Chờ đợi mỏi mòn
Dự án xây dựng hệ thống cấp nước xã Hải Chánh được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 497 vào ngày 30/3/2010 từ nguồn vốn đầu tư ODA của Chính phủ Ý. Theo đó, dự án sẽ xây dựng một hệ thống xử lý và cấp nước sạch với công suất 2.000m3/ngày đêm.
|
Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch ở xã Hải Chánh (H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) có vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, nằm “đắp chiếu” hơn sáu năm nay |
Tháng 6/2014, dự án được khởi công với tổng mức đầu tư được UBND tỉnh điều chỉnh là hơn 30,8 tỷ đồng, trong đó vốn ODA do Ý cấp bằng hàng hóa vật tư là 8,27 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách hơn 19 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp của Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị và nhân dân hơn 3,4 tỷ đồng. Hệ thống cấp nước được xây dựng trên diện tích 0,4ha. Nguồn nước được lấy tại sông Ô Lâu ở thôn Mỹ Chánh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 - 2015.
Nhưng sau khi xây dựng phần thô một số hạng mục như bể lọc, mương dẫn nước, tường rào, những hạng mục còn lại của công trình như nhà điều hành, trạm bơm, công trình thu, bể xử lý bùn… đã không được tiếp tục, nên công trình bị bỏ hoang từ đó đến nay.
Ông Trần Văn Kháng, ở xã Hải Chánh, cho biết, người dân nghe có nước sạch thì quá vui mừng, nhưng chờ mỏi mòn mà không thấy nên đành bỏ tiền khoan giếng, mỗi giếng mất 8 - 12 triệu đồng. “Nước giếng đào, giếng khoan chủ yếu dùng cho tắm giặt, mùa hè giếng cũng khô, còn nước uống phải mua về dùng” - ông Kháng nói.
Ông Bùi Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh - xác nhận, dự án khởi công rồi “nằm yên” từ năm 2015, đến nay đã sáu năm, khiến người dân rất bức xúc. Lãnh đạo UBND H.Hải Lăng cũng nhìn nhận, công trình bị dừng thi công bao năm nay gây bức xúc trong nhân dân.
Trước bức xúc của dân, tại buổi làm việc với UBND H.Hải Lăng vào ngày 26/11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã kết luận giao các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và Đại sứ quán Ý để tiếp tục triển khai dự án. Trường hợp đối tác khó khăn không thể tiếp tục thực hiện, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh tái cấu trúc nguồn vốn để hoàn thành dự án trong năm 2021. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn “bất động”.
Trước đó, ngày 23/6/2017, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản về việc thực hiện công trình nói trên, nêu rõ: “Trong trường hợp Chính phủ Ý không gia hạn hiệp định, đồng nghĩa với việc không cấp vốn để thực hiện dự án, UBND tỉnh đồng ý cho phép Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị sử dụng nguồn lợi tức cổ phần nhà nước (năm 2016, 2017) do công ty nộp vào ngân sách để cấp vốn thi công các hạng mục còn lại nhằm hoàn thiện, đưa công trình vào hoạt động”.
Mới đây, để hoàn thành dự án và đảm bảo nguồn vốn đầu tư, UBND tỉnh giao Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị rà soát tổng mức đầu tư dự án và tính toán khối lượng còn lại phải thực hiện để hoàn thiện công trình. Lãnh đạo địa phương này một lần nữa, yêu cầu Sở Tài chính liên hệ với các cơ quan liên quan để tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Tài chính tiếp tục đàm phán gia hạn hiệu lực thực hiện hiệp định viện trợ nhằm tranh thủ nguồn vốn ODA, đồng thời nghiên cứu các phương án đầu tư do Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị đề xuất để tỉnh xem xét lựa chọn trước ngày 31/1/2022.
Dân xin đấu nối nước sạch từ tỉnh khác
Khốn khổ vì không có nước sạch, người dân vùng dự án đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế để xã Hải Chánh, thôn Mỹ Chánh được đấu nối, sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước Phong Thu (H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Điểm đấu nối chỉ cách khoảng 100m. Việc đấu nối, dân đề nghị tỉnh tạo điều kiện bố trí ngân sách đầu tư các tuyến chính, người dân đóng góp đầu tư các tuyến vào gia đình. “Hiện nay, xã Hải Chánh được H.Hải Lăng đăng ký về đích nông thôn mới trong năm 2022, trong đó nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng. Do vậy, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao để kịp thời hoàn thiện dự án trong năm 2022” - lãnh đạo H.Hải Lăng cho hay.
Trả lời báo chí, bà Lê Thị Thanh - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị - cho biết, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ Tài chính để có ý kiến với phía nhà tài trợ Ý. Và, Bộ Tài chính mới đây cho biết đang lấy ý kiến các địa phương để xem xét việc có tiếp tục sử dụng nguồn tài trợ từ phía đối tác hay chọn phương án chấm dứt, bởi không chỉ có Quảng Trị mà một số địa phương khác cũng gặp khó với các dự án tương tự. “Dự án đã quá lâu rồi, ảnh hưởng rất nhiều thứ. Tỉnh thì vẫn hướng về phương án chấm dứt dự án để tái cơ cấu lại nguồn vốn, không để ảnh hưởng đến cuộc sống người dân” - bà Lê Thị Thanh thông tin.
Cũng theo giám đốc Sở Tài chính Quảng Trị, hiện tỉnh đã yêu cầu Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị rà soát tổng mức đầu tư dự án và tính toán khối lượng còn lại phải thực hiện để hoàn thiện công trình. “Trong trường hợp có chủ trương cho chấm dứt dự án thì các sở, ngành của tỉnh sẽ tham mưu phương án vốn để hoàn thành dự án. Trong đó, sẽ nghiên cứu cân nhắc sử dụng nguồn vốn trung hạn đầu tư công để hoàn thành” - bà Thanh cho biết thêm.
Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay, thời gian tới tỉnh sẽ làm việc với Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn nhằm tiếp tục đầu tư, đưa công trình vào sử dụng. Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị cũng đưa ra phương án: dừng tham gia chương trình viện trợ của Ý, chuyển sang sử dụng vốn trong nước để đẩy nhanh tiến độ dự án này.
Thuận Hóa