Một sự cố nghiêm trọng liên quan đến Quốc ca đã xảy ra vào 19 giờ 30 ngày 6/12, khi trên sân vận động Bishan (Singapore) diễn ra lễ cử quốc thiều của hai đội trước trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào ở bảng B, AFF Cup 2020. Lúc ấy, khán giả xem tường thuật trận đấu này trên các nền tảng xã hội không được nghe các cầu thủ hát Quốc ca. Quốc thiều và tiếng hát Quốc ca đã bị tắt tiếng và trên màn hình hiện lên dòng chữ "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm". Còn những người theo dõi trận đấu trên sóng truyền hình thì khán giả vẫn có thể nghe rõ bài Quốc ca.
|
Nghi thức chào cờ trên Quảng trường Ba Đình, trước cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2/9/2020, kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với sự tham gia của đông đảo người dân. (Ảnh: baodantoc.vn) |
Sự việc này đã gây phản ứng mạnh mẽ trong dư luận và rất nhiều ý kiến đề nghị phải xử lý nghiêm khắc. Dù vấn đề đã có manh nha từ trước khi một đơn vị truyền thông đã bị công luận phản ánh là "xác nhận sở hữu bản quyền, khai thác trái phép" bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, nhưng vụ việc dường như chưa được giải quyết thấu đáo. Và sự cố trên sân Bishan dù vì lý do gì cũng cần được chấn chỉnh triệt để, để không tái diễn bất kỳ một trường hợp nào khác tương tự.
Trong tâm thức của người Việt Nam nhiều thế hệ qua, mỗi khi nghe giai điệu trầm hùng, mạnh mẽ của bản Tiến quân ca hay bài Quốc ca (vốn là lời 1 của bài Tiến quân ca) đều trỗi lên niềm tự hào, xúc động, thiêng liêng. Một số người mỗi khi đi ngang công sở nào đó mà nghe tiếng Quốc ca thì liền đứng lại thể hiện nghi thức chào cờ, dù không phải đang ở trong một lễ chào cờ đúng nghĩa. Nhiều người xem truyền hình hay nghe radio có phát quốc thiều hoặc Quốc ca thì cũng đứng lên một cách trang nghiêm, hệt như đang đứng trong lễ chào cờ. Nhiều bà con đến trụ sở cơ quan nhà nước để liên hệ công tác mà đúng lúc cơ quan đang tổ chức chào cờ thì tự giác xếp vào hàng để thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca. Nhiều người dự chào cờ dù đang có quốc thiều trỗi lên với âm lượng lớn nhưng vẫn bật lên tiếng hát, ít nhất cũng để mình nghe…
|
Lễ chào cờ trên đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) |
Hát Quốc ca, trân trọng bản Quốc ca, không chỉ bày tỏ tình cảm với bản Quốc ca, với nhạc sĩ Văn Cao mà chính là thể hiện sự tri ân với đoàn quân đã vượt bao gian khổ chiến đấu, hy sinh giành độc lập cho dân tộc, vốn mang ý nghĩa đại diện cho sự hy sinh, cống hiến của bao thế hệ người Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, để đất nước ta có được cơ đồ rạng rỡ như ngày hôm nay.
Thái độ đó là một trong những biểu hiện cụ thể cho tinh thần yêu nước, yêu chuộng tự do, độc lập, hòa bình. Do đó, hầu hết mỗi người Việt Nam đều ứng xử với Quốc ca bằng một thái độ trân trọng và bằng xúc cảm thiêng liêng.
Thế nhưng, đó đây, vẫn có những hành vi, thái độ chưa phù hợp khi ứng xử với Quốc ca. Năm 2015, lãnh đạo một doanh nghiệp đã “sáng tác” và lĩnh xướng cho hơn 500 nhân viên của mình hát lời chế từ Quốc ca, sau đó bị dư luận chỉ trích gay gắt. Năm 2016, một ca sĩ tên tuổi đã hát biến tấu Quốc ca tùy tiện, không nhạc nền, không dàn nhạc và hát theo tông thấp, chậm rãi như một ca khúc nhạc Pop nào đó mà cô thích, đặc biệt là khi có mặt một vị quốc khách. Hay trên mạng xã hội thời gian qua, thỉnh thoảng xuất hiện ý kiến đề nghị “đổi Quốc ca” và có người còn đưa ra một “gợi ý” về một ca khúc của một nhạc sĩ sống ở miền Nam trước năm 1975 và từng… chống Cộng!
Bên cạnh đó, thỉnh thoảng, có người còn có thái độ hời hợt, thiếu cân nhắc khi ứng xử với Quốc ca, như hát Quốc ca trong lúc chào cờ mà thiếu sự trang nghiêm; chưa thuộc lời Quốc ca; khi chào cờ mà còn phần thu âm sẵn lời thể hiện của Quốc ca thì không hát hoặc hát tiếng được tiếng mất… Những biểu hiện đó nên được chấn chỉnh để mỗi dịp chào cờ, mỗi dịp hát Quốc ca phải thực sự trang nghiêm, lắng đọng.
|
Nhiều băng rôn khẳng định chủ quyền biển đảo trong buổi lễ chào cờ ngày 19/5/2014 tại Trường THPT Nam Hà (tỉnh Đồng Nai) |
Nếu ai đó có dịp vào trường học (nhất là cấp I và cấp II) trong buổi chào cờ để nghe tiếng trống nghi thức Đội và sau đó là tiếng hát Quốc ca không có nhạc của hàng trăm học sinh hẳn sẽ thấy xúc động. Không gian đó, bối cảnh đó, âm thanh đó có thể gieo vào lòng người lớn những xúc cảm đặc biệt, có khi sống lại tuổi hoa niên của mình, có khi hồi tưởng những buổi chào cờ khó quên nào đó trong đời, và hẳn sẽ thấy chào cờ là một dịp rất đỗi thiêng liêng.
Hay nếu ai đó có dịp ra Trường Sa và được dự một buổi chào cờ kết hợp duyệt binh thì ấn tượng đọng lại có thể đi đến hết cuộc đời, bởi giữa sóng và gió, dưới lá quốc kỳ phần phật tung bay đầy kiêu hãnh, tiếng hát như được cất lên bằng tất cả hơi sức, tình cảm nên bay bổng giữa trời biển bao la. Cảm giác đó làm mỗi người dâng lên niềm tự hào và khơi gợi tinh thần trách nhiệm đối với biển đảo, đối với dân tộc, đối với đất nước, điều mà có lẽ những buổi chào cờ ở đất liền chưa được thể hiện rõ. Hay những buổi chào cờ ở “đầu trời” Lũng Cú (Hà Giang), trên Quảng trường Ba Đình mỗi sáng sớm, ở Nghĩa trang Trường Sơn, giữa hàng hàng mộ ở Côn Đảo… cũng có ý nghĩa rất sâu sắc.
Quốc ca là quốc thể. Nên bất kỳ ai xúc phạm, đùa giỡn với Quốc ca đều có thể bị coi là hành vi xúc phạm đến quốc thể. Quốc ca cũng là tài sản vừa mang tính vật chất vừa mang tính tinh thần vô giá của quốc gia, của mỗi người Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Không ai được phép mang tài sản quốc gia để trục lợi cho mục đích cá nhân hay bất kỳ dụng ý nào khác. Do đó, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm vụ việc tối 6/12, để không còn bất kỳ trường hợp nào xảy ra tương tự. Đồng thời, các cơ quan, trường học cần chú ý thực hiện nghi thức chào cờ, hát Quốc ca một cách trang nghiêm, đúng mực (hát đúng và rõ lời, đúng giai điệu, thể hiện thái độ phù hợp…). Các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền đậm hơn, sâu hơn về Quốc ca và ý nghĩa buổi chào cờ, phê phán nghiêm khắc các hành vi, ứng xử chưa phù hợp với Quốc ca, với buổi chào cờ…
Trúc Giang/hcmcpv