Quảng Ngãi: Người dân thiếu nước trong khi công trình nước sạch ''đắp chiếu''

01/06/2023 - 16:34

PNO - Hàng trăm công trình nước sạch tại Quảng Ngãi được xây dựng từ ngân sách Nhà nước để phục vụ người dân nhưng hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí.

Lãng phí

Từ năm 2018 - 2022, Quảng Ngãi đầu tư, xây dựng mới 28 công trình cấp nước sạch nông thôn với số tiền hơn 139 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều công trình cấp nước sạch không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. 

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, tính đến ngày 31/12/2022, tại tỉnh có 513 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong số đó, chỉ 27/513 công trình (tỉ lệ 5,26%) hoạt động bền vững, 9/513 công trình (1,75%) hoạt động tương đối bền vững, 344 công trình kém bền vững, 133 công trình (25,93%) không hoạt động. 

Tỉ lệ công trình hoạt động tương đối bền vững, kém bền vững và không hoạt động chiếm đến 94,74%. Trong đó hầu hết là các công trình thuộc các xã miền núi có quy mô, công suất nhỏ, nằm xa khu dân cư, ở những vị trí có địa hình tương đối phức tạp.

Công trình nước sạch được đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng bị người dân phản ảnh nước không đảm bảo
Công trình nước sạch được đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng bị người dân phản ảnh nước không đảm bảo

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở nhiều thôn thuộc xã Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) vô cùng khổ sở vì "khát" nước sạch, phải dùng xô, chai mua nước về dùng. Ở xã này có hệ thống cấp nước sinh hoạt do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đầu tư, quản lý, vận hành nhưng nhiều người dân phản ánh nước bị bẩn, không đảm bảo.

Huyện miền núi gặp khó

Tại huyện miền núi Trà Bồng có đến 43 công trình nước sạch hoạt động không bền vững, 30 công trình không hoạt động. Năm 2020, huyện Tây Trà sáp nhập vào huyện Trà Bồng, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao 170 công trình nước sạch cho các đơn vị, địa phương tại huyện Trà Bồng để quản lý, khai thác, sử dụng. Trong số đó, huyện Trà Bồng cũ có 88 công trình nhưng 36 công trình đã ngừng hoạt động, huyện Tây Trà cũ có 82 công trình, nhưng có 21 công trình ngừng hoạt động. Trong giai đoạn 2018 - 2022, có 53 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 44 tỉ đồng.

Theo UBND huyện Trà Bồng, công trình sau khi được bàn giao về địa phương, các xã đã giao cho cộng đồng dân cư, chọn thành viên tham gia vận hành, sử dụng. Do người dân được hưởng lợi từ công trình đa số có đời sống khó khăn, nên hầu như không thể thu tiền quản lý, duy tu, sửa chữa.

Hầu hết các công trình nước sạch đều sử dụng nguồn nước mặt, do đó, tình trạng người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi xả thải ra môi trường đã ảnh hưởng đến nguồn nước và chất lượng nước.

Người dân miền nụi được cho là lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến nguồn nước
Việc người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng đến nguồn nước

Nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt ngày càng bị suy thoái và khô cạn vào mùa khô nên các công trình thường xuyên bị thiếu nước, chất lượng nước sau xử lý không bảo đảm, vào mùa mưa bão hàng năm nhiều công trình, hạng mục công trình bị thiệt hại, hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, địa phương chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa dẫn đến hư hỏng lớn hơn, nhiều công trình phải ngừng hoạt động. 

Trong giai đoạn 2018 - 2022, huyện miền núi Sơn Tây đã đầu tư gần 58 tỉ đồng để xây dựng mới, nâng cấp mở rộng, sửa chữa 64 công trình cấp nước sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn huyện có 111 công trình cấp nước sinh hoạt do các UBND xã quản lý.

Trong năm 2022 có 83 công trình đang hoạt động và 28 công trình không hoạt động. Các công trình hoạt động không bền vững hoặc không hoạt động là do được xây dựng đã lâu năm nên xuống cấp. Ngoài ra, điều kiện thiên tai khắc nghiệt dẫn đến các công trình cấp nước sinh hoạt thường xuyên bị hư hỏng vào mua mưa lũ, nhưng thiếu kinh phí khắc phục.

Tình trạng khô kiệt đầu nguồn dẫn khiến nhiều công trình phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả. Thêm vào đó, do chất lượng nước chưa được kiểm định, xét nghiệm chất lượng theo quy định cũng khiến nhiều công trình hoạt động chưa hiệu quả. Ngoài ra, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Ngoài ra, một số công trình không phát huy được tối đa công suất đầu tư. Thậm chí, có công trình đã xây dựng xong nhưng chưa thể nghiệm thu, đưa vào sử dụng vì hư hỏng do ảnh hưởng của thiên tai, như công trình sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt thôn Mang Đen, xã Ba Vì (huyện Ba Tơ) với số vốn đầu tư gần 500 triệu đồng.

Nhiều thiếu sót

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho rằng, nguyên nhân khiến hàng loạt công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả là do công tác quản lý, đầu tư xây dựng còn nhiều thiếu sót. Công trình sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư không kiểm tra, đánh giá các thông số đạt được so với thiết kế; không có quy trình quản lý, vận hành; không có kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành.

Một số công trình do UBND xã quản lý, sử dụng và khai thác nhưng không có cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm; công tác duy tu, bảo dưỡng gần như không thực hiện. Công trình sau khi đưa vào sử dụng có tỉ lệ hộ dân sử dụng nước thấp, không phát huy hiệu quả đầu tư, tỉ lệ thất thoát nước lớn; nguồn thu không đủ để chi trả công cho người quản lý, vận hành công trình. Việc duy tu, sửa chữa công trình gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn.

Người dân ngao ngán khi hệ thống cấp nước sạch hoạt động không hiệu quả
Hệ thống cấp nước hoạt động không hiệu quả, người dân khổ sở vì "khát" nước sạch

 

UBND huyện Sơn Tây, UBND huyện Trà Bồng đề nghị cấp thẩm quyền hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt đã bị hư hỏng hiện tại không hoạt động, hoặc hoạt động kém hiệu quả, nhằm phát huy hiệu quả phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ cho tỉnh thực hiện Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên những kiến thức, công nghệ mới và chuyển giao công nghệ cho cán bộ chuyên môn phụ trách công tác cung cấp nước sạch ở tỉnh, huyện, xã để nâng cao trình độ nghiệp vụ nhằm điều hành tốt chương trình ở địa phương, cùng nhiều giải pháp khác.

Thanh Vạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI