Quê kiểng ngày xưa

31/12/2018 - 16:30

PNO - Ngoại tôi gọi vùng quê nhà ngoại là quê kiểng. Tiếng gọi nghe thiệt là quê, phảng phất kiểu giọng văn Hồ Biểu Chánh.

Mà thiệt, quê ngoại tôi là những xóm làng bàng bạc trong nhiều câu chuyện của nhà văn đặc sệt Nam bộ này. 

Tết quê rộn ràng trong ký ức mỗi độ chớm xuân về. Từ đầu tháng Chạp, ngoại đã săm soi cây mai cổ trước nhà, nghe nói nó thọ lắm, tán rộng sum suê. Ngoại chiết cành, tỉa nhánh sẵn chờ đến rằm thì “lãi lá mai”. Cô nhỏ là tôi cứ hay thắc mắc: “Sao ngoại không nói là lặt lá hay bứt lá mà lại biểu là lãi lá?”. Ngoại cười hiền: “Tổ cha mày, hỏi thấu ông trời! Thì ông bà mình kêu vậy chớ sao con”. Xoắn theo chân ông ngoại, cô nhỏ lại lăng xăng chạy ra vườn. Thăm chừng mấy bụi chuối, ông ngoại hồ hởi: “lá chuối tốt vậy, ngoại mầy gói bánh đã đời à nghen!”. Ngang mấy cây dong xanh tốt, ông ngoại lại nhắc chừng: “bây nhớ nói bà ngoại gói nem lá dong ít ít, chớ ăn lá dong nhiều buồn ngủ chịu hổng nổi đâu”. 

Que kieng ngay xua
Ảnh minh họa.

Thoáng cái là tới rằm tháng Chạp. Ông ngoại và cậu Tư bắc ghế ra lặt lá mai, xong buổi là cây mai già trụi lủi, tôi cứ tiếc hùi hụi, “sao mà ông ngoại làm cái cây xấu hoắc, biết chừng nào mới mọc lá như xưa?”. Tiếc đó, rồi cũng quên ngay khi tíu tít theo ông ngoại đi rọc lá chuối, khệ nệ ôm về rồi ngồi bặm môi lau lá… Bà ngoại thì lo ngâm đậu, đãi vỏ, đong nếp… Cô nhỏ lại kéo áo bà ngoại “làm vậy kêu là dút nếp há ngoại, sao không nói là vo nếp?”. “Ừa nếp thì kêu là dút nếp, còn gạo thì mới nói là vo gạo nghen con”. 

Lửa than đượm hồng, bà ngoại đem lá chuối ra hơ. Lá chuối hơ lửa xong dịu thơm một mùi rất lạ, mũi cô nhỏ phập phồng dán vào tàu lá để hít hương lá chuối cho đã thèm. Sớm mai chưa thức dậy đã nghe râm ran tiếng dì Hai, dì Ba, bà Tám cùng bà ngoại rộn ràng dưới bếp. Bộ ngựa láng bóng giữa nhà được các dì, các bà chiếm dụng, bày la liệt nào nếp, nào lá, thịt thà, dây nhợ… Tay ai cũng thoăn thoắt xếp lá, tém nếp, vun thịt, rồi xoắn dây cột, thiệt là gói sao mà “chặt như đòn bánh tét”. Tới trưa là bánh tét đã xếp đầy mấy cái mâm. 

Tới phiên quết bánh phồng, tiếng chày cối cứ thập thình cả buổi, rồi thành quả cuối cùng là bánh phơi la liệt dưới gốc mai trụi lá. Chảo chuối xào dừa riu riu trên bếp than - tôi gọi đó là kẹo chuối - thơm phức. Mấy cọng dừa trắng ngậm đường ngọt thanh, béo ngậy. Cô nhỏ lâu lâu lại chạy vào thăm chừng, xin bà ngoại cho nếm thử… Rồi lột kiệu, sên dừa, xăm gừng làm mứt… sao mà có lắm thứ trong bếp phải sửa soạn đến vậy nhỉ?

Mà nhà trên cũng chộn rộn không kém. Bộ lư trên bàn thờ phải đem ra đánh bóng, mấy cái độc bình cổ nâng niu mang ra chùi rửa, bàn thờ khảm ốc phải lau đến bóng lộn… Chùi lư thôi cũng hết cả buổi trời của mấy cậu. Bộ lư đồng to nặng, có rất nhiều chi tiết chạm trổ phải hì hục nào tro, xơ dừa, khăn giẻ… cho đến khi sáng choang chễm chệ trên bàn thờ. 

Ngày vụt qua nhanh trong thoáng chốc. Cậu Tư thăm chừng dây pháo, kiếm chỗ treo. Pháo phải nổ đanh giòn, tung xác pháo toàn hồng thì mới được… Mùng một tết, xác pháo rải đầy thềm, những cánh mai lả tả rắc vàng trong nắng sớm. 

Kỳ Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI