Quây Sơn - Con sông trong giấc mộng

11/03/2021 - 12:20

PNO - Duyên gặp gỡ cách đây hơn năm năm giúp tôi có một bài viết nhỏ về Cao Bằng. Trong khi tìm kiếm thêm thông tin, tôi đã nhìn thấy những tấm ảnh êm đềm, mơ mộng về một làng quê miền Đông Bắc.

Từ lúc ấy, trong tôi đã dấy lên một hò hẹn: lúc nào thuận tiện sẽ tìm đến đó. Tôi chỉ có một mong ước: đi ngang khúc sông nọ và dừng lại ngắm những con nước chậm rãi xoay. Với tôi, chỉ bấy nhiêu thôi lòng cũng đủ đầy...

Sau đó, tôi gặp một số biến cố trong cuộc sống và giấc mơ kia bị xếp xó. Rồi bất ngờ anh đưa tôi đến với Cao Bằng, dù lúc này tôi đã quên khuấy ước mơ năm nào. Kế hoạch của tôi chỉ là đến thăm thác Bản Giốc. Song, mọi sự đã thay đổi trên đường đi.

1. Chuyến xe giường nằm từ bến xe Mỹ Đình, Hà Nội xuất phát lúc bảy giờ tối, dự kiến khoảng tám giờ sáng sẽ đến. Cả đêm trên xe, tôi không ngủ được không phải vì háo hức mà do nhiệt độ xuống quá thấp. Trước khi đi, tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho việc phải chịu rét đậm như thế. Khoảng bốn giờ sáng, nhiệt độ xuống còn 60C, từ đó đến sáu giờ sáng, nhìn ra ngoài kính xe chỉ thấy một màn sương mù dày đặc và buốt giá. Hôm đó, trời mù kinh khủng. Xe chạy đến bến cuối là thác Bản Giốc, cũng chính là resort mà chúng tôi đã đặt cho những ngày lưu trú ở đây. Bước xuống xe, cả bọn nhìn quanh, rừng núi lặng như tờ, quang cảnh buồn hiu, cây cối ủ rũ, bầu trời âm u. Cũng may là ở nơi thâm sơn cùng cốc này lại có một resort ấm áp, sạch sẽ, chứ nếu không thì quả là bi kịch.

Chúng tôi vào nhận phòng, ăn sáng và chuẩn bị đi thác chơi. Thác Bản Giốc vốn nổi tiếng, nhưng vào thời điểm chúng tôi đến, dòng chảy đã ít nước nên cảnh thác đổ không hoành tráng như trong các bức ảnh hoặc clip đầy rẫy trên mạng. Nước sau khi đổ xuống ào ào tạo thành một luồng chảy êm đềm, du khách có thể trải nghiệm cảm giác đi bè trên sông. Chúng tôi tìm một căn lều mát, mua một túi hạt dẻ rang ngồi ăn vặt, uống trà nóng, ngắm dòng thác xa xa, lòng không nghĩ ngợi gì. Hạt dẻ xứ này bùi bùi và rất ngọt, vị ngọt của núi rừng và sự tươi mới.

Sau khi chơi thác, chúng tôi tìm thuê xe máy để đi động Ngườm Ngao, làng đá Khuổi Ky... Liên hệ với một số điện thoại tìm được trên mạng, chúng tôi được hướng dẫn lên xe buýt đi ngược ra khoảng 6km là đến làng Háng Thoang để nhận xe máy. Xe buýt ở đây chạy liên tục nên việc đi lại khá tiện.

2. Từ xe buýt bước xuống, tôi cứ ngẩn ngơ mãi trước vẻ đẹp của cảnh vật xung quanh. Đây đúng là khung cảnh trên tấm ảnh mà tôi từng thấy về con sông Quây Sơn mang nước về tưới tiêu cho cả vùng. Cũng chính dòng sông này đã dồn đổ về, tạo nên sự hùng vĩ của thác Bản Giốc.

Con đường đi vào làng Háng Thoang ngang qua cánh đồng sau mùa gặt trơ gốc rạ, bầy ngựa thong thả gặm cỏ - hình ảnh bình yên, thơ mộng vô cùng. Trên bờ ruộng, dọc theo những đường bậc thang uốn lượn là đám cỏ hôi nở đầy những bông hoa màu tím nhạt. Đi hết những thửa ruộng thì đến một dòng sông nước trong xanh biếc. Hai bên bờ là những bụi tre mọc thành khóm, đây đó vài cọn nước làm bằng tre như những bánh xe khổng lồ đang xoay chậm rãi, dẫn nước từ sông lên cao, về ruộng của bà con, vì ruộng ở đây khá cao so với mặt sông.

Buổi sáng, có vài người làm nghề chài lưới lướt chậm rãi trên mặt sông bằng chiếc bè tre, đi kiểm tra xem có con cá nào mắc lưới. Cảnh quê thanh bình khiến tôi muốn lưu lại đây thật lâu. Những ngày lưu trú ở làng Háng Thoang của tôi trôi qua bình yên với việc đi ra, đi vào ngắm hoa chuối rừng, hoa dại đủ loại mà chủ nhà cắt về chưng khắp nhà. Ngắm chán chê, chúng tôi ra sông ngồi chơi, đi thuyền để tận hưởng không khí trong lành, cảnh đẹp như tranh và những âm thanh trong trẻo của gà gáy, ngựa hí, chó sủa xen trong tiếng hàng xóm gọi nhau.

Buổi chiều, tôi ra trước hiên nhà ngồi trò chuyện, xem nắng, đón đàn dê, ngựa, trâu bò đi về làng dưới ánh hoàng hôn. Cũng có hôm tôi đi dạo quanh làng, ngắm những ngôi nhà đá có tuổi đời hàng mấy chục năm. Quanh nhà, người ta dựng nào cây ngô đã khô để dành nhóm bếp, nào là lúa nếp, nào là hạt ngô phơi khô. Những ngôi nhà đá có đặc điểm rất mát mẻ vào mùa hè còn vào mùa đông rét mướt lại trở thành nơi trú ngụ ấm áp.

Chúng tôi men theo đường làng cũng là đi dọc bờ sông. Những bụi tre rậm rạp che mát cả con đường. Thỉnh thoảng có những khoảng đất bằng phẳng hai bên triền sông. Ngồi ở đây tầm nhìn thoáng đãng, có thể ngắm cả một khúc sông thơ mộng.

Đêm đến, bên đống lửa giữa sân, mọi người quây quần tìm hơi ấm; nướng khoai, nướng thịt heo bản thơm lừng và uống rượu gạo - thứ rượu trong veo, thơm thơm mà dưới xuôi không dễ gì có được. Những ngày ở đây, chúng tôi cảm nhận rõ ràng hạnh phúc đủ đầy mà mình nhận được từ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc này. 

Để đến Cao Bằng từ Hà Nội, bạn có thể đi xe riêng hoặc xe dịch vụ. Từ bến xe Mỹ Đình có nhiều nhà xe đi Cao Bằng (giường nằm/ghế ngồi). Ngoài ra còn có xe phòng riêng limousine nhưng loại xe này chỉ đi từ Hà Nội lên thành phố Cao Bằng và từ đây bạn phải bắt xe đi thêm 100km nữa mới tới Bản Giốc. Nếu muốn đi thẳng từ bến xe Mỹ Đình lên Bản Giốc, bạn có thể liên lạc với ba nhà xe sau:
- Nhà xe Mai Luy (điện thoại: 0913 252 888): khởi hành lúc 19g30.
- Nhà xe Thanh Ly (điện thoại: 0916 121 888 - 0912 237 252): khởi hành lúc 19g30.
- Nhà xe Hiền Lợi (điện thoại: 0915 046 784 - (026) 385 8679): khởi hành lúc 10g10.

Xung quanh thác Bản Giốc - xóm Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh có vài khách sạn từ 2 đến 4 sao, có resort Saigon Bangioc, bạn có thể vào website của resort để đặt phòng với nhiều ưu đãi.

Đặc biệt, ở làng Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng có Lan Homestay nằm ngay bên sông Quây Sơn khung cảnh rất đẹp; phòng ốc sạch sẽ, ấm áp; chủ nhà thân thiện, có thể hướng dẫn bạn đến thăm những địa điểm đẹp trong vùng. Ở khu vực này, du lịch chưa phát triển nên chưa có nhiều dịch vụ ăn uống ngoài những hàng quán bán đồ ăn sáng cho người địa phương. Bạn có thể thử món bánh cuốn ăn cùng nước xương kho, món vịt quay… Nếu lưu trú tại Lan Homestay, bạn nên đặt từ tối hôm trước món lẩu gà ăn cùng các loại rau rừng, để chủ nhà đặt gà giúp bạn. Thịt heo bản ướp nướng trên than hồng cũng rất ngon. Rượu gạo người dân địa phương nấu xong đem hạ thổ vài tháng nên uống khá dễ chịu và không gây nhức đầu. Thường ngày, người dân nơi đây ăn cá sông chiên, canh rau hái trong vườn.

Nếu đến đây vào những tháng cuối hoặc đầu năm, bạn nên mang theo quần áo ấm bởi nhiệt độ xuống thấp đến 5-6°C và có nhiều sương giá. Thời gian này trời khá mù chứ không trong như khoảng tháng Mười, tuy nhiên rừng cây sẽ chuyển sang màu vàng, đỏ đẹp mắt. Bản Giốc thu hút khách du lịch nhất vào mùa thu cũng là mùa lúa chín (tháng Chín). 

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI