Rón rén vì sợ bản quyền
Ngày 6/12, khi tiếp sóng trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào trong khuôn khổ AFF Suzuki Cup lên YouTube, Next Sports (Next Media) chọn cách tắt tiếng phần lễ chào cờ, tức tắt Quốc ca của Việt Nam và Lào để tránh bị đơn vị sở hữu bản ghi “đánh gậy” bản quyền (cáo buộc một tác phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ). Hành động của Next Sports được cho là rút kinh nghiệm từ lần kênh YouTube FPT Bóng Đá Việt của FPT gặp phải khi tiếp sóng trận Việt Nam gặp Ả Rập Xê Út trên sân Mỹ Đình ngày 16/11. Phần nhạc Quốc ca Việt Nam trong trận cầu này bị Naxos Digital Services US (thay mặt cho Hãng đĩa Marco Polo) xác nhận sở hữu bản quyền bản ghi, việc tiếp sóng phát đầy đủ phần Quốc ca của FPT bị xem là vi phạm bản quyền và FPT đã bị ảnh hưởng lớn đến doanh thu từ quảng cáo của kênh.
Sự việc gây chú ý với công chúng và chính gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, bởi không ai nghĩ có một ngày, người dân Việt Nam lại bị hạn chế tiếp cận với ca khúc Tiến quân ca, và đơn vị đang ngăn chặn lại đến từ nước ngoài. Hiện tại, Quốc ca Việt Nam được nhiều đơn vị cả trong và ngoài nước thực hiện bản ghi âm ca khúc và phát hành, không chỉ riêng Hãng đĩa Marco Polo.
Hồi tháng 11, một vụ việc khác liên quan đến Quốc ca Việt Nam cũng xảy ra. VTV phản ánh BH Media khai thác, “đánh” bản quyền ca khúc này với bất kỳ đơn vị nào sử dụng bản ghi trên YouTube. Sự việc chưa kịp “nguội” thì tiếp tục có diễn biến mới, cho thấy vấn đề đòi hỏi các đơn vị chức năng phải vào cuộc xử lý.
|
Hình ảnh đội tuyển Việt Nam trong trận đấu với Lào hôm 6/12 trên kênh YouTube của Next Sports và dòng thông báo tắt âm thanh khi Quốc ca Việt Nam đang vang lên, gây bức xúc dư luận |
Đại diện gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Văn Thao - con trai ông - cho biết: “Năm 2016, gia đình đã tặng tác phẩm Tiến quân ca cho Nhà nước, và kể từ thời điểm đó, mọi tổ chức, cá nhân từ trong nước cho đến quốc tế đều được tự do sử dụng ca khúc với một điều kiện là không được kinh doanh. Nếu mang tính chất thương mại, đơn vị thực hiện phải có sự đồng ý của Nhà nước Việt Nam, ở đây là Cục Bản quyền tác giả và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL)”. Từ nguyện vọng cao đẹp này từ phía gia đình nhạc sĩ có thể thấy, cách mà Hãng đĩa Marco Polo, BH Media hay các đơn vị đang khai thác, “đánh” bản quyền bản ghi Quốc ca trên môi trường số là không thể chấp nhận.
Cần thiết có một bản ghi đồng nhất
Trên trang web chinhphu.vn, có đăng tải bản audio ca khúc Tiến quân ca. Khi liên hệ nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung để xác minh xem bản audio được đăng tải trên trang web chinhphu.vn và Quốc ca Việt Nam được phát chính thức trong trận Việt Nam - Lào tối 6/12 có điểm giống và khác nhau hay không? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: “Có vẻ là cùng một bản nhưng hai bản là hai tone khác nhau, nhưng vì bản ở trận đấu chất lượng phát hiện trường kém nên nghe không rõ”.
Trao đổi với chúng tôi, một số nhạc sĩ cho rằng Nhà nước cần có một bản ghi âm Tiến quân ca chính thức, được sử dụng rộng rãi cho toàn dân, và vào các dịp giao lưu văn hóa, thể thao, ngoại giao… với quốc tế. Đặc biệt, không chỉ sản xuất một bản phối duy nhất mà nên thực hiện nhiều bản từ nhạc có lời, không lời, bản chất lượng thấp, chất lượng cao, hòa âm theo các loại nhạc cụ khác nhau… để phục vụ cho nhiều mục đích. Điều quan trọng, phần việc này do đơn vị Nhà nước thực hiện và trao quyền cho toàn dân sử dụng, không được kinh doanh.
Không sử dụng hòa âm - phối khí của hãng nào thì không phải xin phép
Hơn 70 năm qua, bài Tiến quân ca đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ hòa bình, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Quốc ca của mỗi quốc gia thường được quy định trong hiến pháp của quốc gia đó. Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm cho Nhà nước là hiến tặng phần “nhạc và lời”. Tuy nhiên, đối với mỗi bản ghi âm, audio của một bài hát khi được phát hành sẽ chứa hai loại quyền tách biệt là: quyền bản ghi - liên quan đến phần nhạc, hòa âm phối khí và âm thanh giọng hát có trong bản ghi; quyền tác giả - liên quan đến phần giai điệu, tiết tấu và lời của bài hát được sử dụng trong bản ghi âm. Theo Luật Bản quyền, hãng đĩa hoặc nhà sản xuất ra bản ghi âm là người nắm giữ phần quyền bản ghi, còn nhạc sĩ, người sáng tác bài hát nắm giữ quyền tác giả hay còn gọi là tác quyền. Nhiều người chưa hiểu chính xác về hai loại quyền nói trên. Vì đây là một trường hợp rất đặc biệt, nên quan điểm của tôi là, Nhà nước nên bỏ tiền ra để hòa âm phối khí. Còn câu chuyện bản quyền trên YouTube là một câu chuyện khác. Trên đó, hiện nay, người ta chỉ quan tâm ai là người đưa lên nền tảng đó trước thôi. Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM Du Nguyên (ghi) |
Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với Cục Bản quyền tác giả - đơn vị được Bộ VHTTDL giao nhiệm vụ xử lý vụ việc - để hỏi về trách nhiệm quản lý ca khúc sau khi được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao trao tặng; liệu có sự cho phép nào giữa cục với Hãng đĩa Marco Polo hay không, và hướng xử lý vụ việc tiếp theo? Sau nhiều cuộc gọi, chúng tôi kết nối được với ông Lê Hồng Phong - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - ông không trả lời với lý do đang bận họp, và chưa có thông tin về vụ việc để cập nhật. Sau đó, khi gọi lại, ông Lê Hồng Phong cho biết những vấn đề liên quan đến ca khúc Tiến quân ca, từ phía Bộ VHTTDL sẽ có ý kiến chính thức, phía Cục Bản quyền tác giả và cá nhân ông không phát ngôn thêm về vấn đề này, trong khi trước đó, Bộ VHTTDL đã giao Cục Bản quyền tác giả xử lý (?).
Không thể không nhắc đến trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong vụ việc khó có thể chấp nhận này bởi đây là đơn vị chịu trách nhiệm chính về mọi mặt của đội tuyển bóng đá Việt Nam khi tham gia thi đấu ở nước ngoài. Khi được hỏi VFF có cung cấp bản thu âm Quốc ca Việt Nam để ban tổ chức trận đấu phát trong phần nghi thức chào cờ hay không, đại diện VFF cho biết vẫn đang kiểm tra lại quy trình này.
Quốc ca, một phần rất quan trọng trong mỗi trận đấu, thể hiện tinh thần dân tộc, được sử dụng ra sao, dường như đã bị VFF xem nhẹ, cho thấy sự tắc trách của đơn vị.
Luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ: “Hiện, Tiến quân ca thuộc sở hữu toàn dân, nên ai cũng có quyền sử dụng. Các đơn vị tiến hành sản xuất bản ghi thì có quyền với bản ghi của họ. Luật về bản quyền đã trở nên phổ biến trong đời sống, không quá khó để tìm hiểu. Vì thế, tôi đặt vấn đề vì sao VFF, Bộ VHTTDL, những đơn vị hoàn toàn có điều kiện để sản xuất bản ghi lại không làm, để dẫn đến sự việc rắc rối như thế này, ảnh hưởng đến người dân, quốc gia?”.
Đây không phải là lần đầu tiên, vụ việc bức xúc liên quan đến Quốc ca được quan tâm. Họa sĩ Văn Thao đã trao đổi với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - và nhiều lần đề nghị cần có một bản ghi âm thống nhất nhưng đến nay, sự việc vẫn chưa đặt đúng tầm quan trọng cần có. “Cục Bản quyền tác giả và Bộ VHTTDL cần nhanh chóng xử lý, vì đây không phải lần đầu, gia đình và dư luận lên tiếng về vấn đề bản quyền của Tiến quân ca. Tôi sẽ viết một lá thư gửi đến Bộ VHTTDL và Nhà nước, nói rõ những bức xúc trong lòng mình. Gia đình tôi bức xúc, nhân dân bức xúc, không lẽ các cơ quan nhà nước - nơi đã được gia đình trao tặng bài hát, không thấy bức xúc hay sao?”, họa sĩ Văn Thao nói thêm.
Khi sự việc được dư luận đặc biệt quan tâm, các cơ quan liên quan đã không thể đứng ngoài cuộc. VFF cho biết sẽ gửi cho ban tổ chức AFF Suzuki Cup bản thu âm mới Quốc ca Việt Nam để phát trong các trận đấu của đội tuyển nước nhà; Next Sports khẳng định sẽ không tắt tiếng Quốc ca trong các trận đấu sau của tuyển Việt Nam; Bộ VHTTDL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.
Nỗ lực xử lý khi sự vụ “đã rồi” cho thấy sự chậm chạp và thiếu chủ động của các cơ quan liên quan. Đáng lẽ, ngay khi BH Media “đánh gậy” bản quyền đối với VTV vào đầu tháng 11/2021, cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là Bộ VHTTDL và Cục Bản quyền tác giả đã phải vào cuộc để xử lý vấn đề, không phải đợi đến giờ. Và đến nay, Bộ VHTTDL vẫn chưa cho biết mình sẽ có bước đi nào tiếp theo đối với các đơn vị nước ngoài đang khai thác bản ghi ca khúc. Có ai chắc sự việc này không lặp lại lần nữa?
Diễm Mi - Trung Sơn