|
Quán bánh xèo nơi em D. làm và bà Tuyết chủ quán (bên phải) |
Em Trương Quang D. kể: "Từ tháng 9/2020, em bắt đầu làm việc tại quán bánh xèo của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (34 tuổi). Bà chủ thường véo tai, tát vào mặt, đá vào người và dùng chày đánh vào đầu, lưng. Ông chủ cũng thường xuyên đánh nhưng chỉ sử dụng tay chân. Dường như ngày nào cũng bị đánh, có hôm bị đánh 3 trận".
Sự việc chỉ được phát hiện khi D. không chịu nổi đòn roi và bỏ trốn. Cùng bị đánh đập, bạo hành với em D. còn có anh V.V.Đ. (21 tuổi, nhân viên của quán) đang được điều trị và đợi giám định thương tích. Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh đã tạm giữ chủ quán bánh xèo để điều tra.
Khi biết được thông tin trên, mọi người xót thương cho D. và anh Đ.; đồng thời phẫn nộ trước hành vi của bà Tuyết. Vì sao chủ quán bánh xèo có thể ra tay độc ác đến vậy?
|
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh khuyên người có vấn đề sức khỏe tâm thần cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời |
Ra tay bạo lực có thể mắc vấn đề tâm lý từ nhỏ
Bác sĩ CKII Lâm Hiếu Minh – Đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - phân tích: Mỗi người đều có phần thiện và ác, mặt tốt và xấu. Ai cũng có sẵn hung tính bên trong nội tâm của mình. Nhờ giáo dục, sự phát triển nhân cách, pháp luật định hình… phần lớn mọi người đều hướng về tính thiện.
Hành động đánh đập, gây thương tổn cho người khác không tự nhiên mà có, nó là cả một quá trình từ ý nghĩ đến thực hiện hành vi. Có nghĩa là khi đối tượng đã “tích lũy đủ sự bạo lực”, chỉ cần một tình huống xảy ra, ngay lập tức sẽ "động tay, động chân" với “người được chọn lựa”.
Theo bác sĩ Minh, trước một tình huống bạo hành, không nên vội kết luận mà hãy chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Bởi phải tiếp cận cả chị T. và nạn nhân D. mới có những căn cứ phân tích về hành vi bạo hành xuất phát từ đâu. Người bạo hành và cả người bị bạo hành có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không?
"Đa số những người có hành vi bạo hành hoặc lạm dụng người khác thường có vấn đề tâm lý từ bé. Hoặc có những vấn đề tâm lý tại chỗ, khiến cho việc kiểm soát tâm lý và hành vi của những người này không tốt, phải đánh, đấm, hành hạ người khác thì mới cảm thấy thoải mái.
Thông thường, người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ những người gây bạo lực rất ác, dữ tợn nhưng thật ra chính bản thân họ lại yếu ớt trong nội tâm. Họ phải phản ứng, phòng vệ với tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, chúng ta không thể lấy những điều này ra bào chữa cho một người đã vi phạm pháp luật, hành vi pham tội.
Tôi muốn nói sau khi luật pháp xử lý, chị T. cũng cần được hỗ trợ về tâm lý nếu sức khỏe tâm thần của chị có vấn đề. Còn em D. chắc chắn cần được đưa đến chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt để tránh những tổn thương tinh thần”, bác sĩ Minh lý giải.
Đừng để nạn nhân hình thành tính bạo lực như bà chủ bánh xèo
Ở Việt Nam, dù luật pháp không cho phép "xâm phạm" thân thể người khác, nhưng ở một hình thái nào đó, xã hội vẫn ngầm công nhận các hành vi bạo lực.
Điều này chúng ta thường thấy diễn ra hàng ngày như: một bà mẹ đánh con, một người chủ la mắng nhân viên, hai người hàng xóm cãi nhau, đánh nhau…
Người lớn thường quan niệm nếu không la mắng, đánh trẻ là không thể giáo dục. Thực tế, trẻ ở độ tuổi nào cũng sẽ có những nhận định riêng, có những bé bị đánh mà không hiểu vì sao bản thân bị đánh sẽ xuất hiện sự nổi loạn, ấm ức và “nuôi dưỡng” bạo lực cho riêng mình. Dần dần cũng sẽ trở thành một người bạo lực. Rất ít trẻ từ bị bạo hành trở thành người thành công nếu như ý chí không đủ lớn để vượt qua.
Ví dụ, một người mới xuất hiện hành vi bạo lực, nếu những người xung quanh không phát hiện, hoặc không can thiệp thì đối tượng sẽ không nhận ra hành động của mình là sai. Và các hành động bạo lực sẽ ngày càng tăng nặng. Ban đầu, họ chỉ mắng chửi, đánh bằng tay, chân,… rồi hung tính dần tăng cao, dẫn đến bạo hành bằng nhiều vật dụng khác nhau, thậm chí gây án mạng.
“Do đó, em D. chắc chắn phải được gặp chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt. Người thân của em cũng nên được hỗ trợ để chia sẻ, giúp đỡ cho em. D. đang tuổi lớn và hình thành hành vi, nếu hành động bị đánh đập lần này ăn sâu vào tiềm thức thì sau này, nạn nhân cũng có thể trở thành một người đi bạo hành người khác như bà chủ bánh xèo từng bạo hành mình.
Đừng để D. trở thành một “Hào Anh” tiếp theo. Em đã chịu thiệt thòi khi mồ côi mẹ, cha tâm thần và tuổi thơ dữ dội, đừng để em đi sai đường sẽ rất đáng thương”, bác sĩ Minh nói thêm.
Bên cạnh đó, người nhà cần quan sát để kịp thời phát hiện D. có bị ảnh hưởng tâm lý hay không. Nếu D. hay lo lắng, căng thẳng, lo sợ, mất ngủ đột ngột, chán nản, buồn bã, suy nghĩ tiêu cực về bản thân… thì có thể em đã bị rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Lúc này, người thân nên đưa D. đến cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý để được hỗ trợ, điều trị.
|
Các thương tích trên người em D. |
Bác sĩ Minh khuyến cáo, con người có nhiều cảm xúc, vui, buồn, thương, giận... không ai có thể bỏ mặc cảm giác của mình, nhưng hãy học cách quản lý chúng.
Những người có lo lắng căng thẳng, khó khăn về tâm lý, không thể kiểm soát được sự nóng giận, mất bình tĩnh cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý, sức khỏe tâm thần để được bác sĩ thăm khám. Tránh để quá lâu, mất kiểm soát sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, đa phần người có vấn đề về sức khỏe tâm thần sẽ không thể nhận ra và từ chối đến gặp bác sĩ. Vì vậy, những người thân trong gia đình, bạn bè xung quanh nếu nhận thấy người bên cạnh đột nhiên thay đổi tính cách, hay lo lắng, căng thẳng hãy khuyên họ đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.
Phạm An