Quốc ca, thu hồi danh hiệu nghệ sĩ: 2 vấn đề "nóng" tại quốc hội

28/03/2022 - 22:00

PNO - Một số vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực văn hóa thời gian qua đã được các đại biểu Quốc hội nêu lên trong phiên làm việc ngày 28/3.

Sáng 28/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, câu chuyện về Quốc ca, Quốc kỳ, Quốc huy được quan tâm đặc biệt.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2021, việc Quốc ca bị tắt tiếng trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào khi chương trình được phát trên YouTube. khiến dư luận xôn xao. 

Vụ tắt tiếng Quốc ca trong trận đấu giữa Việt Nam - Lào khi phát trên YouTube khiến dư luận xôn xao
Vụ tắt tiếng Quốc ca trong trận đấu giữa Việt Nam - Lào khi phát trên YouTube khiến dư luận xôn xao

Chính phủ đề nghị quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm, đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn. Thường trực Uỷ ban Pháp luật thống nhất với việc cần bổ sung quy định nhằm đảm bảo nội dung trên.

Theo đó, nội dung được sửa đổi, bổ sung dự kiến rằng khi thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng việc sử dụng Quốc ca, Quốc huy, Quốc kỳ hiện có lỗ hổng pháp lý khi chưa có văn bản nào quy định về việc sử dụng. Theo ông, Chính phủ có thẩm quyền hợp lý nhất trong việc này. Trong khi đó, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) nói hiện đã có văn bản quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nhưng chủ yếu là xử lý hành vi vi phạm, hướng dẫn sử dụng. Ông cho rằng về góc độ bản quyền, nếu không có quy định cụ thể về quyền liên quan thì rất có thể xảy ra trường hợp nhân danh sáng tạo nghệ thuật để xúc phạm, làm cản trở, ngăn chặn việc phổ biến 3 đối tượng này. Vì thế, theo đại biểu Minh Nam, cần có quy định riêng, đối xử đặc biệt hơn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung này được nhìn dưới góc độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam

Chiều cùng ngày, đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Luật thi đua khen thưởng sửa đổi. Theo đó, dự thảo quy định các trường hợp hủy bỏ quyết định tặng danh hiệu thi đua hình thức khen thưởng, thu hồi hiện vật và tiền thưởng như: gian dối trong việc kê khai thành tích; cung cấp thông tin sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ; thẩm định, xét duyệt, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng không đúng quy định; có kết luận, quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền về việc có khuyết điểm, vi phạm pháp luật trong khoảng thời gian tính thành tích hoặc liên quan đến công trình đã được tặng giải thưởng.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (tỉnh Tây Ninh) đề nghị  xem xét bổ sung thu hồi danh hiệu Nhà nước, vinh dự Nhà nước của cá nhân khi không còn xứng đáng, vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng xấu, bị dư luận xã hội lên án. Đại biểu Thanh Thuý dẫn chứng thời gian qua có nhiều vụ không thu hồi danh hiệu nhưng dư luận rất bức xúc. Vì thế, bà cho rằng việc bổ sung cụ thể quy định này để buộc nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh, tư chất hơn khi có ảnh hưởng lớn đến công chúng.

Việc NSƯT Hoài Lâm chậm giải ngân tiền từ thiện có được do quyên góp
Việc NSƯT Hoài Linh chậm giải ngân tiền từ thiện có được do quyên góp khiến dư luận không hài lòng. Đến nay vẫn còn không ít khán giả phản ứng tiêu cực với anh.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng hiện quy định để trao tặng giải thưởng, danh hiện chủ yếu là chấp hành tốt quy định của pháp luật, Nhà nước. Vì thế, cần bám sát theo quy định này để xử lý vi phạm. Theo bà, hiện quy định về tiêu chí vi phạm chưa có sự nhất quán ở các nhóm đối tượng, cần nghiên cứu kỹ để điều chỉnh phù hợp hơn.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI