Tiết học nhẹ nhàng
Nhằm hạn chế bỡ ngỡ của học sinh khối 6 khi lần đầu đến trường, vừa chuyển từ hình thức học trực tuyến sang học trực tiếp, Trường THCS Hà Huy Tập (Q. Bình Thạnh) đã xây dựng nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm trong môn học. Tận dụng các thiết chế văn hoá của trường như khu vườn trường, cây xanh, tiểu cảnh trang trí, những tiết học trực tiếp được tổ chức ngay… sân trường, mang đến không gian học tập mới mẻ, sôi nổi, vui tươi cho học sinh.
“Những cây dương xỉ, mảng rêu xanh, cây lúa tiểu cảnh trong trường… nay được đưa vào tiết học khiến các em vô cùng thích thú. Trong suốt một học kỳ chỉ học qua màn hình điện thoại, máy tính, các tiết học được trải nghiệm, vừa học vừa chơi sẽ giúp các em thấy việc học trực tiếp nhẹ nhàng, từ đó sẽ hào hứng đến trường…”, cô Hiệu trưởng Hứa Thị Diễm Trâm chia sẻ.
|
Học sinh lớp 6 Trường THCS Hà Huy Tập (Q. Bình Thạnh) được học các tiết học trải nghiệm độc đáo, thú vị |
Cạnh đó, cô Trâm cho biết, việc giáo dục học sinh khối 6 kỹ năng phòng dịch cũng được lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, trực quan sinh động để các em dễ nhớ, dễ thực hiện.
Tại Trường THCS Lê Văn Tám (Q. Bình Thạnh), tỷ lệ học sinh lớp 6 đi học trực tiếp là 400/404 em. Số học sinh chưa đồng thuận đến trường sẽ tiếp tục được học qua hệ thống trực tuyến LMS.
Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn thông tin, là khối lớp đầu cấp lại lần đầu tiên đến trường nên trong tuần đầu, trường tập trung hướng dẫn khối 6 cách phòng dịch, quy tắc 5K trong đó lưu ý đeo khẩu trang suốt thời gian tại lớp, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách, chia vị trí vui chơi theo từng khối. Mỗi em được trường tặng chai nước rửa tay, từng bước hình thành thói quen rửa tay cho các em.
Từ kinh nghiệm tổ chức phòng chống dịch ở các khối lớp trước đó, Hiệu trưởng cho biết, trường phát huy mạnh mẽ kênh giám sát từ giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và từ học sinh trong lớp. Trong quá trình học, nếu thấy bạn bè có biểu hiện về sức khoẻ thì chính học sinh sẽ chủ động báo cho y tế trường, giáo viên trong lớp để kịp thời xử lý.
“Đã có trường hợp học sinh lớp 6 thấy bạn mệt và báo giáo viên. Ngay lập tức, tiết học được ngưng lại, y tế trường vào tầm soát. May mắn là học sinh đó không phải F0 nhưng cho thấy rằng, mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên, một giám sát viên phòng dịch rất hiệu quả trong công tác phòng dịch của trường”, ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá.
Ngoài chú trọng phòng dịch, theo Hiệu trưởng này, học sinh lớp 6 còn được quan tâm tạo không khí vui tươi, nhẹ nhàng trong học tập, khuyến khích các em tham gia vào các CLB.
Trong các giờ tập trung dưới sân trường, các anh chị học sinh lớp trên sẽ trực tiếp chia sẻ hoạt động, sân chơi của trường, phương pháp học tập hiệu quả để tạo sự hứng thú cho học sinh khối 6. Mỗi giờ học được tổ chức theo tinh thần nhẹ nhàng, linh hoạt, đổi mới các hoạt động để thu hút học sinh.
Không nôn nóng đánh giá năng lực học sinh
Nhận định việc học sinh đầu cấp trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến sẽ khiến công tác dạy và học trực tiếp gặp khó khăn, các trường tiểu học, THCS, THPT tại TPHCM đều quán triệt giáo viên từng bước đánh giá năng lực học sinh, không nôn nóng, ngay cả khi học sinh chưa đạt yêu cầu trong thời gian học trực tuyến.
“Mọi năm, học sinh lớp 1 trước khi bước vào năm học mới đều có 2 tuần để làm quen, hình thành kỹ năng về phục vụ, học tập thì năm nay dù đã học hết học kỳ 1, trở lại trường các em vẫn như… tờ giấy trắng. Nhiều em còn chưa thạo cách cầm bút, chưa thuần thục kỹ năng tự vệ sinh, phục vụ, giáo viên phải dành thời gian vừa hướng dẫn từ đầu, giới thiệu trường lớp, vừa chú trọng phòng dịch. Như vậy, nếu không bình tĩnh, thầy cô rất dễ tạo áp lực cho trẻ, khiến trẻ sợ đến trường”, cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) nhìn nhận.
|
Giáo viên không nôn nóng đánh giá năng lực học tập của học sinh đầu cấp khi trở lại trường |
Với nhìn nhận này, cô Chi cho biết trường quán triệt giáo viên khối 1 không nóng vội mà hướng đến việc tạo tâm thế thích thú, hào hứng đến trường cho trẻ trong thời gian đầu. Việc củng cố kiến thức đã học trong thời gian học trực tuyến cũng thông qua các trò chơi, tăng tính tương tác, trải nghiệm cho trẻ.
Khẳng định học sinh lớp 1 hiện đã biết đọc, biết viết, biết làm toán song cô Nguyễn Thị Dung (GVCN lớp 1/6, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) thừa nhận trẻ lớp 1 còn hạn chế nhiều về mặt kỹ năng. Để các em thuần thục kỹ năng học tập, thích ứng việc chuyển giao môi trường từ mầm non sang tiểu học, từ trực tuyến sang trực tiếp, giáo viên cần nhiều thời gian để nắm bắt năng lực của từng học sinh, điều chỉnh phương pháp tiếp cận.
“Mỗi tiết học tôi đều tổ chức các trò chơi, thi đua giữa các em. Ngay cả khi không trả lời đúng trẻ vẫn được khen thưởng, tặng các món quà nhỏ, từ đó khuyến khích các em mạnh dạn. Với trẻ lớp 1, nhất là trong năm học này, điều cần thiết nhất là sự phối hợp của phụ huynh. Giáo viên khuyến khích, phụ huynh động viên, để trẻ thấy việc học nhẹ nhàng”, cô Dung bày tỏ.
|
Giáo viên khuyến khích, phụ huynh động viên để học sinh đầu cấp hào hứng khi học trực tiếp |
Đánh giá khó khăn của học sinh lớp 6 khi chuyển đổi môi trường học tập sẽ phát sinh “lỗ hổng” kiến thức, cô Trần Thị Huyền (Giáo viên Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Lê Văn Tám, Q. Bình Thạnh) cho biết, học sinh sẽ vừa được hướng dẫn làm quen với môi trường mới, vừa được củng cố kiến thức.
“Học sinh khối 6 năm nay được tiếp cận chương trình GDPT mới, Lịch sử - Địa lý lại là bộ môn mới với các em. Sự mới mẻ trong môn học, mới mẻ trong cách thức giảng dạy của giáo viên đã khiến không ít học sinh bỡ ngỡ trong thời gian học trực tuyến. Do đó, khi trở lại trường, trong mỗi tiết học, giáo viên sẽ tăng cường sự thi đua theo các nhóm học sinh để tăng tính tự học của các em. Khuyến khích mỗi học sinh sẽ tự giúp nhau củng cố kiến thức. Quan trọng nhất vẫn là ổn định tâm lý cho các em. Chỉ khi các em thích thú đi đến trường thì việc học trực tiếp mới hiệu quả”, cô Trần Thị Huyền chia sẻ.
Tấn Dũng