Quê tôi ăn tết Đoan Ngọ suốt hai ngày

03/06/2022 - 10:17

PNO - Ở quê tôi (vùng Nông Sơn, Quảng Nam), việc đón tết Đoan Ngọ khá lớn, dài đến hai ngày.

Theo đó, mùng Bốn sẽ cúng mặn. Mỗi nhà gần như đều nấu cơm gạo mới (gạo vừa gặt xong ở vụ Đông Xuân) hoặc làm mì Quảng. Hồi ngoại tôi còn sống, bà thường làm mì cúng mùng Năm tháng Năm. Đó là món ngon tôi thích nhất. 

Một mâm cúng tết Đoan Ngọ bây giờ
Một mâm cúng tết Đoan Ngọ thường có bánh ú tro

Thời đó (những năm một ngàn chín trăm chín mấy), việc làm mì Quảng không khỏe như bây giờ. Để có mì ăn hoặc cúng thì chiều hôm trước, bà phải ngâm gạo cho mềm, xong bỏ vào cối xay. Tôi nhận trách nhiệm xay bột, má tôi tráng mì. Bột xay lần đầu chưa mịn nên sau khi xay xong, lại múc từng chén đổ vào cối xay tiếp cho đến khi mịn. Bột xay mịn thì lá mì tráng ra mới ngon.

Mì sau khi tráng xong, má để chồng lên sàng, bên dưới lót để sẵn lá chuối đã rưới lên ít dầu phộng cho lá mì không bị dính. Khi mì nguội mới xắt mì để không bị dính và không quá mềm, sợi mì rời mới ngon. Do vậy, tráng mì từ chiều hôm trước để hôm sau xắt mì bỏ vào tô sau khi đã nấu xong nồi nước dùng là vừa vặn nhất. 

Để mì xắt không bị dính, ngoại tôi cũng thường rưới lên từng lá mì một ít dầu phộng đã phi với củ nén (quê tôi gọi là khử dầu). Củ nén là “đặc sản” của quê tôi. Khi vào Sài Gòn, thi thoảng nhớ nhà, tôi chạy xe từ Thủ Đức lên Tân Bình, ghé chợ Bà Hoa mua một ít về dùng. Ngôi chợ của người Quảng Nam này, thứ gì ngoài quê có ở đây đều có. Người bán ở chợ Bà Hoa cũng nói tiếng Quảng nên lên đây đi chợ cũng làm tôi vơi nỗi nhớ quê, nhớ nhà.

Trở lại chuyện nấu nước dùng cho mì. Nếu ăn chay thì có cà chua, đậu hũ, nấm… là nguyên liệu chính. Ăn mặn thì tùy điều kiện có thể làm mì gà, mì thịt heo, hoặc mì cá biển. Ai khéo tay sẽ nấu nước dùng vừa vặn, ăn có vị béo thơm, vừa có vị ngọt nơi đầu lưỡi.

Vị béo đặc trưng của mì Quảng có lẽ nhờ dầu phộng, loại dầu ăn ép từ hạt đậu phộng và được người dân để dành ăn giáp mùa. Mì Quảng không thể thiếu ớt xanh, rau sống từ cây chuối non xắt nhuyễn trộn với diếp cá, húng, quế… Những ai ăn cay thì cho nửa thìa cà phê ớt bột, vừa ăn vừa hít hà. 

Do quê tôi xưa rất nghèo nên đâu phải muốn là làm mì Quảng ăn. Phải đợi có dịp như giỗ, chạp, mùng Năm tháng Năm hoặc ngày mùa. Nhưng, mì Quảng nấu dịp tết Đoan Ngọ là ngon nhất, có lẽ vì tâm niệm đây là ngày tết, cúng kiếng ông bà nên mì được làm kỹ lưỡng, đầy đủ.

Tôi nhớ, ngày thứ hai của tết Đoan Ngọ chính là ngày cúng đồ ngọt. Ở quê tôi, người ta thường nấu chè xôi bằng thứ nếp nhà trồng được.

Xưa có loại nếp mèo là thơm nhất, nhưng trồng lâu hơn lúa, năng suất thấp nên dần dà mọi người không trồng nữa, nhất loạt bỏ hẳn. Bây giờ cần nấu xôi, chỉ cần ra chợ mua vài lon là xong, nhưng nếp không thể đậm vị đậm hương như nếp mèo nhà trồng. 

Bây giờ còn ai nấu chè xôi cúng tết giữa năm?
Bây giờ còn ai nấu chè xôi cúng tết giữa năm?

 

Với món chè, ngoại tôi nấu bằng đường bát, là loại đường mía đổ ra bát rồi để khô lại, còn gọi là đường tán. Mùi đường sau khi được bỏ vào nồi đậu hầm đang sôi thơm phức mùi mật mía khiến lũ trẻ như tôi ngày ấy thèm chảy nước miếng. Nhưng bao giờ người lớn cũng dặn ráng chờ cúng ông bà xong mới được ăn. 

Hồi ngoại tôi còn, ở quê không có điện, nên những ngày tết Đoan Ngọ mới được ăn chè có đá. Tôi háo hức đạp xe năm - bảy cây số ra chợ Trung Phước - ngôi chợ lớn nhất ở địa phương - để mua vài ngàn đồng đá cây. Khi đi tôi phải mang theo bao trấu để bỏ cục đá vào giữ lạnh, nếu không về tới nhà sẽ tan hết. 

Có năm, vì mắt ngoại kèm nhèm, có lẽ vì lẫn nữa, nên ngoại đổ nhầm bịch bột ngọt vào nồi chè. Ngoại nói tưởng là bột năng nên đổ vào cho sánh. Năm đó tôi không được ăn chè. Nồi chè với mấy loại đậu ngon chắt chiu từ nhiều buổi chợ của ngoại đành bỏ đi trong tiếc nuối. Ít tháng sau ngoại ngã bệnh và đi theo ông ngoại. 

Món mì Quảng chay
Món mì Quảng chay bây giờ không thể ngon như ngày xưa...

 

Ngót nghét tôi đã xa ngoại 20 năm, vậy mà chỉ như một cái chớp mắt. Mỗi năm, cứ đến mùng Năm tháng Năm, tôi lại gọi về cho má, hỏi má có nấu chè với mì Quảng cúng ông bà, cúng ngoại không. Má nói “có chớ”. Rồi hai má con nhắc chuyện nồi chè bột ngọt năm đó, rưng rưng nhớ ngoại. 

Lưu Bình Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI