13 năm, 5 lần xin gia hạn
|
Được cấp phép xây dựng từ năm 2007 nhưng đến hiện tại thủy điện Tr'hy vẫn chưa thể hoàn thành |
Theo ông Nguyễn Văn Phú – Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Tây Giang cho biết, dự án thủy điện Tr’hy của Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển năng lượng được cấp phép triển khai từ năm 2007, đến năm 2008 thì bắt đầu khởi công xây dựng ở trên địa bàn tại thôn Dâm (xã Tr’hy, huyện Tây Giang). Công trình được triển khai thực hiện trên dòng suối Tà Púc, thượng nguồn sông Bung. Công trình có công suất lắp máy 30MW, tổng diện tích dự án thủy điện Tr’hy hơn 1,3 triệu m2, trong đó diện tích lòng hồ là 948.777m2. Dự toán ban đầu khoảng 600 tỷ đồng. Theo dự kiến, thời gian xây dựng là 5 năm, từ năm 2007 đến năm 2012 thì hoàn thành. “Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà cho đến nay công trình này vẫn còn dang dở, dù đã 5 lần xin gia hạn thời gian”, ông Phú cho biết.
Mới đây, đoàn kiểm tra của huyện Tây Giang cũng đã lên làm việc với công ty này về các vấn đề liên quan. Sau nhiều lần xin gia hạn thời gian hoàn thành, đến năm 2017 thủy điện này được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 13/CN-UBND-KTTH với tổng diện tích thu hồi, chuyển mục đích là trên 153ha; có 222 hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án.
Ông Lê Hoàng Linh – Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, công ty cam kết đến cuối năm nay hoàn thành nhưng không biết có thực hiện được hay không.
“Địa phương thì luôn mong muốn dự án sớm hoàn thành đi vào hoạt động. Vừa mang lại lợi ích kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng cho đến ổn định tình hình trên địa bàn. Nhưng qua nhiều lần gia hạn, đến giờ vẫn không thể biết được đến khi nào thủy điện này mới hoàn thành”, ông Linh nói.
|
Dù đã được gia hạn đến 5 lần nhưng hiện tại, các hạng mục xây dựng vẫn đang ngổn ngang |
Ngày 21/5, chúng tôi liên hệ với ông Lê Quang Hào - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển năng lượng (chủ đầu tư của thủy điện Tr’hy) để tìm hiểu thông tin thì ông Hào khẳng định: “Chỉ còn 3-4 tháng nữa là hoàn thành rồi, không chậm gì hết!”.
Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi ghi nhận được, thủy điện Tr’hy đã được điều chỉnh, gia hạn lần thứ 5 tại Quyết định số 327/QĐ-SKHĐT ngày 26/12/2019 của Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Nam và đã hết hiệu lực từ tháng 11/2020 đến nay. Hiện tại, Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển năng lượng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giãn tiến độ thi công dự án.
Chây ỳ trả nợ đền bù
Để mục sở thị, chúng tôi ngược núi lên thôn Dâm (xã Tr’hy) để tìm hiểu sự việc. Theo ghi nhận, các hạng mục của công trình thủy điện này đang được xây dựng, nhưng để khẳng định trong 3-4 tháng nữa sẽ hoàn thành thì rất khó bởi còn rất dang dở. Chỉ tính riêng việc xây dựng đập dâng, đập tràn và nhà máy cũng đã tốn rất nhiều thời gian. Sau khi ghi hình, chúng tôi rời đi thì bị một thanh niên chặn lại, hỏi: “Các anh vào đây làm gì? Đã xin phép ai chưa? Sao vào chụp hình mà không có thông báo gì cho chúng tôi?”.
Sau khi chúng tôi giải thích, là đã được sự đồng ý của ông Lê Hoàng Linh – Phó chủ tịch huyện Tây Giang; đồng thời đã thông báo cho ông Clâu Ring – Chủ tịch UBND xã Tr’hy trước khi vào đây thì thanh niên này mới rút đi.
|
Sự chậm trễ của thủy điện Tr'hy khiến người dân địa phương bức xúc, nhất là việc chưa đền bù thiệt hại ruộng lúa, hoa màu cho họ |
Đi được thêm một đoạn thì chúng tôi lại bị dừng xe giữa đường. Lần này là bảo vệ của công ty. Ông này lớn tiếng: “Ai cho phép các anh vào đây chụp ảnh, quay phim? Đất này của người ta mua rồi là nhà của người ta, các ông vào thì phải xin phép chứ!?”.
Khi chúng tôi bảo rằng, ở đây không có biển cấm quay phim chụp ảnh, cũng không phải công trình của quốc phòng, nên chúng tôi tác nghiệp theo đúng luật định. "Còn về việc các anh mua đất là không đúng, bởi UBND tỉnh Quảng Nam chỉ giao đất theo hình thức cho thuê chứ chẳng ai bán đất cho anh cả. Hơn nữa, chúng tôi chỉ tác nghiệp ở trên địa phận của thôn Dâm, có vào nhà máy của các anh đâu mà bảo chúng tôi phải xin phép?”. Thấy đuối lý, người này quay xe bỏ đi.
Khi đến tại thôn Dâm, chúng tôi ghi nhận, vấn đề khiến cho người dân địa phương rất bức xúc là việc chây ỳ trả nợ tiền đền bù cho họ trong nhiều năm ròng rã.
Anh Pơloong Hứu (35 tuổi, thôn Dâm, xã Tr’hy) cho biết, từ năm 2008, khi thủy điện bắt đầu thi công khiến cho ruộng đất của gia đình anh bị bồi lấp mất 3-4 sào, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa đền bù cho gia đình. “Họ hứa suốt thôi. Cứ năm này bảo sang năm, nhưng từ đó đến nay đã 13 năm rồi chẳng thấy gì cả. Tôi là cán bộ làm việc ở xã Tr’hy, đã nhiều lần kiến nghị rồi nhưng cũng chẳng giải quyết được chuyện gì”, anh Hứu nói.
Bà Briu Rên (60 tuổi, thôn Dâm) cho biết, gia đình bà bị bồi lấp 5 mảnh ruộng nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù. “Không có ruộng làm nên phải đi mua gạo ở trên xã ấy, xa lắm. Mà giờ lên rừng phát rẫy thì bị kiểm lâm bắt phạt, chẳng biết làm cái gì ra gạo mà sống. Chờ họ đền bù mà lâu quá”, bà Rên thở dài.
Ông Clâu Ring – Chủ tịch UBND xã Tr’hy cho biết, địa phương rất bức xúc trước tình trạng kéo dài của công trình thủy điện này, nhất là việc chậm chi trả đền bù cho những hộ dân bị ảnh hưởng. “Phần lòng hồ thì họ đã đền bù hết rồi, nhưng trong quá trình thi công, có phát sinh bồi lấp đất ruộng của nhiều hộ dân nhưng vẫn chưa được đền bù. Chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị với huyện, với cả chính nhà máy thủy điện Tr’hy nhưng vẫn không giải quyết được gì. Họ cứ hứa hẹn miết từ đó đến nay nhưng vẫn chưa thấy gì”, ông Ring cho hay.
|
Dù ông Lê Quang Hào – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển năng lượng tuyên bố sẽ hoàn thành trong 3-4 tháng tới |
Ông Lê Hoàng Linh – Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, sau khi kiểm tra, huyện phát hiện công ty tự ý mở tuyến đường công vụ ra ngoài phạm vi dự án để thi công đập dâng, đập tràn thủy điện làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất với tổng diện tích bị hủy hoại là 0,9ha. “Hành vi đó đã vi phạm điểm d, khoản 1, điều 15, Nghị định 91/2019/ NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay huyện đang hoàn tất thủ tục để xử phạt công ty với số tiền là 45 triệu đồng, đồng thời yêu cầu công ty hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của đất”, ông Linh thông tin.
Cũng trong quá trình thi công con đường này đã làm ảnh hưởng đến hoa màu của người dân thôn Voong, thôn Dâm là 28 hộ nhưng đến nay vẫn chưa chi trả đền bù. “Chúng tôi đã làm việc và phía công ty cam kết hoàn thành công tác chi trả tiền cho 28 hộ dân này trước ngày 30/6/2021 với tổng số tiền là 562 triệu đồng”, ông Linh thông tin thêm.
Nguyễn Dương