Chiều hôm qua, trên địa bàn xã Bình Long (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), đã xảy ra một vụ cháy rừng keo, khói bốc cao nghi ngút, gây thiệt hại diện tích khá lớn gần 10ha. Ngay sau khi nhận tin báo, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Dân quân xã Bình Long và hàng chục người dân địa phương đã có mặt tại hiện trường để tham gia chữa cháy, dập lửa, không để cháy lan diện rộng.
|
Hiện trường vụ cháy rừng ở xã Bình Long - Ảnh: L.P |
|
Khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có nắng nóng trên diện rộng - Ảnh: Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi |
Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng gay gắt; gió thổi mạnh; địa hình đồi núi khiến việc tiếp cận chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương và các chủ rừng đã cử người trông coi, chủ động phòng tránh nguy cơ lửa bùng phát trở lại.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 198.000ha rừng keo, trải dài trên nhiều huyện thị xã, thành phố như Sơn Hà, Ba Tơ, TP Quảng Ngãi… Trong khi đó rừng keo rất dễ bắt lửa. Nguy cơ cháy rừng cao. Lãnh đạo sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho biết, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tại tỉnh này, gặp nhiều khó khăn do địa hình rừng núi phức tạp, hiểm trở nên rất khó khăn chữa cháy rừng bằng phương tiện cơ giới. Các công trình, máy móc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCCCR đã xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu.
Theo Đài khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, khu vực tỉnh này đã có nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng kéo dài từ ngày 5/8 đến nay, nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài rừng trồng, rừng phòng hộ cũng không nằm ngoài nguy cơ này. Diện tích đất và rừng phòng hộ tại Quảng Ngãi khoảng hơn 106.000ha, thời tiết nắng nóng kéo dài, chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi đã từng phát đi cảnh báo cháy rừng cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.
Ông Đỗ Hoàng Y (37 tuổi) - một người dân huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) không thể giấu nỗi lo lắng cháy rừng phòng hộ, khi nắng nóng kéo dài. Gần đây, lực lượng chức năng đã tổ chức nhiều đợt diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng. Thời tiết có mưa giông, tuy nhiên nếu xảy ra cháy rừng phòng hộ thì khả năng chữa cháy được không cao.
|
Rừng phòng hộ cũng đang đứng trước nguy cơ xảy ra cháy |
Ông Trần Kim Ngọc - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, thời điểm hiện nay, tất cả cán bộ lãnh đạo và nhân viên của Ban đều ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần. Theo lịch trực, các thành viên có trách nhiệm cập nhật, xác minh các điểm báo cháy qua thông tin từ chi cục kiểm lâm; các trạm quản lý bảo vệ rừng huyện, chính quyền địa phương các xã, huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
"Thông thường, người dân đốt thực bì ở rừng sản xuất gây ra cháy rừng. Nếu xảy ra cháy rừng phòng hộ thì người chịu thiệt hại đầu tiên là dân, vì vậy, cần hết sức lưu ý", ông Ngọc cảnh báo.
Giải pháp được ngành chức năng thường xuyên thực hiện: tuyên truyền bằng họp dân, tờ rơi, sân khấu hóa… trong những ngày nắng nóng, người dân không được phát đốt thực bì. Các chủ rừng không cho người dân vào rừng đốt ong, hút thuốc lá, vào rừng cắm trại, nấu nướng thức ăn… dùng các phương tiện dễ gây cháy. Cùng với đó, lực lượng chức năng tiến hành tuần tra, kiểm soát.
Tại Quảng Ngãi, chính quyền đã kiện toàn hơn 140 ban chỉ đạo PCCR cấp xã, phường; tổ chức diễn tập PCCR. Các địa phương ký cam kết với hơn 1.430 chủ rừng, hộ gia đình. Ông Hồ Trọng Phương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - cho biết, ngay từ đầu mùa khô, sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch PCCCR tỉnh Quảng Ngãi năm 2023, để chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp.
|
Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng - ảnh L.P |
Tại Bình Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung PCCCR, chủ động bố trí kinh phí dự phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác PCCCR; có phương án và sẵn sàng sơ tán nhân dân khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các công ty TNHH Lâm nghiệp duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong mùa nắng nóng; bố trí lực lượng canh trực, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao để kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn; tổ chức trực canh gác phát hiện sớm lửa rừng và báo cháy đúng quy định. Yêu cầu UBND cấp xã, phường, thị trấn và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR. Lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) có các phương án đảm bảo lực lượng, vật tư, trang thiết bị, hậu cần, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; thường trực, sẵn sàng phối hợp khi xảy ra cháy rừng. |
Lê Phúc