Quảng Nam: Tốc độ tăng trưởng GRDP giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh

06/12/2023 - 15:44

PNO - Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Quảng Nam năm 2023 dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022; đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2023 của tỉnh Quảng Nam cho hay, tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến giảm 8,25% so với năm 2022.

Đây là mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh đến nay, thấp nhất so với 5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (sau tỉnh Bắc Ninh).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản không bị ảnh hưởng nhiều, vẫn giữ mức tăng 3,5%; khu vực dịch vụ tăng 4,6% nhưng không bù đắp được mức giảm sút của công nghiệp; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 21,7% so với năm 2022, riêng công nghiệp giảm 24,3%.

“Như vậy, tốc độ tăng trưởng thấp chủ yếu do ngành công nghiệp - ngành chủ lực của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình thế giới biến động phức tạp, phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, đặc biệt là ô tô”, báo cáo của tỉnh Quảng Nam cho hay.

Khu công nghiệp Thaco Chu Lai đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh Quảng Nam
Khu công nghiệp Thaco Chu Lai đóng góp ngân sách lớn cho tỉnh Quảng Nam

Theo tỉnh này, đây cũng là xu hướng chung đối với các tỉnh có giá trị công nghiệp lớn, tốc độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới. Như Bắc Ninh cũng là tỉnh có giá trị công nghiệp lớn, GRDP luôn nằm trong nhóm tốt nhất cả nước nhưng 9 tháng năm 2023 tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước, giảm gần 9,6%.

Ngoài ra, do năm 2022, tốc độ tăng trưởng của tỉnh Quảng Nam khá cao (10,3%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây) nên các năm sau để tăng trưởng 1% thì giá trị tổng sản phẩm GRDP là khá cao, rất khó để thực hiện.

Quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Nam theo giá hiện hành năm 2023 khoảng 112,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,2 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế khu vực nông - lâm - thủy sản 14,8%; công nghiệp và xây dựng 29,8% (trong đó, công nghiệp chiếm 24%); dịch vụ 35,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 19,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2023 khoảng 74 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,2 triệu đồng/người/năm, tăng gần 5% so với năm 2022.

Dự kiến thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2023 chỉ bằng 71,6% so với thực hiện năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến 23.951 tỷ đồng, đạt 89,8% so dự toán.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như tình hình thế giới phức tạp; hậu quả của dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài; chính sách thắt chặt tín dụng, hoạt động bất động sản lắng đọng; quy định của pháp luật về đầu tư, môi trường, đất đai, tài nguyên còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, bất cập; dòng vốn đầu tư toàn cầu phục hồi chậm đã ảnh hưởng đến tình hình thu hút FDI trên địa bàn tỉnh…

Về nguyên nhân chủ quan, động lực phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam trong nhiều năm nay là khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nhưng do tác động suy giảm kinh tế toàn cầu nên tăng trưởng suy giảm, các ngành khác khó bù đắp; công tác dự báo vẫn chưa lường hết được những khó khăn thách thức; cơ chế đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chưa thật sự hiệu quả; việc theo dõi, nắm bắt cũng như tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa kịp thời; sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư còn thiếu chặt chẽ.

Với các biện pháp đề ra, tỉnh Quảng Nam đề ra kế hoạch cho năm 2024 gồm: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP giá so sánh 2010) tăng 7,5-8%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.600 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 20.100 tỷ đồng; phấn đấu giảm 2.900 hộ nghèo…

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI