Quê nhà Đông Hội tiễn biệt người con ưu tú

26/07/2024 - 06:16

PNO - 4g sáng 24/7, ông Phạm Xuân Thành - 72 tuổi, ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cựu lính công binh - đeo ba lô, xỏ đôi ủng, lội nước ra đầu đường đón taxi đến bến xe Mỹ Đình để từ đó lên xe buýt sang xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

7g sáng 25/7, ông đã có mặt ở UBND xã Đông Hội. Ông tâm sự: “Tôi mới rời bệnh viện được ít ngày, trốn con cái nên đi sớm. Từ hôm hay tin Tổng bí thư từ trần, không đêm nào tôi ngủ được nên quyết phải sang quê Lại Đà để viếng Tổng bí thư”. Trong ngày 24/7, ông Thành đã đến nhà thờ họ Nguyễn Phú thắp nhang, vào chùa thôn Lại Đà làm lễ trước ban thờ Tổng bí thư.

Từ 5g sáng 25/7, người dân các thôn Đông Ngàn, Đông Trù, Tiên Hội, Trung Thôn, Hội Phụ đã có mặt ở trụ sở UBND xã Đông Hội. Bà con các xã trong huyện Đông Anh và nhiều nơi xa cũng tựu về. Ông Đỗ Văn Chi - 53 tuổi, ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - có mặt ở UBND xã Đông Hội lúc 4g30. Mặc chiếc áo thun đã sờn vai, gương mặt lam lũ, ông bày tỏ: “Trong tôi, Tổng bí thư là người yêu thương nhân dân, vì nhân dân. Từ hôm hay tin bác mất, lòng tôi rất buồn”.

Ông mở chiếc túi treo ở xe máy, cẩn thận lấy ra chiếc áo sơ mi đen mặc vào. Ông bảo đã mua áo này từ mấy bữa trước để mặc trong ngày viếng Tổng bí thư. “Nếu hôm nay đông quá, không vào viếng được, tôi sẽ đợi đến ngày mai” - ông nói.

Nhiều bạn học, bạn cùng làng của Tổng bí thư nay đã qua đời, những người còn sống cũng đã già yếu. Ông Ngô Bá Dục chống gậy đi từ xóm 7, ông Vương Khắc Duy từ bên Long Biên phải ngồi xe lăn đến viếng bạn học Nguyễn Phú Trọng. Bà Đặng Thị Phúc - giáo viên chủ nhiệm lớp Bốn của Tổng bí thư - nhớ: “Trọng thân thiết nhất với Duy - cậu học trò lớn tuổi nhất và là lớp trưởng. Cả hai gắn bó như hình với bóng, cô Phúc muốn chuyển Trọng lên bàn đầu vì nhỏ nhất lớp nhưng Trọng vẫn ngồi bàn thứ ba vì không muốn xa anh Duy”.

Bộ đội khiêng xe lăn, giúp ông Vương Khắc Duy vào viếng Tổng bí thư, đồng thời là bạn học của ông - ẢNH: ANH NGỌC
Bộ đội khiêng xe lăn, giúp ông Vương Khắc Duy vào viếng Tổng bí thư, đồng thời là bạn học của ông - Ảnh: Anh Ngọc

Gần đến nhà văn hóa thôn Lại Đà, ông Vương Khắc Duy bồi hồi: “Nhà tôi rất gần nhà anh Trọng. Chúng tôi học cùng nhau từ thuở bé, còn cùng nhau bơi qua sông Đuống sang Gia Lâm học cấp II, cấp III. Trong khóa chúng tôi, anh Trọng học giỏi nhất, chỉn chu nhất. Hồi anh Trọng đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, anh về khi chúng tôi đang quét dọn đường làng, ngõ xóm. Anh em nhìn thấy nhau là chạy ào tới, tay bắt mặt mừng. Anh giới thiệu với các đồng chí đi cùng: “Đây là những người bạn thân thiết cùng học với tôi từ thuở trường làng”.

Trong các ngõ xóm ở thôn Lại Đà, bà con cùng chờ nhau ở đầu ngõ để đến nhà văn hóa thôn, xếp hàng vào viếng. Như nhiều gia đình trong làng, anh Phan Văn Xuân cài miếng mica đen lên áo con. Anh nói, từ khi biết tin Tổng bí thư từ trần, gia đình anh và nhiều gia đình khác trong làng có chung cảm giác mất đi một người thân. “Bác Trọng là tấm gương lớn về tài năng, nhân cách, đức độ để chúng tôi và nhiều thế hệ con em Lại Đà học tập, noi theo” - anh Xuân nói.

Bà Nguyễn Thị Bích, Ngô Thị Sửu là người Lại Đà, hiện sống ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Từ hôm nghe tin Tổng bí thư từ trần, 2 bà đã về làng, mỗi người một việc, chuẩn bị chung tay lo hậu sự cho một người bà con, một người láng giềng thân thiết. Bà Bích chia sẻ: “Chị gái tôi rất thân với chị gái bác Trọng; cha mẹ bác Trọng với cha mẹ tôi cũng gắn bó, thân thiết lắm. Tôi kém bác Trọng 3 tuổi, lại có mấy năm học cùng bà Ngô Thị Mận - phu nhân Tổng bí thư - nên tôi nhớ rõ, ngày xưa bác ấy đi học về là lao động phụ giúp gia đình”.

Nói đoạn, mắt bà rơm rớm: “Cả cuộc đời bác ấy lo cho nước, cho dân. Lúc bà Sửu - chị gái của bác ấy - sắp mất, bác đang họp Quốc hội nên có về được đâu. Bà Sửu nhớ em, khóc mãi. Cô con gái của bà mở máy tính bảng cho bà xem hình ảnh bác ấy đang phát biểu trước Quốc hội. Bà Sửu cầm máy tính bảng ôm vào lòng mà gọi tên em, một lúc sau thì mất. Ngày giỗ đầu bà Sửu, bác cũng không về được. Nhà bác ấy ở đầu làng, cái nhà cấp 4 cũ lắm, cột kèo mục ruỗng hết cả, bao lần con cháu muốn sửa nhưng bác ấy không cho. Vừa rồi thấy bác yếu, đại gia đình quyết định làm lại nhà, mà cũng chỉ làm nhà cấp 4 như trước thôi. Tường đá ong vẫn còn mới tinh. Nhà làm xong, bác về thắp nhang, 2 tuần sau thì bác mất”.

Bà Bích nhớ mấy lần bà về làng, gặp Tổng bí thư ở chùa Lại Đà: “Bác vẫy, gọi Bích ơi lại đây chụp cùng anh tấm ảnh. Có hôm là mùa đông, bác mặc cái áo khoác cũ. Tôi nhớ cái áo đó bác đã mặc từ mấy chục năm trước”.

Bà Ngô Thị Sửu cũng nhớ mãi những lần Tổng bí thư về quê. Lần nào, ông cũng dừng xe bên ngoài cổng làng và đi bộ vào. Bà kể: “Bác luôn đến thăm các cụ cao tuổi trước. Gặp mọi người, bác không bắt tay khách sáo mà nắm chặt tay hoặc ôm vai hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm gia đình. Tôi nhớ mãi ngày bác tổ chức đám cưới cho con gái lớn, bác mời cả làng đến chung vui nhưng không cỗ bàn linh đình, không nhận quà mừng của ai. Mỗi khách ra về, gia đình bác còn chuẩn bị trái cau, lá trầu làm quà. Trước, tôi làm kế toán trưởng của nhà máy hóa chất Đức Giang (nay là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, ở quận Long Biên, TP Hà Nội), tôi được nghe kể nhiều về bác, rằng đi đâu bác cũng giới thiệu mình là người thôn Lại Đà, xã Đông Hội”.

Nhóm phóng viên

 
TIN MỚI