Quay về nẻo thiện

03/04/2023 - 16:46

PNO - Có những chị em một thời lạc lối. Nhưng hiện tại, họ đang nỗ lực vươn lên.

Từng ngày. tìm lại cuộc đời

Đã 4 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù, nhưng cảm giác tội lỗi vẫn còn đè nặng chị H. Chị kể: “Tôi bị bắt 2 lần vào năm 2008 và 2009 nên từ án treo thành án phạt tù và bắt đầu chấp hành án ở trại giam Z30D vào năm 2015, sau mấy năm được hoãn vì nuôi con nhỏ. Chồng tôi làm phụ hồ, con gái lớn phải nghỉ học để đi làm phụ cha nuôi em. Cuối năm 2018, anh xã bị đột quỵ, qua đời, 4 đứa con phải tự nương tựa nhau chờ ngày mẹ được mãn hạn. Gia đình ly tán là vì mình, ý nghĩ đó giày vò tôi từng ngày. Thành ra, từ ngày ra tù, trong đầu tôi luôn thường trực 2 chữ cố gắng”. 

Chị H.T.L.H. đang từng ngày cố gắng với công việc để có tiền chăm lo cho các con
Chị H.T.L.H. đang từng ngày cố gắng với công việc để có tiền chăm lo cho các con

Chị H.T.L.H. (44 tuổi, ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM) bị phạt tù 5 năm về tội đánh bạc, nhưng được giảm 1 năm nhờ cải tạo tốt. Ra tù, chị vất vả tìm việc làm, nhưng mọi thứ đều mờ mịt. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị đi giúp việc nhà với thù lao 50.000 đồng mỗi giờ. Các con của chị kể lại, tâm nguyện của cha chúng - chồng chị - là mong chị có cái nghề ổn định, sống vui khỏe và đừng quay lại con đường cũ. Ước nguyện của chồng càng khiến chị quay quắt với câu hỏi: phải làm gì để ổn định cuộc sống?

Nhớ lại những ngày mới từ Quảng Nam vào TPHCM, chị từng làm công nhân may, nên chị đánh liều xin vay 50 triệu đồng vốn (diện hộ nghèo) để mua máy vắt sổ, máy may, máy viền, rồi nhận gia công quần áo tại nhà. Những đợt hàng nhiều và gấp, chị làm miệt mài tới 2 - 3g sáng. Không có xe máy, chị giao hàng bằng xe đạp, tháng nào khá cũng được 6-7 triệu đồng. Để san sẻ khó khăn với người mẹ nghèo, Chi hội Phụ nữ khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận đã tặng học bổng cho con chị và thường xuyên hỗ trợ vật chất cho mấy mẹ con.

Đến nay, con gái lớn của chị H. đang làm nhân viên phục vụ nhà hàng. Cháu thứ hai mới vào đại học. Gần đây, chị vay thêm tiền mua chiếc xe máy để bớt cực khi chở hàng. Thấy chị H. chịu khó làm việc, có quyết tâm vươn lên nên chị em trong Chi hội Phụ nữ khu phố 4 đều thương và luôn gần gũi tiếp sức cho chị khi chị cần giúp đỡ. 

Nhọc mà vui

Giờ nghỉ trưa, chị N.T.A.T. (42 tuổi, ở phường Hiệp Thành, quận 12) tranh thủ chạy từ chỗ làm về nhà lo cơm nước, thuốc thang cho mẹ đang đau bệnh. Nhà rộng chỉ hơn 10m2 nhưng có đến 6 thành viên cùng sinh sống, nên góc nào cũng chật. Nhìn bức tường đã xỉn màu dán đầy giấy khen của 2 con, chị T. bảo, đó là nguồn động viên quý giá nhất với chị. “Đời tôi đã trải nhiều cay đắng, sai lầm. Thật may vì các con cảm thông, giúp tôi vượt qua mặc cảm về quá khứ lầm lỡ” - chị T. nói.

Cán bộ Hội Phụ nữ phường Hiệp Thành, quận 12 ghé thăm gia đình chị N.T.A.T.
Cán bộ Hội Phụ nữ phường Hiệp Thành, quận 12 ghé thăm gia đình chị N.T.A.T.

Từ nhiều năm nay, mỗi ngày của chị T. luôn bắt đầu vào 2g sáng. Chị và con trai lớn đang làm nghề thu gom rác dân lập với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng cộng với khoản tiền nho nhỏ của phân loại rác bán ve chai. Trên cánh tay phải chị có xăm dãy số 29/9/2012 - đó là ngày chị bị bắt vì sử dụng trái phép chất ma túy. “Tôi lúc đó là mẹ đơn thân, một mình bươn chải nuôi 3 đứa con sau khi hôn nhân đổ vỡ. Dãy số này nhắc tôi nhớ mình đã từng tệ đến mức nào khi bỏ bê mẹ già đau bệnh và các con nhỏ dại để chạy theo cám dỗ” - chị T. bộc bạch.

Sau 2 ngày bị tạm giữ, chị T. được về nhà và nằm trong diện theo dõi. Kể từ đó, chị cắt đứt liên lạc với nhóm bạn cũ rồi lao vào làm việc, sáng phụ bán quán ăn, trưa chạy xe ôm, tối đi phụ các cửa tiệm bán giày dép, quần áo, mỗi ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng. Con trai lớn của chị cũng bỏ dở việc học để đi làm bảo vệ, công nhân xưởng mộc trước khi theo mẹ đi gom rác. Hiện tại chị đang nuôi 2 con học cấp II và đứa cháu 9 tuổi, nên kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng tinh thần thì đã khá lên nhiều. Chị không còn buồn bực, không còn tự đay nghiến bản thân như trước. “Quá khứ đã qua rồi, tôi tự nhủ hãy sống trọn vẹn từng ngày. Con trai tôi mơ ước trở thành tài xế taxi, còn 2 con gái thì mong mẹ cho học lên tới đại học. Những điều này cũng chính là mục tiêu sống của tôi. Các cô hội phụ nữ khu phố cũng thương mấy mẹ con, hay cho quà và động viên nên tôi cũng bớt mặc cảm. Vừa rồi, các cô còn giúp làm hồ sơ xin giảm 50% học phí cho các con tôi nữa”. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI