|
Ngành công nghiệp Bollywood tạo ra cả những bộ phim phổ biến và được giới phê bình đánh giá cao. Ảnh: Getty Images |
Không có nhà vệ sinh, nghệ sĩ nữ phải đi vào bụi rậm
Bản báo cáo dài 290 trang vừa bật mí ngành công nghiệp phim ảnh tại đất nước đông dân nhất thế giới bị chi phối bởi “một nhóm mafia gồm những người đàn ông quyền lực” và “tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ đang tràn lan”.
Ủy ban Hema do một cựu thẩm phán Tòa án tối cao Kerala đứng đầu và được thành lập vào năm 2017, nêu chi tiết về điều kiện làm việc tồi tệ trên phim trường - bao gồm việc thiếu nhà vệ sinh và phòng thay đồ cho các nghệ sĩ trẻ, không có thức ăn và nước uống cho họ, trả lương thấp và không có chỗ ở hoặc phương tiện đi lại.
“Không có nhà vệ sinh, vì vậy phụ nữ phải đi vào bụi rậm. Trong thời kỳ kinh nguyệt, việc không thể thay băng vệ sinh trong nhiều giờ và nhịn tiểu lâu gây khó chịu về mặt thể chất, khiến họ bị ốm, trong một số trường hợp phải nhập viện”, báo cáo cho biết.
Báo cáo được đệ trình lên chính phủ vào tháng 12/2019 và chỉ được công bố vào tuần này sau gần 5 năm trì hoãn.
Hội đồng này được thành lập sau vụ tấn công tình dục kinh hoàng đối với một nữ diễn viên hàng đầu trong ngành công nghiệp điện ảnh. Bhavana Menon - người đã tham gia hơn 80 bộ phim và giành được một số giải thưởng danh giá - đã bị một nhóm đàn ông tấn công khi đang đi từ Thrissur đến Kochi vào tháng 2/2017.
Vụ tấn công của cô đã trở thành tiêu đề, đặc biệt là sau khi Dileep, một trong những diễn viên lớn nhất của ngành công nghiệp phim ảnh nước này và là bạn diễn của Menon bị buộc tội âm mưu. Mặc dù anh này phủ nhận các cáo buộc, nhưng đã bị bắt và bị giam giữ trong 3 tháng trước khi được tại ngoại. Vụ án vẫn tiếp tục được xét xử tại tòa.
Luật pháp Ấn Độ cấm việc xác định danh tính những người sống sót sau vụ tấn công tình dục, nhưng ngay từ đầu, mọi người đã biết chính cô Menon là người bị tấn công. Năm 2022, cô đã từ bỏ quyền ẩn danh của mình trong một bài đăng trên Instagram và trả lời truyền thông nhằm tố cáo sự bẩn thỉu này.
Vài tháng sau vụ tấn công diễn viên Menon, Women in Cinema Collective (WCC) – một nhóm được thành lập bởi một số đồng nghiệp của cô đã gửi đơn kiến nghị lên chính phủ, yêu cầu hành động nhanh chóng trong vụ án và giải quyết các vấn đề mà phụ nữ trong ngành điện ảnh phải đối mặt.
Trong báo cáo, họ đã phỏng vấn hàng chục nam nữ, bao gồm nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, quay phim, nhà tạo mẫu tóc, nghệ sĩ trang điểm và thiết kế trang phục, và thu thập bằng chứng bao gồm các đoạn video, đoạn âm thanh và tin nhắn WhatsApp... nhằm mô tả quấy rối tình dục là "tội ác tồi tệ nhất" mà phụ nữ trong ngành điện ảnh phải đối mặt.
Báo cáo cho biết ngành công nghiệp này do một nhóm diễn viên, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà triển lãm và đạo diễn nam kiểm soát, những người đã đạt được danh tiếng và sự giàu có, và họ cũng nằm trong số những thủ phạm.
WCC cho biết báo cáo đã chứng minh lập trường của mình là đúng. "Nhiều năm qua, chúng tôi đã nói rằng có một vấn đề mang tính hệ thống trong ngành. Quấy rối tình dục chỉ là một trong số đó. Báo cáo này chứng minh điều đó" - Beena Paul, một biên tập viên từng đoạt giải thưởng và là một trong những thành viên sáng lập của WCC, nói.
“Chúng tôi luôn bị nói rằng chúng tôi là những kẻ gây rối vì nêu ra những vấn đề như vậy. Báo cáo này chứng minh rằng tình trạng còn tệ hơn nhiều. Các thành viên của WCC cho biết họ đã gặp khó khăn trong việc tìm việc làm kể từ khi họ bắt đầu yêu cầu điều kiện làm việc tốt hơn trên phim trường. Mọi người không thích việc chúng tôi đặt câu hỏi. Vì vậy, khá nhiều thành viên đã phải đối mặt với những tình huống khó khăn" - bà Paul nói thêm.
Tố cáo sự thật để môi trường làm việc an toàn hơn cho phụ nữ
Hiệp hội Nghệ sĩ Điện ảnh Malayalam (AMMA), một tổ chức hàng đầu trong ngành đã phủ nhận cáo buộc. Tổng thư ký Siddique không đồng ý có một nhóm nhỏ, quyền lực kiểm soát ngành công nghiệp này. Ông cũng phủ nhận quấy rối tình dục đang tràn lan trong ngành, và cho biết hầu hết các khiếu nại mà họ nhận được là về sự chậm trễ hoặc thiếu tiền lương cho người lao động. Ông cho biết điều kiện làm việc cho phụ nữ đã được cải thiện trên phim trường trong 5 năm qua.
|
Phụ nữ Ấn Độ đã yêu cầu hành động nhiều hơn nữa để họ cảm thấy an toàn nơi làm việc |
Những cáo buộc quấy rối và lạm dụng không phải là mới ở Ấn Độ - vào năm 2018, phong trào #MeToo đã tấn công ngành công nghiệp điện ảnh nổi tiếng nhất của đất nước này là Bollywood sau khi nữ diễn viên Tanushree Dutta cáo buộc nam diễn viên kỳ cựu Nana Patekar có hành vi không đúng mực với cô trên phim trường vào năm 2008. Patekar đã phủ nhận những cáo buộc.
Tanushree Dutta sau khi tố cáo đã bị từ chối làm việc, đồng thời nói thêm rằng các báo cáo trước đó về việc đảm bảo nơi làm việc an toàn hơn cho phụ nữ đã không có tác dụng.
Tuy nhiên, Parvathy Thiruvothu - một nữ diễn viên từng đoạt giải thưởng và là thành viên chủ chốt của WCC - nói rằng việc công bố báo cáo là "một chiến thắng bởi nó đã mở ra cánh cửa cho những thay đổi lớn trong ngành”.
Trọng Trí (theo SCMP, Yahoo, India Today)