Quấy rối tình dục, lỗi ở ai?

01/03/2022 - 06:27

PNO - Dĩ nhiên, rất rõ ràng, là ở kẻ biến thái. Thế nhưng, nếu xét đến hậu quả, đến những tổn thương mà nạn nhân phải gánh chịu thì không chỉ như vậy.

Nhận diện quấy rối là việc ai cũng làm được?

Năm 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào làm trợ lý kinh doanh cho một công ty xuất nhập khẩu có 90% “ma cũ” là nam giới. Ngày đầu đi làm, tôi chọn sơ mi, quần tây kín đáo, nghiêm túc, trang điểm rất nhẹ. Cuối ngày, anh phó phòng vỗ vai: “Cô bé khá lắm!”.

Vấn đề là bàn tay anh đặt trên vai tôi ngay chỗ dây áo lót, kéo nhẹ và con bé mới rời cổng trường đại học đã đông cứng người vì sợ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Rất nhiều năm sau, tôi vẫn tự cho mình là khôn ngoan: từ hôm sau đã bám dính một “chị đại” của phòng hành chính vốn cũng thiếu người để sau đó xin được chuyển đi, chấp nhận làm chân sai vặt cho các chị, kiêm luôn shipper mua đồ ăn (hồi đó chưa có xe ôm công nghệ), đón con hộ các chị…

Tôi biết chắc nếu ở vị trí cũ, sẽ còn nhiều lần, nhiều đàn anh - đồng nghiệp khác có thể có hành động tương tự mà mình khó thoát. Trong văn phòng, là “ma mới”, nhân viên thực tập, hầu hết các cô gái chỉ có thể làm như tôi, hoặc chịu đựng, hoặc nghỉ việc.

30 tuổi, đã thành mẹ hai con, trong một chuyến du lịch, trên xe buýt hàng không, tôi gai mắt khi thấy một thanh niên nhìn chòng chọc vào cổ áo rộng của cô gái trẻ đứng ngay sát anh ta và tôi. Dù không nói gì nhưng ánh mắt cợt nhả và dung tục của anh chàng khiến cô gái đỏ cả mặt mũi.

Người ta có thể đổ lỗi cho trang phục, cho cái cổ áo, cho nhà thiết kế, cho chính cô gái trẻ muốn khoe bờ vai trắng, chiếc cổ thon, vòng một lấp ló… ở nơi công cộng, tương tự nạn nhân bị cưỡng bức bị đổ lỗi khi mặc váy ngắn, kích thích thú tính… nhưng theo định nghĩa của quấy rối tình dục, anh chàng kia mới là người vi phạm.

Nhưng tố cáo thì…

Nỗi sợ hãi của các nạn nhân thật dễ hiểu vì:

1. Nạn nhân ở thế yếu: Điển hình như các “ma mới” hoặc bị phụ thuộc trong các quan hệ công việc với đối tác, khách hàng… Nín nhịn, chịu đựng cho được việc khác hẳn việc trao đổi thỏa thuận kiểu “đôi bên cùng có lợi” nhưng nếu vỡ lở, hầu hết nạn nhân sẽ bị đánh đồng sang trường hợp này, thậm chí còn bị gán ghép cho tội cố tình quyến rũ đàn anh, sếp, thầy giáo… Tội “gạ tình” được chuyển phắt qua vai nạn nhân bị quấy rối và thay vì được bênh vực hay ủng hộ, nạn nhân bị lên án. Với nạn nhân ít tuổi, non nớt, việc dọa dẫm sẽ giết, sẽ khiến bị ô nhục… khiến ưu thế áp đảo của kẻ biến thái càng được củng cố.

2. Xấu hổ và định kiến: Các nạn nhân đa phần im lặng vì thực tế chứng minh những người lên tiếng trước họ đã phải đối mặt với bão táp truyền thông, với sự thờ ơ của đám đông. Trước gạch đá, búa rìu dư luận, với hình thức đánh tráo khái niệm lẫn lộn giữa quấy rối tình dục và trêu cợt, đùa giỡn cho vui… nhiều nạn nhân sau khi lên tiếng đã lâm vào tình trạng khủng hoảng tâm lý kéo dài, nhiều người tuyệt vọng đến mức muốn tự tử vì không vượt qua được áp lực. 

Ngay tại các thành phố lớn, thậm chí ở nước ngoài, những định kiến, các quan niệm lệch lạc về đặc quyền giới tính (đàn ông ai chẳng thế!) vẫn tồn tại, vẫn được tán đồng hay cổ xúy, chưa kể đến các thế lực truyền thông khi kẻ biến thái dùng tiền, quyền lực để can thiệp và làm sai lệch, định hướng dư luận theo cách họ muốn. Đương đầu với thế lực ấy, nạn nhân rất dễ phải buông tay, im lặng trong uất ức và cay đắng. 

3. Không có niềm tin được bảo vệ: Điều này nguy hiểm nhất và chính là nguyên nhân sâu xa khiến nạn nhân không dám tố cáo. Nguyên nhân này là mấu chốt kéo theo hai nguyên nhân ở trên. 

Lỗi ở ai?

Nếu các cô bé cậu bé 2 - 3 tuổi không được giáo dục để nhận diện và phản ứng quyết liệt với các động tác cợt nhả vô tâm của người lớn như kéo quần áo “cho bác xem con ch… còn hay bay rồi” thì đến khi 12 tuổi, bé sẽ khó nhận ra mình đang có nguy cơ bị quấy rối hay xâm hại bởi người quen, người thân và qua tuổi dậy thì, sao các con dám mở lời với cha mẹ, 23 tuổi làm sao dám phản kháng trước các hành động quấy rối của người lạ, của đồng nghiệp, của những người đang ở thế áp đảo?

Nếu từ nhỏ trẻ đã được dạy rằng các bộ phận trên cơ thể là điều nên giấu giếm; chuyện quan hệ tình dục là xấu xa, đáng ghê tởm… thì sao các con dám cho cha mẹ, thầy cô xem những hình ảnh nhạy cảm chúng đang bị/phải nhận? 

Lỗi tránh né việc giáo dục giới tính, không trò chuyện cởi mở và thẳng thắn của thầy cô và phụ huynh sẽ khiến trẻ ở tuổi dậy thì hoang mang trước các khái niệm và sự khác biệt của “âu yếm” và “xâm hại”, sự đánh tráo khái niệm giữa “giữ bí mật riêng tư” và “che giấu tội lỗi”… để rồi dễ trở thành các nạn nhân khổ sở trong im lặng.

Những nức nở xót xa của các nạn nhân bị quấy rối tình dục gần đây càng khiến tôi, một bà mẹ bình thường như bao bà mẹ khác, tin rằng “giáo dục giới tính, giúp các con tự tin và mạnh mẽ là cách bảo vệ con mình hiệu quả nhất trước khi chờ đợi nghị định, luật, các biện pháp chế tài cụ thể cho kẻ biến thái; trước khi chờ công lý được thực thi”. 

Lê Lan Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI