Quay về các giá trị cốt lõi

27/02/2024 - 12:25

PNO - Dưới đây là những chia sẻ của chị Lê Mai Hương - nhà giáo được cấp bằng Montessori 3-6 của AMI (Hiệp hội Montessori quốc tế) - về những điều cốt lõi nhất trong giáo dục trẻ.

Chưa bao giờ cha mẹ Việt lại đứng trước biển thông tin khổng lồ về nuôi dạy con như hiện nay. Ăn dặm kiểu Nhật hay Baby Led Weaning? Nuôi con kiểu Na Uy hay kiểu Do Thái? Cho con học trường Steiner, Montessori, Reggio hay Phần Lan? Thế còn Glenn Doman thì sao? Tôi có nên thực hành phương pháp Shichida từ 0 tuổi?

Chưa hết, “trẻ em thời nay phải là công dân toàn cầu, phải nói tiếng Anh từ sớm”, “học sinh mầm non bây giờ phải học STEM thêm chữ A”…

Dạy con trong hoang mang không chỉ là tên một cuốn sách, mà dường như phản ánh tâm trạng của một thế hệ cha mẹ khi đứng trước quá nhiều thông tin và lựa chọn, với quá nhiều kỳ vọng vào tương lai của con, nhưng lại có quá ít thời gian và chưa thực sự hiểu con mình cần gì, điều gì là ưu tiên.

Nhà giáo Lê Mai Hương
Nhà giáo Lê Mai Hương

Khi đứng trước quá nhiều con đường và ngã rẽ - trong khi nuôi dạy con không hề có Google Maps - chúng ta sẽ khó lựa chọn, khó thực hành rốt ráo, cuối cùng sẽ thành “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, không biết điều gì phù hợp cho con và gia đình mình.

Với cuộc sống bận rộn ở thành phố, khi bạn vượt cảnh kẹt xe để trở về nhà lúc chập tối, vội vã nấu nướng rồi ăn cơm, bạn sẽ dành thời gian với con như thế nào trước khi đi ngủ? Trong vài tiếng quý giá của mỗi ngày đó, ta có thể làm gì để tốt nhất cho con và cho chính mình?

Dưới đây là những chia sẻ của chị Lê Mai Hương - nhà giáo được cấp bằng Montessori 3-6 của AMI (Hiệp hội Montessori quốc tế) - về những điều cốt lõi nhất trong giáo dục trẻ mà cô đúc rút được qua nhiều năm thực hành, quản lý trường mầm non cũng như tiếp xúc và tư vấn cho phụ huynh.

Phương pháp Montessori có thể tạm hiểu đơn giản là: chấp nhận sự duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển tùy theo những khả năng riêng của mình và thời gian riêng của mình.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Dạy con tự chăm sóc mình và chăm sóc người xung quanh 

Tiến sĩ Maria Montessori - nhà trị liệu, nhà giáo dục người Ý, người sáng lập phương pháp giáo dục Montessori - nói rằng: “Education is aid to life” (Giáo dục vì cuộc sống). Vì thế, đích cuối cùng là em bé sống cuộc sống thật tốt đẹp giữa mọi người. Với giai đoạn mầm non, điều quan trọng nhất là làm sao để trẻ có khả năng tự chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác và chăm sóc ngôi nhà mình ở. 

Đơn giản nhất là cha mẹ có thể áp dụng phần thực hành cuộc sống của Montessori vào cuộc sống hằng ngày, giúp con tự chăm sóc mình: tự ăn, tự ngủ, tự tắm, gội, đánh răng, chải đầu, cột tóc, tự quản lý được tài sản cá nhân của mình - quần áo, sách vở, đồ chơi; giúp con hình thành thói quen sống lành mạnh, có trách nhiệm với chính mình và trân trọng những thứ mình có.

Bên cạnh chăm sóc bản thân, các con cần biết chăm sóc người xung quanh, người thân và cộng đồng nơi mình sống: biết giữ yên lặng khi ai đó đang ngủ, đang làm việc, đang mệt; biết chào hỏi, biết gọi điện hỏi thăm, gửi thiệp chúc mừng, gửi lời chia buồn; biết hướng dẫn, chia sẻ những điều mình có thể khi cần, chung sống hòa thuận với người khác, giúp đỡ mọi người những việc mình có thể…

Tiếp theo là chăm sóc ngôi nhà mình ở: quét nhà, lau nhà, làm vườn, chăm vật nuôi, giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

Ảnh mang tính minh họa - pch.vector
Ảnh mang tính minh họa - pch.vector

Cha mẹ cần làm gì trong giai đoạn mầm non?

Cha mẹ hãy đọc thật nhiều sách về năng lực của trẻ nhỏ để thay đổi nhận thức về con mình cũng như nhu cầu thực sự của trẻ nhỏ để cung cấp cho nhu cầu thực đó. Hãy tạo môi trường sống an toàn, cung cấp các điều kiện căn bản của sự sống: thức ăn sạch, nước uống sạch, không khí sạch, lối sống sạch; tạo môi trường hỗ trợ sự tự học và thực hành các kỹ năng của con; luôn trao yêu thương và nâng đỡ, hỗ trợ khi con cần.

Điều tối quan trọng là cá nhân hóa giáo dục - quan sát để hiểu và hỗ trợ con phát triển các tố chất con có. Mỗi người chỉ cần giỏi một nghề và học nghề mình giỏi từ sớm sẽ giúp con độc lập, tự tin và đóng góp cho xã hội nhiều hơn là đi theo con đường số đông đến tốt nghiệp đại học mới tham gia thị trường lao động mà vẫn chưa trưởng thành, vẫn chưa độc lập tài chính.

Trên thế giới, nhiều bạn trẻ 15 tuổi đã có kỹ năng, có nghề, có thể đi làm, độc lập tài chính. Con đường đại học, nghiên cứu chỉ dành cho một số ít bạn đam mê nghiên cứu học thuật. Số này cần rất ít trong mô hình thị trường lao động hiện nay và trong tương lai. Cha mẹ đừng áp lực thành đạt để con học đến tiến sĩ rồi mơ ước chỉ là bỏ phố về quê làm ruộng.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Hãy mang con ra thiên nhiên, mang cây cỏ về nhà 

Cần kiên định, đừng trở thành người tiêu dùng tất cả các sản phẩm làm cho con “thông minh hơn”, “giỏi hơn” hay cho con chạy đua ở các cuộc thi tổ chức liên tục, làm hỏng mục đích thực của việc học cả cuộc đời sau này của con.

Hãy đưa con ra thiên nhiên, mang cây cỏ vào nhà, vì thành phố lớn không phải là môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng một em bé. Ở thành phố, mọi trải nghiệm của em bé đều do con người tạo ra với sự hiểu biết hữu hạn của mình; do đó em bé thường thiếu hụt kiến thức, kỹ năng để sống trong môi trường không giới hạn, sống động, liên tục biến đổi, thể hiện sự liên kết giữa các yếu tố tự nhiên như môi trường rừng, biển… - nơi con người chỉ là một phần nhỏ bé của môi trường. Điều này cản trở em bé nhìn được vị trí của mình trong bức tranh tổng thể to lớn và vị trí của mình trong đó.

Hãy loại bỏ các thiết bị điện tử, tương tác trực tiếp, chơi với con, làm mẫu hành vi cư xử giữa người với người; làm việc nhà cùng con và đặc biệt là hướng dẫn con nấu ăn để có thói quen ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe.

Mỗi ngày, cha mẹ hãy tạo ra những khoảng lặng - em bé được quyền ở một mình và làm điều bé thích như đọc sách, vẽ tranh, nặn đất, xếp hình… để biết lắng nghe và bình yên với chính mình. 

Hằng Nguyễn (ghi)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI