Quên tuổi xuân và hạnh phúc riêng để nuôi con người khác

18/01/2021 - 09:30

PNO - Gia tài lớn nhất của người phụ nữ là những đứa con, và hạnh phúc lớn nhất của họ là được làm mẹ. Có những người phụ nữ như bà Nguyễn Thị Lành và Đặng Thị Hiệp ở Tổ ấm Bình Minh chưa một lần mang nặng đẻ đau, thế nhưng gia tài và niềm hạnh phúc của họ thì thật khó bà mẹ nào sánh bằng. Nhiều năm qua, hai bà đã nuôi nấng, chăm sóc hàng ngàn đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng.

Yêu thương cho đi là không bao giờ mất

Nằm ở cuối thôn Tân Mỹ (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Tổ ấm Bình Minh là ngôi nhà cấp bốn thấp bé. Mái nhà đơn sơ ấy hiện do bà Nguyễn Thị Lành và Đặng Thị Hiệp quán xuyến. 

Bà Hiệp cũng như bà Lành, đã dành trọn tuổi xuân cho ngôi nhà thiện nguyện
Bà Hiệp cũng như bà Lành, đã dành trọn tuổi xuân cho ngôi nhà thiện nguyện

Bà Lành tuổi cỡ 60, là người ở thị xã Hương Thủy. Khi mười tám, đôi mươi, bà theo học trung cấp mầm non rồi vào TP.HCM công tác. Một lần, bà ốm nặng phải về Huế chữa bệnh, nghe mọi người kể nhiều về Tổ ấm Bình Minh cưu mang các cháu mồ côi đủ mọi lứa tuổi, mắc đủ bệnh tật, nên bà đến chơi với bọn trẻ. Không ngờ lần đến chơi ấy đã khiến bà “phải lòng” nơi này, thế là bà quyết định ở lại Huế, xin vào Tổ ấm Bình Minh làm việc không lương.

Cả gia đình đều bất ngờ trước quyết định của bà - bỏ Sài Gòn đô hội để gắn bó với mái nhà đầy những thân phận ven phá Tam Giang này.

Bà Đặng Thị Hiệp cũng từng là giáo viên một trường mầm non có tiếng trên địa bàn TP.Huế. Đang công tác yên ổn, bà đột ngột xin nghỉ để đến với Tổ ấm Bình Minh. Cũng giống như bà Lành, bà Hiệp đến với tổ ấm này bằng trọn vẹn lòng yêu thương bác ái. 40 năm qua, các bà chăm sóc, lo lắng cho bọn trẻ hoàn toàn là thiện nguyện, chưa từng nhận một đồng tiền lương hay công xá.

Ngày các bà mới về Bình Minh, nhiều người ái ngại: làm mẹ nuôi con đã khó, đằng này lại là những cô gái chưa chồng... Các bà cũng lo lắng vì chưa từng sinh nở, chưa từng chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhưng bà Lành, bà Hiệp quyết tâm: “Việc nào cũng là việc, hơn nữa đây lại là việc làm bác ái, mình cứ cố gắng ắt sẽ được”. Và có lẽ, bản năng làm mẹ luôn tiềm ẩn trong mỗi người phụ nữ, nên việc thay tã, tắm rửa, chăm sóc các cháu thực sự không quá khó khăn với hai bà. 

Lời ru bên những mảnh đời bất hạnh

Cứ vài ngày lại có người dân nhặt được một cháu bé sơ sinh mang đến cho hai

Tổ ấm Bình Minh chính thức thành lập năm 1992, hoạt động nhờ quỹ phúc lợi của Giáo phận Huế và các nhà hảo tâm. Khởi đầu nhà Bình Minh chỉ là nơi nuôi cơm cho những trẻ em con nhà nghèo thuộc địa bàn Thuận An và những vùng lân cận. Nhưng về sau, biết được việc làm từ thiện của nhà Bình Minh, hễ “nhặt” được trẻ sơ sinh ở đâu là người dân đều đưa các bé đến đây.

 

bà. Có cháu được đưa về từ chân cầu Bạch Hổ (TP.Huế), có cháu từ bãi rác, lại có những cháu bị mẹ bỏ lại bệnh viện khi vừa mới chào đời… Nhìn những đứa trẻ còn nguyên cuống rốn, bà Hiệp, bà Lành cứ tự hỏi tại sao người ta có thể nhẫn tâm đến độ sinh con ra rồi vứt bỏ khúc ruột của mình. 

Các bà buồn rầu kể, những đứa trẻ được đưa đến đây, mỗi đứa một hoàn cảnh, song hầu hết bố mẹ chúng đều còn rất trẻ. Có người ôm con đến xin các bà nuôi giúp để còn… đi lấy chồng. Nhìn đứa trẻ ngủ ngoan trên tay người mẹ trẻ đang khóc lóc, các bà khuyên nhủ, động viên người mẹ đừng bỏ con thơ tội nghiệp.

Gương mặt trẻ măng bớt nức nở rồi lẳng lặng ôm con đi. Hai bà chưa kịp mừng rỡ khi nghĩ đến việc người mẹ rồi sẽ hồi tâm, đứa trẻ sẽ được lớn lên trong tình mẫu tử thiêng liêng, thì chỉ một tiếng đồng hồ sau, đứa bé đã quay lại tổ ấm. Người dân trong thị trấn nhặt được cháu bên bờ phá Tam Giang.  

Bọn trẻ đến đây, cũng có những bé đau ốm, bệnh tật; nhưng phần nhiều là các cháu khỏe mạnh, xinh đẹp như thiên thần. Các bà bảo nhìn bọn trẻ như thế, ai mà chẳng thương. Những bé đau ốm, bệnh tật, mình càng phải yêu thương nhiều hơn để bù đắp sự bất nhẫn mà bố mẹ “ném” vào cuộc đời chúng, từ khi mới lọt lòng.

Có bé lúc được đưa về chỉ nặng 0,8kg do sinh thiếu tháng, thấy bé nhỏ xíu như mèo con, hai bà mới đặt tên “bé Mèo”. Mèo mang theo cả bệnh viêm phổi, tiền liệt sơ sinh, rồi lại cả mềm sụn thanh quản đến với tổ ấm. Cái đêm Mèo đến, một mẹ phải chăm sáu con nên các bà không đưa bé đi viện ngay được, một tay mẹ giữ bình sữa cho bé bú, tay kia phải vuốt ngực cho Mèo để bé có thể nuốt.

Sáng hôm sau, một người ở nhà coi sóc mái ấm, một người đưa Mèo vào viện. Nằm ở bệnh viện Trung ương Huế, khỏi được xuất huyết não thì Mèo phải thở ô-xy suốt hai ngày hai đêm. Khi đó, hy vọng sống của Mèo chỉ được 10%, “máy thở chứ hắn có thở mô. Rứa mà lúc bốn tháng, Mèo được ba ký đó” - bà Hiệp nhớ lại. 

Trong album nho nhỏ, các bà cho chúng tôi xem hình ảnh bé Xòe. Mẹ Xòe mang thai bé được hơn bảy tháng nhưng không muốn có sự hiện diện của con trên cõi đời. Chị ta trèo lên cây rồi nhảy xuống với mong muốn đứa con trong bụng sẽ… chết. Nhưng đứa trẻ vẫn sống, bé sinh ra với xương háng bị trật. Xòe vừa bú vừa khóc vì đau đớn, các “mẹ” dỗ dành, ầu ơ mãi bé mới ngủ được.

Ba tháng tuổi, Xòe đã phải vào viện để các bác sĩ nắn lại xương háng. Ca phẫu thuật không thành công như mong đợi, các bà phải chờ đến khi Xòe tròn một tuổi để đưa bé đi phẫu thuật lần hai.

Không thể tả xiết 12 tháng đầu đời đó, Xòe đã phải chịu đựng đau đớn ra sao. Cũng không thể kể hết các bà đã nuôi bé Xòe vất vả, khó khăn đến nhường nào.

Hạnh phúc khi được thấy con sống trong yêu thương

Một mẹ, một con đã là vất vả, nhưng ở Tổ ấm Bình Minh, một mẹ chăm năm, sáu con là chuyện bình thường. Cả chục đứa trẻ thay nhau ngủ, thay nhau đòi ăn, thay nhau khóc; đồng hồ sinh học của các bà cũng không còn rõ ràng cảm giác đâu là đêm, không biết hôm nào là thứ Bảy, Chủ nhật, cũng không còn khái niệm ngày nghỉ hay lễ tết.

Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc những gia đình nhân ái muốn nuôi thêm một đứa trẻ đều tìm đến Tổ ấm Bình Minh xin nhận con nuôi. Các bà chăm bẵm bọn trẻ được bốn, năm tháng, các bé cứng cáp, thoát khỏi bệnh nọ tật kia, mẹ con vừa kịp quen hơi nhau, thì các bà lại phải bùi ngùi trao con đến với những gia đình khác.

Hồi bé Mèo được bốn tháng, như mọi ngày, bà Lành để các bé nằm ngủ xa xa cho thoáng. Chẳng hiểu sao đêm ấy Mèo cứ lăn lại gần phía mẹ, Mèo đặt tay rồi gác cả chân lên người mẹ nữa. Hôm sau bà Lành có việc vào thành phố, đến lúc về thì bà Hiệp kể rằng bé Mèo đã được một gia đình đến nhận làm con nuôi, họ đưa Mèo đi rồi. 

Mẹ Lành, mẹ Hiệp lưu giữ những tấm hình kỷ niệm của các con như báu vật
Mẹ Lành, mẹ Hiệp lưu giữ những tấm hình kỷ niệm của các con như báu vật

Mỗi lần có bố mẹ đến xin con nuôi, các bà rất buồn. Nhưng hơn ai hết, các bà hiểu rằng, được những người giàu lòng nhân ái kia nhận làm con nuôi là giải pháp tốt nhất đối với bọn trẻ. Bé Xòe hồi khỏi cái khớp háng thì có vợ chồng người Hà Nam đến xin nhận làm con nuôi. Họ đã có hai đứa con trai, đứa lớn đang học đại học. Vì muốn có một cô con gái, hai cậu con trai cũng thích có em gái, nên họ bàn nhau tìm đến nhà Bình Minh.

Bé Xòe năm nay đã 14 tuổi. Hồi Xòe bảy tuổi, mẹ Lành ra Bắc thăm đúng hôm sinh nhật bé. Anh trai Xòe đi học ngoài Hà Nội, cũng bắt chuyến xe buýt cuối cùng về nhà mừng sinh nhật em. Về đến nhà thì Xòe đã ngủ, sáng hôm sau anh trai lay Xòe dậy sớm, tặng em con búp bê, rồi lại bắt chuyến xe buýt sớm nhất cho kịp giờ lên lớp. “Thấy các con được yêu thương là hạnh phúc lớn nhất rồi” - ánh mắt bà Lành, bà Hiệp lấp lánh. 

Hỏi thăm về gia đình ở quê, bà Lành, bà Hiệp chỉ cười: “Mỗi năm chạy qua chạy lại vài lần thôi chớ không nỡ rời bọn trẻ lâu quá. Vả lại từ lâu, đây đã là gia đình của mình rồi”. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI