Quảng Ngãi có khoảng 160 điểm có nguy cơ sạt lở với 8.614 người bị ảnh hưởng

18/09/2024 - 17:38

PNO - Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tại các huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng có khoảng 160 điểm có nguy cơ sạt lở, với 2.061 hộ/8.614 khẩu có khả năng bị ảnh hưởng khi mưa lớn kéo dài.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) khả năng mạnh lên thành bão, từ ngày 18/9-19/9, vùng biển Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; trên đất liền sẽ có đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 80-150mm, có nơi mưa lớn hơn 200mm.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi, đến 10 giờ ngày 18/9, tỉnh Quảng Ngãi còn 329 tàu, với gần 3.000 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Tất cả các tàu, thuyền trên đã nhận được thông tin về diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ.

Đối với các tàu, thuyền tại khu vực Hoàng Sa, vùng biển Quảng Ngãi và các khu vực nguy hiểm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Chi cục Thủy sản và các huyện ven biển, đảo đang tiếp tục kêu gọi, thông báo các tàu, thuyền di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn.

Tại các huyện miền núi: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng có khoảng 160 điểm có nguy cơ sạt lở, với 2.061/8.614 khẩu khả năng bị ảnh hưởng khi có mưa lớn kéo dài; trong đó, trọng điểm là các huyện Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây.

Hiện nay, các huyện đang thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh khẩn trương rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ cao để sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Một khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi
Một khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi

Để ứng phó ATNĐ, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đã ra lệnh cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 12 giờ ngày 18/9/2024 cho đến khi thời tiết ổn định.

Thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ người dân gia cố nhà ở để đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra; khẩn trương tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, ngã đổ để đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình cơ sở hạ tầng (nhất là các cây xanh cảnh quan trong khu vực nội thành, nội thị tại các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, thành phố Quảng Ngãi và trên các tuyến đường giao thông chính).

Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở,…) khi chính quyền đã cắm biển cảnh báo, ngăn cấm; tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.

Sở GD-ĐT tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trước, trong và sau lũ, nhất là tại các cơ sở giáo dục vùng cao, vùng có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất. Tùy theo diễn biến thời tiết, chủ động thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người.

BQL Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh thông báo cho cơ sở sản xuất kinh doanh về diễn biến ATNĐ/ bão, mưa, lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân, nhà máy, công xưởng và các hệ thống thiết bị, tài sản; đặc biệt là Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy thép Hòa Phát, Khu công nghiệp VSIP…

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI