Hầu hết các nhà bác học đều mắc bệnh “đãng trí bác học”. Chính vì họ dành tất cả tâm trí cho nghiên cứu nên quên đi những cái nhỏ nhặt trong cuộc sống. Một lần, Edison được mời đến cục thuế. Khi người ta hỏi tên, ông ngẩn người nghĩ mãi không nhớ được tên mình. Nhiều vĩ nhân cũng thường đãng trí như thế, vì bộ não người cũng như “ổ cứng” máy tính - chỉ có dung lượng nhất định. Đã nhớ cái này thì phải quên bớt cái kia, để giải phóng bộ nhớ.
Tuy chúng ta chẳng phải vĩ nhân nhưng đôi khi cũng cần phải biết quên; nhất là những người làm việc trí óc, càng không nên nhớ những cái nhỏ nhặt, không cần thiết. Người nhớ dai những cái nhỏ nhặt thường bị chê là đầu óc “tủn mủn” nên ai cũng cần có kỹ năng quên một cách chủ động, nghĩa là quên có ý thức, giúp ta tiết kiệm được năng lượng trí tuệ, giảm bớt gánh nặng cho bộ não.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Có như thế mới giúp ta tập trung tinh lực vào những việc trọng đại. Nhiều người đàn ông bị vợ chê là “vô tâm vô tính”, “nói trước quên sau” có khi lại chính là người đang dồn hết tâm lực vào một việc lớn nào đó khiến anh ta quên khuấy những việc khác, như kỷ niệm ngày sinh của vợ hay ngày cưới chẳng hạn.
Tại sao có những người lúc nào cũng ủ rũ với bộ mặt mà bạn bè gọi là “thần đau khổ”? Chính vì người đó nhớ quá lâu những điều buồn phiền trong quá khứ. Có anh không sao quên được nỗi thất bại cay đắng trong mối tình đầu, đến hàng chục năm sau vẫn không dám yêu phụ nữ. Có anh trong đầu chứa toàn những chuyện “đấu đá” ở cơ quan, những ấm ức vì cho rằng mình tài cao mà lương thấp, buồn phiền về tình đời đen bạc…
Người như thế rất khó sống thanh thản, vươn lên được. Đó là chưa kể đầu óc anh ta luôn bị chi phối bởi những cái lặt vặt đó, nên lúc nào cũng buồn bực, khó đăm đăm, làm cho những người sống bên cạnh cũng chẳng thể vui tươi, thoải mái.
Trong một lần tư vấn, tôi gặp một người đàn ông có vợ ngoại tình cách đây đã gần 20 năm. Hồi đó, bất chợt anh ta ở cơ quan về nhà giữa buổi, bắt gặp một người đàn ông lạ đang hôn vợ mình trong phòng khách. Anh nhất quyết đòi ly hôn, nhưng nhờ có bạn bè khuyên giải, người vợ cũng biết lỗi, đã thực sự hối cải, nên anh cho qua.
Thế nhưng, sau bao nhiêu năm, anh ta không thể nào quên được chuyện cũ, nên cứ sống hững hờ với vợ cho đến tận bây giờ. Chẳng những thế, cứ khi nào vợ có gì “sai trái”, như đi làm về trễ, nấu ăn chậm… anh ta lại chì chiết, đay nghiến vợ. Tuy họ không ly hôn nhưng sống với nhau không tình yêu, không hạnh phúc thì khác gì hành hạ nhau đến hết đời.
Một người đàn ông khác, có người vợ trót nói hỗn với cha chồng câu gì đó, khiến ông cụ giận lắm. Sau đó ít hôm, người vợ hối hận, đã thực lòng xin lỗi cha chồng và ông cụ cũng rộng lòng tha thứ. Tưởng vậy là thôi, ai ngờ, hơn 10 năm sau, sau ngày cha chồng mất, anh chồng lại nhắc nguyên văn câu nói của vợ, còn tuyên bố “sống để dạ, chết mang theo”.
Bà vợ hụt hẫng vì trí nhớ bền vững kéo theo tâm trạng khó chịu của ông chồng. Bà cũng hiểu ra vì sao trong ngần ấy năm, ông chẳng bao giờ ngọt ngào, quan tâm đến vợ. Cuối cùng, họ chọn giải pháp xa nhau. Bà ra nước ngoài ở với con gái và cháu ngoại.
Trong đời, ai cũng có những nỗi buồn giận do mình hay người khác gây ra; nếu không quên được, cứ tích tụ mãi trong lòng, sẽ hủy diệt niềm vui sống của chính mình. Nghệ thuật sống là phải biết quên đi những buồn đau trong quá khứ, quên cả kẻ thù, quên tuổi già, quên bệnh tật để vui sống với hiện tại và hướng tới tương lai.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Tagore (1861-1941) là một nhà thơ lớn người Ấn Độ. Có thời gian trong chưa đầy 5 năm, ông phải hứng chịu những nỗi bất hạnh cực kỳ lớn: cha, vợ, con, bạn thân và một người học trò ngoan của ông lần lượt qua đời. Nhiều người rơi vào hoàn cảnh này có lẽ không gượng dậy nổi. Nhưng Tagore đã không gục ngã, vẫn dành hết tâm trí để sáng tác và ngày 13/11/1913, tập Thơ Dâng (Gitanjali) của ông được trao giải Nobel văn học. Có thể nói, những năm tháng của đời ông, đau khổ đến cùng cực và vinh quang cũng đến tột đỉnh.
Các nhà tâm lý cho rằng, cách hiệu nghiệm để khắc phục những nỗi đau trong đời là không nên tiếc nuối mãi cái đã mất, dù là rất quý. Phải biết quên đi, chuyển tâm trí sang một việc khác, tập trung năng lượng vào những việc mình có thể làm được, để không bị kẹt vào quá khứ thương đau.
Người hạnh phúc không phải là người chưa bao giờ gặp buồn đau, mà là người không để những nỗi buồn đã qua đè bẹp hiện tại. Họ biết tập trung năng lượng trí tuệ vào những điều đang và sắp tới, để mở lòng đón nhận những niềm vui mới cho mình và những người sống quanh mình.
Chuyên viên tư vấn Trịnh Trung Hoà