Quảng Ngãi quyết xử lý dứt điểm cuộc khủng hoảng rác từ năm 2018

09/09/2020 - 13:34

PNO - Khủng hoảng xử lý rác thải ở Quảng Ngãi kéo dài từ cuối năm 2018 đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm khi các cơ sở xử lý rác bị người dân phản đối với nhiều lý do.

Cả hệ thống chính trị tập trung tháo gỡ

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có thông báo kết luận của ông Nguyễn Tăng Bính - Phó chủ tịch phụ trách UBND tỉnh - tại cuộc họp nghe báo cáo việc thực hiện phương án vận chuyển rác và tiếp tục triển khai công tác đảm bảo việc vận chuyển, tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ.

Ông Bính nhận định: “Hiện vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành là rất cấp bách, cần phải đưa rác thải sinh hoạt vào xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ trước ngày 15/9/2020. Vì vậy, cả hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện, xã phải tập trung tháo gỡ, giải quyết các vấn đề liên quan đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo”.

Ông Nguyễn Tăng Bính trong một lần đối thoại với người dân về việc xử lý khủng hoảng rác thải
Ông Nguyễn Tăng Bính trong một lần đối thoại với người dân về việc xử lý khủng hoảng rác thải

Theo người phụ trách UBND tỉnh Quảng Ngãi, quan điểm chung để giải quyết vấn đề vận chuyển, tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ là tập trung vào công  tác dân vận là cốt lõi, lấy dân làm gốc và tập trung giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ an sinh xã hội đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.

Do đó, ông Bính giao UBND huyện Tư Nghĩa và UBND huyện Nghĩa Hành làm chủ đầu tư và tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi bán kính nhỏ hơn 1.000m tính từ bãi rác Nghĩa Kỳ (trừ 4 hộ dân tại xã Nghĩa Kỳ nằm trong phạm vi bán kính nhỏ hơn 500m tính từ nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt).

Các địa phương trên khẩn trương thành lập tổ công tác do lãnh đạo UBND huyện làm tổ trưởng và khẩn trương triển khai thực hiện công tác đo đạc, kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân bị ảnh hưởng.

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ chưa đưa vào hoạt động được do chưa giải quyết được các kiến nghị của người dân
Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ chưa đưa vào hoạt động được do chưa giải quyết được các kiến nghị của người dân

Lãnh đạo tỉnh đề nghị các bí thư huyện ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các nội dung kiến nghị, khiếu nại... của các hộ dân. Quyết tâm hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong năm 2022 (rút ngắn 1 năm so với kế hoạch trước).

Sở TN-MT khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi bán kính nhỏ hơn 1.000m tính từ bãi rác Nghĩa Kỳ trong thời gian chưa di chuyển chỗ ở.

Sở Tài chính tham mưu ưu tiên bố trí kinh phí cho chủ đầu tư để thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 4 hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi bán kính 500m tính từ Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ trong năm 2020 như đã cam kết với các hộ dân.

Cuộc khủng hoảng rác thải

Tháng 5/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng Miền Bắc - chi nhánh Quảng Ngãi đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Kỳ với tổng nguồn vốn trên 298 tỉ đồng. Theo quyết định này, chủ đầu tư phải hoàn thành dự án vào tháng 8/2017. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã có nhiều lần xin điều chỉnh tiến độ dự án.

Đến tháng 7/2018, người dân xung quanh ngăn cản xe chở rác vào bãi rác Nghĩa Kỳ vì ô nhiễm. Điều này khiến rác thải tại TP. Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành dồn ứ khắp nơi.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định mở cửa bãi rác Đồng Nà để tiếp nhận rác của TP. Quảng Ngãi. Các địa phương còn lại được yêu cầu tự xử lý đợi đến lúc nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ hoàn thành.

Người dân xung quanh nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Kỳ đề nghị tỉnh Quảng Ngãi giải quyết các nguyện vọng
Người dân xung quanh nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Kỳ đề nghị tỉnh Quảng Ngãi giải quyết các nguyện vọng

Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu đến 30/9/2018, chủ đầu tư phải hoàn thành đưa nhà máy xử lý rác vào hoạt động, nếu không UBND tỉnh sẽ rút giấy phép.

Cuối tháng 8/2018, người dân xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, huyện nằm ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi) phản đối và bao vây nhà máy xử lý rác thải huyện Đức Phổ không cho hoạt động vì ô nhiễm, đánh dấu một sự bế tắc kéo dài về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi.

Việc này đã làm nóng dư luận vào thời điểm đó. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi liên tục có nhiều cuộc tiếp xúc với người dân, đồng thời công an đã tiến hành khởi tố nhiều người tham gia vào việc bao vây phản đối. Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra của tỉnh vào năm 2019 đã thừa nhận có nhiều sai phạm tại dự án này liên quan nhiều sở, ngành.

Cùng với nhiều hoạt động nhằm cứu vãn tình hình, tỉnh này liên tục hối thúc đầu tư và hoàn thành dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ ở huyện Tư Nghĩa nhằm cứu vỡ trận rác ở TP. Quảng Ngãi và các địa phương lân cận.

Thế nhưng, từ đó đến nay nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ vẫn chưa đưa vào hoạt động. Đồng thời, việc hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến lòng dân chưa đồng thuận.

Cùng với việc yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ an sinh xã hội đối với các hộ dân bị ảnh hưởng; chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm việc vận chuyển rác thải sinh hoạt vào nhà máy xử lý rác sinh hoạt Nghĩa Kỳ chậm nhất là ngày 10/9/2020.

Sau các cuộc phản đối của người dân vào năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi rơi vào cuộc khủng hoảng rác thải khi không đủ nhà máy xử lý, cảnh rác bị vứt tràn lan khắp đường quốc lộ thế này không hiếm gặp
Sau các cuộc phản đối của người dân vào năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi rơi vào cuộc khủng hoảng rác thải khi không đủ nhà máy xử lý, cảnh rác bị vứt tràn lan khắp đường quốc lộ thế này không hiếm gặp

Hiện tỉnh Quảng Ngãi đã kêu gọi được 5 dự án về lĩnh vực xử lý chất thải sinh hoạt. Tất cả các dự án này đều có quy trình: phân loại, tái chế, làm phân compost và đốt nhằm tận dụng được nguồn nguyên liệu từ phế thải, giảm thể tích chôn lấp hàn hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong đó, có 3 nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt đã đi vào hoạt động gồm: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện đảo Lý Sơn của Công ty TNHH thương mại xây dựng Đa Lộc; Nhà máy xử lý chất thải Bình Nguyên của Công ty cổ phần cơ - điện - môi trường Lilama; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Đức Phổ của Công ty TNHH thương mại và công nghệ môi trường MD.

Dự án đang triển khai xây dựng là nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Nghĩa Kỳ của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng Miền Bắc. Dự án đang tiến hành thực hiện các bước đầu tư là nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đồng Nà của Công ty cổ phần môi trường xanh Quảng Ngãi.

Bãi rác Nghĩa Kỳ (cũ) hình thành từ năm 1996 là các hố chôn lấp quy mô diện tích 5,5ha được UBND thị xã Quảng Ngãi giao cho Công ty Công trình đô thị thị xã (nay là Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ngãi) chôn lấp rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thị xã Quảng Ngãi. Thời gian này, rác thải tập kết về bãi rác được chôn lấp không qua xử lý.

Năm 2003, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung - Tiểu dự án Quảng Ngãi (điều chỉnh năm 2006) để tiến hành xây dựng bãi chôn lấp mới hợp vệ sinh trên quy mô diện tích 7,56ha. Theo đó các hố chôn lấp đã được đầu tư các lớp lót chống thấm; hệ thống thu gom, trạm bơm và các hồ xử lý nước rỉ rác… phục vụ chôn lấp rác thải sinh hoạt cho địa bàn TP. Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.

Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 tại Quyết định số 161/QĐ-UBND ngày 3/7/2013 (được điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 12/7/2019). Theo đó khu chôn lấp, xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ được quy hoạch với diện tích khoảng 23ha (nằm trên địa bàn 2 xã Nghĩa Kỳ thuộc huyện Tư Nghĩa và xã Hành Dũng thuộc huyện Nghĩa Hành) với phạm vi phục vụ cho TP. Quảng Ngãi, và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành.

Ngày 17/3/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định số 401/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tập trung, công suất xử lý 800kg rác/ngày, trên diện tích 0,8ha nằm trong phạm vi khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ đã được quy hoạch trước đó (thuộc địa phận xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành).

Ngày 18/5/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 862/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc làm chủ đầu tư, với mục tiêu xử lý rác thải sinh hoạt, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, tái chế phê liệu, có công suất xử lý 250 tấn rác/ngày trên quy mô diện tích khoảng 11ha nằm trong phạm vi khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ đã được quy hoạch trước đó (thuộc địa phận xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa).

Như vậy, tại khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ hiện có quy mô diện tích khoảng 28ha nằm trên địa giới hành chính của 2 xã (Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa và Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành).

Từ tháng 3/2018 đến tháng 7/2018, khi các hố chôn lấp thuộc Dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung - Tiểu dự án Quảng Ngãi đã được lấp đầy nhưng Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ chưa hoàn thành nên rác thải sinh hoạt của TP. Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành đã được xử lý chôn lấp tạm (được lót các lớp chống thấm và phun hóa chất xử lý mùi) tại các hố dự kiến để chôn lấp tro xỉ của nhà máy khi đi vào hoạt động.

Tuy nhiên quá trình thực hiện chôn lấp tạm đã không xử lý mùi triệt để, cùng với đó là ô nhiễm do hệ quả từ các hố chôn lấp của bãi rác Nghĩa Kỳ (cũ) trước đây không xử lý hợp vệ sinh đã xảy ra sự cố về môi trường (nhất là mùi hôi và nước rỉ rác) tại khu vực này, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân đang sinh sống xung quanh khu xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ, dẫn đến người dân tập trung đông người, cản trở, ngăn chặn không cho xe vận chuyển rác thải lên khu vực này, gây khủng hoảng về xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Quảng Ngãi và một số huyện lân cận trong thời gian dài.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI