PNO - Theo các chuyên gia, dù nhiều căn bệnh viêm não - viêm màng não đã có vắc-xin phòng bệnh nhưng nhiều gia đình vẫn chưa đưa con đi tiêm đầy đủ, đặc biệt là quên những mũi tiêm nhắc lại sau hai tuổi nên để lại những hậu quả nặng nề.
Bé gái tám tuổi tại Hà Nội liệt nửa người, mất nhận thức vì viêm não
Bé gái lớp Hai mất nhận thức vì viêm não
Nằm trên giường bệnh với chằng chịt những chiếc kim châm cứu trên người, đôi mắt của N.T.H. (tám tuổi, ngụ TP.Hà Nội) nhìn thẳng lên trần nhà, đờ dại. Nhìn con gái đang tuổi ăn, tuổi chơi giờ nằm bất động, mẹ của H. sụt sùi, rơi nước mắt. Chị kể, trước đó, H. đột ngột sốt cao, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng. Đến ngày thứ ba, trẻ bắt đầu nói nhảm, gia đình vội đưa đi cấp cứu. Sau khi điều trị một tuần không khỏi, H. được chuyển tới Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương trong tình trạng mất nhận thức, không phản xạ được.
Theo các bác sĩ (BS), H. bị viêm não chưa rõ căn nguyên và di chứng nặng nề, liệt nửa người bên phải, chân tay trái yếu, mất nhận thức, không nói được. Bệnh nhi phải truyền dịch, nuôi ăn qua sonde dạ dày. Song song với điều trị thuốc, các BS phải châm cứu để kích thích các huyệt, giúp hệ thần kinh trung ương của trẻ phục hồi. Tuy nhiên, việc tiến triển rất chậm… Mẹ của H. cho hay, từ khi sinh tới 36 tháng tuổi, cháu được tiêm các mũi vắc-xin phòng viêm não, viêm màng não. Nhưng sau tuổi này, gia đình quên không tiêm các mũi nhắc lại và không ngờ con gái cao lớn, khỏe mạnh lại mắc căn bệnh quái ác.
Cũng nằm điều trị tại Khoa Nội Trung tâm Bệnh nhiệt đới BV Nhi Trung ương, P.T.T. (12 tuổi, ngụ TP.Hà Nội) thân hình gầy rộc, ánh mắt đờ đẫn. Mẹ T. cho biết, cháu nhập viện trong tình trạng đau đầu, sốt nhẹ, buồn nôn. Trước đó, trẻ được đưa vào BV tuyến huyện điều trị nhưng không đỡ. “Khi cháu đau đầu dữ dội, BS chỉ cho uống thuốc giảm đau và không phát hiện được bệnh gì. Tại BV Nhi Trung ương, cháu mới được chẩn đoán viêm màng não do vi-rút”, mẹ của T. kể.
N.H.P. (bốn tuổi, ngụ tỉnh Hà Tĩnh) may mắn hơn khi chuẩn bị được xuất viện sau một tháng điều trị vì bệnh viêm màng não do vi-rút… Mẹ bệnh nhi cho biết: “Cách đây một tháng, P. đau bụng, đau đầu, nóng sốt, đi ngoài. Gia đình nghĩ cháu bị ngộ độc thực phẩm nên đưa vào BV tỉnh. Cháu nằm ba ngày không thuyên giảm và BV cũng không tìm ra nguyên nhân, dù đã chọc tủy nên chuyển lên BV trung ương”.
Tại Khoa Nội tổng quát BV Nhi Trung ương hiện có vài chục trường hợp trẻ bị viêm não - viêm màng não đang nằm điều trị. BS Đỗ Thiện Hải, trưởng khoa, cho biết, từ đầu năm tới nay, BV đã tiếp nhận khoảng 220 trường hợp mắc bệnh này. Các bệnh viêm màng não thường tập trung ở trẻ 3-5 tuổi, tuy nhiên, BV cũng đang điều trị cho nhiều trẻ ở độ tuổi rất nhỏ, từ 1-4 tháng tuổi.
Nỗi ám ảnh của bác sĩ
Trẻ bị viêm màng não ở Nghệ An
Theo các BS, viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với ba loại phổ biến là phế cầu, Hib và não mô cầu. Ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli… Khi đó, màng ngoài của não sẽ bị vi khuẩn tấn công. Thống kê của BV Nhi Trung ương cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về viêm màng não đứng thứ ba trong số các bệnh lý vào điều trị và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai cho trẻ dưới năm tháng tuổi. Bệnh có thể gây tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị, 10-20% bị di chứng về thần kinh, giảm thính lực. Điều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24-48g khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm xuống còn hơn 10%.
Với viêm não Nhật Bản, mỗi năm, BV Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 50-100 ca nhập viện. BS Đỗ Thiện Hải khẳng định, viêm não Nhật Bản vô cùng nguy hiểm, để lại di chứng tàn tật và tỷ lệ tử vong cao hơn, thường tập trung vào nhóm trẻ trên năm tuổi. Có tới 20% trẻ mắc viêm não Nhật Bản điều trị tại BV phải chuyển tới các đơn vị phục hồi chức năng nhưng hầu hết vẫn bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Đây là nỗi ám ảnh không chỉ riêng gia đình bệnh nhân mà còn của chính các BS…
Tiến sĩ - BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em BV Nhi Trung ương, cho hay, các bệnh viêm não, viêm màng não thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn sớm. Bệnh có các biểu hiện lâm sàng giống các bệnh đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn. Tuy nhiên, cũng có trẻ không có những triệu chứng này, đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh. Ban đầu, trẻ có thể chỉ quấy khóc, rên rỉ, hay nhìn ngược, trớ, chán ăn… Do đó, việc phát hiện viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó khăn.
Do đó, khi thấy trẻ sốt cao, uống hạ sốt không đỡ, kèm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ, cần đưa trẻ vào viện ngay. Với viêm màng não, ngoài sốt cao, trẻ có thể cứng cổ, nếu còn thóp có thể thấy thóp phồng căng.
Từ thực tiễn tại BV, BS Đỗ Thiện Hải cho hay, hầu hết bệnh nhi đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ. Thực tế, trẻ dưới hai tuổi được tiêm phòng cẩn thận nhưng với những mũi nhắc lại sau hai tuổi thì không ít gia đình… bỏ quên. “Tháng Năm, tháng Sáu là bước vào mùa cao điểm của viêm não Nhật Bản, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đi tiêm phòng bệnh, đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Sau khi tiêm vắc-xin khoảng hai tuần, trẻ sẽ bắt đầu sinh miễn dịch”, BS Hải lưu ý.
Hiện nay, Việt Nam đã có các loại vắc-xin phòng bệnh viêm não và viêm màng não:
- Vắc-xin ngừa viêm màng não mô cầu.
- Vắc-xin ngừa viêm màng não do phế cầu khuẩn.
- Vắc-xin ngừa viêm màng não do vi khuẩn Hib.
- Vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản.
Để phòng ngừa tối đa nguy cơ mắc bệnh viêm màng não, người dân hãy thực hiện việc tiêm ngừa đầy đủ và tiêm nhắc lại đúng lịch.