Hoang tàn những đền tháp
Hiện ở Quảng Nam có 5 nhóm tháp và tháp Chăm gồm: nhóm tháp thuộc khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) với khoảng 71 di tích và phế tích; các nhóm tháp Chăm Chiên Đàn (huyện Phú Ninh); nhóm 3 tháp Chăm Khương Mỹ ở huyện Núi Thành (tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam); 1 tháp Chăm Bằng An (thị xã Điện Bàn); Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình) hiện còn phế tích tháp Sáng.
|
Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương hiện chỉ còn phế tích tháp Sáng, đang được chống đỡ tạm bợ, có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào |
Phật viện Đồng Dương - thuộc làng Đồng Dương - là di tích khảo cổ học. Cách đây 5 năm, phật viện lớn nhất Đông Nam Á này được trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Thế nhưng hiện nay, chứng kiến sự hoang phế của di tích, nhiều người không khỏi xót xa.
Chỉ dấu để nhận diện di tích này hiện chỉ còn một mảng tường tháp mà người dân địa phương thường gọi là tháp Sáng. Theo ông Trà Tấn Tư (trú thôn Đồng Dương), trước năm 1968, Phật viện Đồng Dương vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên chiến tranh đã tàn phá hầu hết di tích, một số người dân còn xâm hại di tích để sản xuất lâm nghiệp.
Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thăng Bình - cho biết, trong diện tích khoanh vùng bảo vệ 5,3ha của di tích này hiện vẫn còn 11 nhà dân, 112 ngôi mộ cùng nhiều diện tích đất hoa màu, đất trồng rừng… Mỗi năm, huyện Thăng Bình chi khoảng 60 triệu đồng để phát quang, bảo vệ khu vực xung quanh cổng tháp Sáng và đường vào di tích.
“Nhìn vào thực tế, ai cũng sẽ thấy cổng tháp Sáng đang xuống cấp trầm trọng, gạch vữa rơi rớt, có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, bằng mọi cách phải phục dựng, bảo vệ được cổng tháp Sáng. Nếu mất luôn tháp Sáng là mất luôn di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương” - ông Hùng nói.
Tại thị xã Điện Bàn, tháp Chăm Bằng An do nằm gần khu dân cư nhưng không có các biện pháp ngăn cách nên cảnh quan xung quanh tháp khá lộn xộn, mất mỹ quan, hoang phế.
Trong khi đó, cụm tháp Chăm Chiên Đàn (huyện Phú Ninh) cũng đã xuống cấp nghiêm trọng và mất dần các chi tiết trang trí tiêu biểu. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, hiện phần còn lại của các tầng mái tháp Bắc và tháp Giữa của cụm tháp này bị nhiều cây dại mọc che lấp, trong đó có một số cây khá lớn, đe dọa cấu trúc xây gạch của tháp. Hiện các tháp đang tiếp tục xuống cấp, ngày càng xuất hiện nhiều mảng tường bị mủn nát, bong rộp, nứt…
Nhiều dự án cứu di tích
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống tháp Chăm, tỉnh Quảng Nam đã chi hàng chục tỉ đồng, triển khai nhiều dự án bảo vệ. Cụ thể là dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Bắc, tháp Giữa thuộc di tích tháp Chăm Khương Mỹ (hoàn thành cuối năm 2022); dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Nam thuộc khu di tích tháp Chăm Chiên Đàn (hoàn thành cuối năm 2023); đang triển khai dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Nam thuộc di tích tháp Chăm Khương Mỹ…
Đối với Di sản văn hóa thế giới khu đền tháp Mỹ Sơn, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện các dự án trùng tu, tu bổ trọng điểm như: dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ cấp thiết một số hạng mục thuộc khu tháp E, F Mỹ Sơn trong chương trình mục tiêu quốc gia; dự án hợp tác với tổ chức America Express tài trợ thông qua Quỹ Di sản thế giới cùng Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật 2 đợt, khơi thông dòng suối khe Thẻ, đoạn chảy qua giữa khu A và khu B, C, D, nhằm chống sạt lở nhóm tháp A; dự án hợp tác 3 bên UNESCO - Việt Nam - Ý về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn” đã trải qua 3 giai đoạn trùng tu, tôn tạo (2003-2013); dự án trùng tu tháp E7; dự án hợp tác với Chính phủ Ấn Độ tu bổ khu tháp K, H, A (2016-2022).
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam - cho biết: hiện còn một số dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích do sở làm chủ đầu tư, gồm: dự án tháp Bắc và tháp Giữa (thuộc tháp Chăm Chiên Đàn); tháp Chăm Bằng An; tháp Sáng (thuộc di tích Phật viện Đồng Dương). Các dự án này có tổng kinh phí hơn 37 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, sau khi có ý kiến thẩm định của bộ, sở sẽ tiến hành các bước tiếp theo và dự kiến hoàn thành các dự án vào cuối năm 2025.
Cũng theo ông Hồng, việc tu bổ sẽ tập trung vào bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong quá trình thi công. Hoạt động tu bổ có sự giám sát của cộng đồng dân cư địa phương, thường xuyên tham vấn ý kiến của các nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng.
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035”. Trong thời gian tới, sau khi chương trình được phê duyệt, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, bộ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp danh mục các dự án đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động đưa kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa vào kế hoạch trung hạn của địa phương cũng như huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
Lê Đình Dũng