Thằng em thứ ba gay gắt nói với tôi: “Thằng Tiến dù gì cũng gọi chị một tiếng mẹ. Chị đã giao tiệm vàng cho vợ chồng nó, sao không giao luôn căn nhà để tụi nó yên tâm. Già rồi, chị còn tính toán gì nữa. Ngày xưa chị không công bằng với tôi, giờ là không công bằng với thằng Tiến”. Câu nói của em khiến tôi đau như muối xát. Năm xưa, lúc ba giao tiệm vàng lại cho tôi, đã dặn: “Con làm chị phải thương yêu, bao dung các em. Chuyện gì cũng phải phân xử cho công bằng”. Tôi đã làm tất cả để không phụ lòng ba. Giờ em trách tôi không công bằng, tôi còn biết nói sao.
Má tôi mất khi thằng út mới sáu tuổi. Tôi là chị lớn, phải giúp ba trông coi tiệm vàng. Mấy năm sau này, ba bị bệnh tim, nên giao hẳn tiệm vàng cho tôi. Tôi gánh vác hết mọi việc để lo cho các em được chu toàn. Thằng em thứ ba, sau khi lấy vợ thì đòi mở tiệm vàng riêng. Thời gian sau, nó than: “Tiệm của em vắng như chùa bà đanh. Chị giao tiệm nhà cho em, nếu không, vài tháng nữa là em sập tiệm”.
|
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Tôi nghĩ tiệm vàng của ba danh tiếng đã lâu, nếu dời chỗ khác cũng có khách, nên mua căn nhà mới, nhường căn nhà cũ cho em. Ba xót xa thay cho tôi, “cực thân con quá”. Tôi an ủi ba: “Con lăn lộn quen rồi. Thằng Ba không mua bán được thì vợ con nó khổ”. Thằng em thứ tư không may mất sớm, tôi gây dựng cho vợ con nó tiệm bán đồ nội thất. Thằng em thứ năm thì có tiệm đồng hồ. Thằng em út là giáo viên, vợ nó có tiệm bán vải…
Quanh năm tất bật vì mấy đứa em, tuổi xuân của tôi vụt qua hồi nào không hay. Làm thân gái, tôi cũng mơ ước một mái gia đình. Ngày tháng qua nhanh, đến khi nhìn lại thì đã muộn. Ba hay thở dài nói với tôi: “Con ưng đại thằng nào cũng được, có đứa con hủ hỉ tuổi già”. Tôi rưng rưng nước mắt nhưng vẫn cười giả lả: “Cháu cả bầy, tụi nó không bỏ con đâu mà ba lo”.
Thằng em thứ ba có tới ba thằng con trai. Lúc em dâu sinh thằng út, bị băng huyết nặng, còn bị viêm phổi. Tôi phải bế cháu về nhà chăm. Tôi chưa từng nuôi con nít nên rối nùi với tã sữa, đói no và những cữ khóc dạ đề của thằng bé. Hai tháng sau, em dâu ra viện. Nhưng thằng bé đã quen hơi tôi, không chịu gần mẹ. Em tôi nói: “Thằng Tiến có duyên với bà, tui cho bà luôn”. Lần đầu tiên ôm thằng bé vào lòng, tôi đã đứt ruột thương nó. Giờ Tiến là con của tôi, tôi mơ còn không được. Tôi nuôi con bằng tấm lòng người mẹ, thức trắng đêm những khi nó nóng sốt, đỡ nâng từng bước chập chững của con. Ngày con bập bẹ gọi tiếng mẹ, trong tôi vỡ òa cảm xúc ngọt ngào không tả nổi.
Lúc ba sắp mất, níu tay tôi trăng trối: “Con cực khổ đã nhiều, sau này không cần lo cho các em nữa. Con phải biết thương lấy bản thân. Ba không trách gì con đâu”. Tôi nghẹn ngào ôm lấy ba. Ba biết hết những gian nan khổ cực của tôi, vậy là đủ.
Ba mất không lâu, tôi họp gia đình, công khai thu chi bấy lâu. Còn lại một số vàng, tôi chia đều cho các em. Thời gian sau, em dâu út bị giật nợ, mất số tiền lớn. Thằng út mỗi lần nhậu say, lè nhè trách tôi không công bằng. Nó nói là con út, nó phải kế thừa tiệm vàng của ba má. Nó không tin tôi đã chia hết tài sản. Tôi biết em đang gặp khó khăn, nên gom góp một số tiền để nó gây dựng lại tiệm vải. Thằng Năm trách tôi “làm vậy là không công bằng”. Em dâu thứ tư cũng đòi: “Chị còn tiền, vậy phải chia thêm cho em”. Các em tôi không ngừng đòi hỏi, chỉ trích lẫn nhau khiến tôi rất đau lòng. Gà nhà đá nhau, ruột rà chia năm xẻ bảy, khiến tôi rối bời. Mỗi lần thắp nhang cho ba má, tôi lại nghẹn ngào tạ lỗi. Trách nhiệm ba má giao cho, tôi đã không làm tròn.
Thôi thì đã hy sinh, tôi phải hy sinh cho trót. Tôi dự tính sẽ bán căn nhà lớn, thanh lý luôn tiệm vàng, rồi mua căn nhà nhỏ. Mẹ con tôi sẽ mua bán lặt vặt qua ngày. Tiền dư ra, tôi sẽ chia đều cho các em. Thằng Ba nghe được, giận đùng đùng: “Chị cho hết, thằng Tiến còn lại cái gì”. Thằng út giọng lạnh tanh: “Chị mua nhà nhỏ cũng phải đem bàn thờ ba má theo, tui không lãnh”.
Tôi băn khoăn, liệu khi tôi chia tới đồng xu cuối cùng, các em có biết nghĩ lại? Nếu tôi làm vậy, có công bằng với con tôi? Tôi rưng rưng khi nhớ lời ba dặn, “con phải thương lấy bản thân”. Dường như khi trăng trối câu này, ba đã liệu tính trước hoàn cảnh hôm nay.
Thấy tôi kiên quyết không bán nhà, không chia đồng xu nào nữa, các em tôi lảng dần. Ngày giỗ ba má, không đứa nào về. Nén nhang tôi thắp cho ba má, sao mà trơ trọi lẻ loi quá. Hẳn ba má sẽ thấy rất lạnh…
Thằng Tiến cũng lớn khôn, rồi lấy vợ. Tôi giao lại tiệm vàng cho vợ chồng nó trông coi. Tôi để con tự bơi, để nó biết ngoài kia sóng to gió lớn, phải tự xoay xở để tiến lên. Cứ dựa vào tôi, e là sẽ có ngày nó sẽ phiền trách tôi như các em tôi đã làm. May là Tiến giỏi làm ăn, vợ chồng nó khuếch trương tiệm vàng ngày một lớn.
Một bữa, Tiến nói với tôi: “Mẹ nên sang tên căn nhà cho con. Rủi các chú lại đòi chia thì mẹ con mình mất trắng”. Tôi chưng hửng, bàng hoàng. Vết thương năm nào đã bị thằng con khêu lên, chọc cho vỡ ra. Lẽ nào viễn cảnh tranh giành năm xưa lại diễn ra giữa mẹ con tôi?
Thằng Ba nhắc cho tôi nhớ, tôi đã làm mẹ của Tiến, làm mẹ thì phải hy sinh. Lẽ nào, sự hy sinh của tôi là chưa đủ?
Phương Đồng