|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Mất quyền tự chủ
Nhờ ngoại hình xinh xắn, Hoàng Thy được sếp của công ty cô thực tập chú ý giao những công việc nhẹ nhàng; còn Minh Triết thì phải làm mọi công việc như các bạn nam ở công trình chỉ vì ngoại hình nhìn nam tính.
Buổi tiệc của công ty mừng trúng gói thầu lớn diễn ra tại một nhà hàng có sẵn phòng karaoke ấm cúng. Ánh đèn, ly bia, chung rượu và lời ra như một lẽ thường tình đi kèm ánh mắt, lời nói, những cử chỉ đụng chạm cơ thể không đáng có khiến cả 2 cô sinh viên thực tập không thoải mái và muốn xin ra về.Nhưng Hùng - vừa là giám đốc công ty đồng thời là người nhận Thy vào thực tập - muốn giữ cô lại và sẽ đích thân đưa cô về. Cảm thấy bất an, Thy nhờ Triết theo sau hỗ trợ mình để cả hai về nhà.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà con người bị “tình dục hóa” rất cao. Điều đó thể hiện qua việc ngoại hình, cơ thể, xu hướng tính dục được bình luận, phản ứng theo khía cạnh gợi dục hoặc khiêu dâm để làm cho ai đó hoặc điều gì đó trở nên thú vị. Kết quả là có một ranh giới rất mong manh giữa việc “thân thiện” và QRTD. |
Trên con đường men theo quốc lộ về lại nhà trọ, Hùng nắm tay, ôm cổ, bá vai và kéo sát Thy lại gần mặt, hôn lên má khiến cô hoảng loạn, sợ hãi. Người Thy đóng băng, im bặt. Cô nhìn những nụ cười, ngửi thấy hơi thở, bàn tay thô ráp đặt lên ngực, lên mông của mình. Có lúc cô cố đẩy tay anh ra và chạy đi, nhưng sức lực của một người đàn ông đang say cố ghì chặt cô lại.
Con phố không người, cùng quãng đường về nhà như dài bất tận, Triết vẫn lủi thủi theo sau để giúp bạn không phải chịu nỗi sợ một mình, nhưng cũng bị Hùng trêu chọc và lờ đi. Cả chục phút trôi qua như dài vô tận. Cuối cùng, vì vợ gọi nên Hùng để Thy vào nhà. Trong hoàn cảnh này, im lặng không phải là đồng thuận. Không né tránh, vùng ra, thoát đi hay không đánh trả không có nghĩa là đồng thuận.
Những đêm sau đó, cảm giác bản thân thật tệ và sai khiến Thy căm ghét chính mình. Vì sợ điểm thấp, sợ không thể tốt nghiệp đúng hạn, sợ phải làm sếp giận, sợ mọi người mất vui làm cô chẳng dám từ chối. Thy né tránh mọi người, không muốn đi làm và chỉ muốn tránh mặt người sếp đáng sợ đó.
Còn Triết, cô vừa không thấy mình có giá trị chỉ vì ngoại hình không được nữ tính, vừa thấy có lỗi khi không thể bảo vệ bạn lúc đó. 2 cô gái thấy mình đánh mất nhân phẩm của phụ nữ, mất quyền tự chủ cơ thể mình. Họ cảm thấy trở nên thua kém và giảm giá trị bản thân.
Vòng lặp của quấy rối
18 tuổi, Thiên Khôi sở hữu một kho ký ức hỗn độn. Đó là cuộc hôn nhân đổ vỡ của ba mẹ lúc Khôi được 24 tháng tuổi. Rồi ba ly hôn mẹ để lấy mẹ hai, rồi đến mẹ ba. Năm nó lên 10, có lần, trong lúc ba say, ba thò tay vào ống quần thằng con vuốt ve, mơn trớn như thể nó là đàn bà. Sự xấu hổ, kinh tởm bản thân và những trận đòn ba đánh thừa sống thiếu chết khiến nó chẳng biết nương tựa vào ai.
Tốt nghiệp thủ khoa ở một trường đại học có tiếng, Khôi khoác lên mình chiếc blouse trắng để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân trầm cảm. Một ngày, Khôi gặp Khả Nhi tìm đến khám ngoài giờ vì nỗi đau vừa chia tay bạn trai khiến cô rơi vào tuyệt vọng.
Những buổi thăm khám, Nhi trở nên thân thiết với Khôi một cách lạ thường. Khôi cũng không thể giữ được ranh giới và quy tắc đạo đức làm nghề. Anh muốn nhiều hơn một mối quan hệ công việc. Có lần anh bảo nhớ cô, muốn xem vùng nhạy cảm của Nhi khi cô chia sẻ với anh về bệnh phụ khoa do lần quan hệ với bạn trai để lại, với lý do để chắc là Nhi không hoang tưởng. Nhi cảm thấy không thoải mái với cử chỉ, ánh mắt đầy khêu gợi, sự hờn giận và đòi hỏi từ Khôi; cô cũng không dám nói ra vì nghĩ anh chỉ đang hỗ trợ mình tốt hơn. Càng để Khôi chữa trị, Nhi càng hoang mang…
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Sau một thời gian dài đấu tranh tâm trí, Nhi chọn cách đối diện, nói ra sự thật, gửi những tin nhắn và hình ảnh cá nhân đến nơi Khôi đang làm việc để không một cô gái nào phải bị quấy rối và lợi dụng trong những giây phút họ tổn thương nhất.
Mỗi lần nghĩ đến Khôi, dường như nỗi đau mất mát lại quay về. Cô chưa được chữa lành tổn thương tình cảm trước đây mà chỉ lấp lên mình một tổn thương khác lớn hơn - nỗi đau bị quấy rối và lạm dụng. Còn Khôi, anh bị cho thôi việc, anh thừa nhận những gì mình làm là vi phạm quy chuẩn đạo đức và thực hành tâm lý. Anh chọn cách không quay lại với cuộc sống quá nhiều nỗi đau.
Như là một sự cứu rỗi, anh lại về với cơn mơ chữa lành cho những kẻ chẳng biết mình là ai và ý nghĩa cuộc đời này là gì. Anh nỗ lực làm việc và theo thời gian chẳng còn ai nhớ anh đã từng sai lầm.
Thời đại "tình dục hoá"
Việc khẳng định quyền lực được thể hiện rõ ràng nhất trong hành vi quấy rối, tấn công tình dục tại nơi làm việc, trong đó thủ phạm dùng quyền lực uy hiếp, đe dọa, dụ dỗ mục tiêu của mình. Quấy rối tình dục (QRTD) được thực hiện dưới nhiều hình thức công khai, dễ nhận thấy, tinh vi, hoặc khó nhận ra như bằng cách tiếp cận thể xác dù người kia không mong muốn, bằng lời nói ngụ ý, bình luận gợi dục; những trò đùa không phù hợp về tình dục hoặc nhìn, theo dõi, nhắn tin, gửi thư, gọi điện gạ gẫm…
Một lần nữa, điều này không liên quan gì đến nhu cầu tình dục. Đàn ông có đời sống tình dục năng động và đa dạng tại nhà vẫn tấn công phụ nữ bên ngoài. Nơi làm việc cung cấp một “đấu trường” cho những hành vi này. Thủ phạm có quyền và sức mạnh hơn nạn nhân là cấp dưới nên họ cho mình cái quyền để lạm dụng và tấn công kẻ yếu thế.
Hùng biết Thy và Triết sẽ không dám lên tiếng vì sợ không được tin tưởng, sợ mất việc hoặc có thể mất cơ hội thăng tiến trong công việc đã chọn. Còn Nhi chọn cách nói ra và Khôi phải chịu hậu quả là mất việc. Từ một đứa bé trai bị quấy rối và lạm dụng thuở nhỏ, Khôi giờ lặp lại hành vi quấy rối là lạm dụng người khác để thấy mình có sức mạnh, quyền lực và giá trị. Vòng lặp của quấy rối và lạm dụng sẽ quay lại cho đến khi Khôi, Hùng ý thức và chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình.
Khi bạn bị quấy rối và hướng hỗ trợ
Khi bị quấy rối hoặc xâm hại, gần như bộ não được thiết lập lại để chỉ tập trung vào sự kiện gây căng thẳng và những cảm xúc liên quan như thể sự kiện đó liên tục lặp lại trong não. Những ký ức này sẽ có ảnh hưởng lâu dài và bạn sẽ phản ứng lại với bất kỳ âm thanh, mùi vị, hình ảnh nào gợi nhớ.
Đối với nạn nhân, việc lên tiếng có thể khó khăn và trong một số trường hợp, họ có thể thực sự không sẵn lòng. Điều quan trọng là cả nạn nhân và những người ủng hộ họ đều hiểu: dù im lặng không phải là lý tưởng, nó có thể giúp ích cho quá trình đối phó hoặc ổn định tạm thời. Giữ bí mật trải nghiệm bất lợi này sẽ dẫn đến nguy cơ trầm cảm, sợ hãi, căng thẳng, tức giận, rối loạn tiêu hóa, nội tiết hay hành vi tự hại…
|
Nhà tâm lý trị liệu Mia Nguyễn |
Chỉ khi bạn chọn cách chia sẻ với người có chuyên môn, thẩm quyền hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo, có uy tín, về những gì đã xảy ra thì sự căng thẳng, nỗi xấu hổ, sợ hãi và việc tự đổ lỗi cho bản thân mới dừng lại.
Cuối cùng, có biết bao nạn nhân bị QRTD nơi công sở, bao gồm cả nam, nữ và các nhóm LGBT+ (cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới…) - những người đã bị đổ lỗi, mất cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp do phải đấu tranh để giải quyết các vấn đề QRTD trong quá trình làm việc. Phần lớn các vụ việc đều đi vào im lặng. Sự bất công này cần phải được đối mặt và thừa nhận để mang lại sự công bằng, bảo vệ giá trị nhân phẩm cho người bị hại theo hướng thượng tôn pháp luật.
Để công sở là nơi an toàn, nếu bạn biết điều gì đó, hãy nói; nhưng đừng buôn chuyện, không đổ lỗi - điều đó chỉ làm vấn đề leo thang và gây nguy hiểm thêm cho nạn nhân, bởi họ cần được bảo vệ.
Mia Nguyễn - nhà tâm lý trị liệu, Văn phòng tâm lý Ladies of Vietnam