhập viện, nằm la liệt hành lang hoặc nằm ba người trên một giường bệnh. Sau nữa, họ không phải chịu đựng, va chạm quá nhiều với hệ thống hành chính hàng ngày, không phải xếp hàng đi khiếu kiện.

Không thấy mấy ý kiến của Tây về chuyện đi lại tắc đường, kẹt xe (có thể họ ngồi trong xe hơi và biết chuyện kẹt xe cả ở Bangkok, London). Mất cắp thì khổ rồi, nhưng còn dễ chịu hơn nạn ăn cắp ở châu Âu hiện nay. Có người đi Pháp về kể, ngồi ở bàn ăn, nơi sân bay, hay trên phố, cái túi để sát bên mình cũng có thể biến mất lúc nào chẳng hay. Đến bảo tàng còn phải đóng cửa vì nạn trộm cắp hoành hành…

Cũng không thấy ý kiến của Tây về những chuyện động trời như Sài Gòn, Hà Nội ô nhiễm bụi mịn cao hàng Top của Thế giới. Mà bụi mịn này thì không gì ngăn được, nó theo máu vào khắp cơ thể, phá hủy nội tạng. Việt Nam ở Top châu Á, đứng thứ tư trong số các nước thải rác nhựa nhiều nhất ra đại dương. Việt Nam cũng có tên trong Top quốc gia có số người mắc ung thư hàng năm.

Cho nên, nên điều tra, khảo sát ý kiến người Việt Nam thay vì thỏa mãn tự ái nước nhỏ bằng những đánh giá kiểu Top quốc gia đáng sống của Tây.

Còn vụ thưởng 1 tỷ đồng cho nhân tài đặc biệt, không thấy nói tiêu chí thế nào là nhân tài đặc biệt. Người hay lo và hoài nghi thì bảo, đã có nhiều tỉnh thành chiêu dụ nhân tài rồi, chưa thấy gì hay, cẩn thận kẻo lại chạy quen thân, lại chìa ra đầy bằng cấp mà không có thực lực. Loại người này đầy các cơ quan, trường học, theo những tiêu chí rất… trời ơi.

Cho nên, một nhân tài, có lẽ nên theo tiêu chí thế này: Thành phố đang gặp nhiều chuyện nan giải như kẹt xe, ngập nước, thực phẩm độc, bệnh viện quá tải, thủ tục hành chính cồng kềnh, nạn hàng giả, tin giả trên mạng xã hội, nạn tham nhũng, lách luật… Bây giờ, ai sáng chế ra công cụ thông minh, giải pháp thông minh, giúp giải quyết phần nào vấn đề (triệt để thì quá tốt), có sự xác nhận, đo lường cụ thể, thì đó là nhân tài đặc biệt.

Thậm chí sau này, các tiêu chí đó cũng nên đưa vào để chọn cán bộ lãnh đạo.

QUẢNG YÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI