Quầy thuốc của ba

27/02/2024 - 10:42

PNO - Quầy thuốc của ba trạc tuổi tôi, năm nay đã hơn 30 tuổi rồi. Đó là nơi tôi quanh quẩn để học, để chơi và để lớn.

Ngày ấy, ở các vùng quê nghèo rất hiếm quầy thuốc. Có khi người ta phải đi quãng đường 2km mới có một quầy. Vì thế nên cả khu xóm ai cũng biết ba tôi, gọi là ba là “ông sĩ Minh", còn tôi đi đâu cũng rất... ngạo nghễ với danh xưng con gái ông sĩ.

Quầy thuốc của ba nuôi 4 chị em tôi lớn - khỏe - khôn đủ nghĩa. Mẹ tôi kể, hồi nhỏ, hồi tóc còn trọc lóc tôi đã thích ngồi ở cái ghế nho nhỏ cạnh tủ đựng cồn, oxy già, hoặc góc bán bột Oresol (nước biển khô) để có ai mua là đếm 10 gói bỏ vào 1 bịch. Lớn lên một chút, tôi kê hẳn cái ghế cạnh nơi ba ngồi để ba kèm toán cho tôi khi vắng khách. 

Quầy thuốc cuả ba nuôi 4 chị em tôi lớn - khỏe - khôn. Ành: Người ba làm nghề thầy thuốc cuả tác giả
Quầy thuốc của ba đã nuôi 4 chị em tôi lớn - khỏe - khôn (ảnh gia đình cung cấp)

Hồi đó, ít có bạn nào ghé nhà tôi chơi nhà vì tụi bạn nói “nhà mày đầy mùi thuốc”. Tôi lớn chút cũng vậy, tụi bạn nói: “Nhìn ba mày nghiêm mặt cắt thuốc, tụi tao sợ không dám vào” chỉ dám pha trò, tếu táo. Cứ thấy tôi là tụi bạn lại hát: “Tay cầm kéo cầm khay, cắt cho bà liều thuốc. Tay cầm kim cầm bông, chích vô mông ông già”.

Mỗi khi bị châm chọc, tôi lại cong miệng trả treo: "Kệ chúng mày. Thử bệnh xem có phải đến nhà tao không?".

Giờ tôi mới dám "thú tội trước bình minh" là hồi đó, tôi thường hay lén nhìn phòng mạch của ba. Ai chích, khâu vá mà khóc la càng to thì tôi càng cười.

Ba nổi tiếng trong vùng là chữa rất hay các vấn đề về… đau bụng và đau đầu. Khách mới đậu xe từ ngoài sân, chưa khai bệnh mà ba đoán trúng họ đau bụng do “kẹt xe” hay “tào tháo rượt”. Thậm chí ba còn biết người ta đau đầu vì chuyện gì.

Quầy thuốc của ba chỉ nghỉ duy nhất vào sáng mùng Một tết. Ba nói “mở cửa ai vào thì vào, chữa bệnh là việc phúc đức”. 11-12 giờ đêm hay 3-4 giờ sáng, chỉ cần có tiếng đập cửa “chú Minh ơi bán thuốc” là điện quầy bật sáng.

Ngay tại quầy thuốc của ba, tôi đã buông cặp, khóc tu tu khi biết mình thiếu 0,5 điểm thi đại học. Rồi cũng cái ghế và góc bàn quen thuộc nơi ba con tôi hay ngồi là nơi ba trầm ngâm khi biết tôi đang quen với một anh chàng quê xa lắc. Quầy thuốc cũng là nơi chàng rể tương lai mạnh dạn trình bày với ba về dự định của 2 đứa và được ba gật đầu đồng ý gả con gái. Hình như những sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời tôi đều diễn ra tại 15 mét vuông quầy thuốc, vì đó là nơi ba tôi làm việc cả ngày dài.

Khi tôi đã lớn đủ để phụ tá cho ba thì lại là lúc tôi tất bật cho gia đình nhỏ cuả riêng mình, một năm chỉ về thăm nhà được vài lần. Ảnh: Ba và tác giả
Khi tôi đã lớn đủ để phụ tá cho ba thì lại là lúc tôi tất bật cho gia đình nhỏ cuả mình, một năm chỉ về thăm nhà được vài lần (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Hồi đó suốt ngày tôi quanh quẩn ở quầy thuốc của ba, đến mức ai thấy cũng nói "“lớn nhanh để còn phụ ba bán thuốc". Thế mà từ lúc lên TPHCM học, 1-2 tuần tôi mới về nhà 1 lần. Đến lúc lấy chồng thì 1-2 tháng về 1 lần. Giờ thì khi đã có con, có năm chỉ về thăm nhà 1-2 lần. 

Mà lần nào cũng vậy, khi chuyến xe chiều cuối ngày đưa tôi về nhà, tôi lại thấy hình ảnh ba vẫy tay vui mừng sau màn kính lung linh mờ của quầy thuốc...

Thảo Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI