Sức mua quạt điện, nước uống đóng chai… tăng 250% sau bão

09/09/2024 - 15:27

PNO - Ghi nhận của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 ngày qua, sức mua nhiều mặt hàng như sạc dự phòng, quạt tích điện, nước đóng chai, các loại mỳ tăng 250% so với trước bão.

Tại Quảng Ninh, do mưa trên địa bàn tỉnh đã ngớt, chỉ mưa nhỏ một vài khu vực nên hoạt động thương mại đã diễn ra bình thường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều; các cửa hàng xăng dầu vẫn cung cấp hàng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu người dân. Một số siêu thị, chợ bị tốc mái đang trong thời gian vừa mở cửa bán hàng và khắc phục sau bão.

Giá cả hàng hóa tại các siêu thị ở phía Bắc ổn định
Giá cả hàng hóa tại các siêu thị ở phía Bắc ổn định - Ảnh: Hồng Châu

Tại Hải Phòng, qua nắm bắt thông tin và báo cáo từ các hệ thống phân phối bán lẻ, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố, cơ bản các điểm bán đã mở cửa hoạt động bình thường phục vụ nhân dân. Riêng chợ đầu mối rau quả của Công ty TNHH Phương Nghĩa, chủ yếu hoạt động vào đêm và sáng sớm ghi nhận nhiều hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau củ quả đã nghỉ kinh doanh để đảm bảo an toàn.

Đối với hệ thống siêu thị ở Hải Phòng, bước đầu có ảnh hưởng thiệt hại của cơn bão số 3 như bay mái tôn, bật vách, rơi biển hiệu, vỡ cửa kính, hỏng cửa cuốn, cây xanh đổ gần khu vực cửa hàng và hiện các đơn vị đang tích cực dọn dẹp, khắc phục. Việc vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán bị chậm do cây đổ, tình hình giao thông gặp khó khăn, một số tuyến đường bị ngập.

Thông tin từ địa phương này cho biết, trên địa bàn thành phố bị mất điện và mất nước từ ngày 7/9/2024 dẫn tới sức mua nhiều mặt hàng sạc dự phòng, quạt tích điện, nước đóng chai, các loại mỳ, bánh mỳ, bim bim, sữa tại các cửa hàng và các siêu thị, sức mua tăng đột biến (tăng trên 250% so với ngày thường). Đặc biệt, nhiều cửa hàng bán đồ ăn uống tại khu vực nội thành có lượng khách đến mua hàng tăng trên 200% trong tối 8/9. Đến sáng ngày 9/9/2024, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã có điện, nước và mạng di động, hoạt động kinh doanh buôn bán của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và cửa hàng đã bắt đầu trở lại.

Còn tại Hà Nội, hoạt động thương mại diễn ra bình thường, hàng hóa đảm bảo cung cấp đầy đủ cho người dân. Mặt hàng rau xanh ăn lá ngoài chợ truyền thống có tăng so với thời điểm trước bão.

Ở các địa phương khác gồm Bắc Giang, Sơn La, Bắc Kạn… thị trường hàng hóa ổn định, giá cả không tăng nhiều.

Trước đó, để ngăn tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi sau bão số 3, chiều tối ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký công điện yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo toàn lực lượng QLTT tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão Yagi hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính. Yêu cầu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước bám sát diễn biến của thị trường, tình hình cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng vật tư phục vụ nhu cầu sửa chữa, phục hồi sau bão.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI