Nhà bị chôn vùi, mẹ con tá túc trong nhà văn hóa thôn
Cụm công nghiệp thôn Hoa (tổ 3, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang, Quảng Nam) do UBND huyện Nam Giang làm chủ đầu tư, có diện tích trên 37ha, tổng vốn đầu tư khoảng 82 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, cùng với phần vốn vay và của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng. Cụm công nghiệp bố trí ngành nghề chủ yếu là công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác chế biến khoáng sản, các ngành tiểu thủ công nghiệp khác.
Từ năm 2019, chủ đầu tư bắt đầu cho san lấp một ngọn núi tại tổ 3 để tạo mặt bằng cho cụm công nghiệp. Ở dưới chân núi, chạy dài ra quốc lộ 14, người dân vẫn miệt mài nuôi cá, chăn trâu.
Bỗng một ngày tháng 9/2020, nước lũ cùng hàng ngàn tấn đất đá đổ ào ạt từ trên dự án men theo khe nước xuống vùi lấp sạch hết ao cá, nhà dân.
|
Căn nhà của chị Toàn và những nhà xung quanh bị đất chôn sâu |
“Hôm đó là khoảng 7 giờ tối ngày 17/9/2020, mẹ con tôi đang ở trong nhà vì đang đợt mưa lũ. Bỗng đâu nghe thấy đất đá đổ xuống ào ạt từ phía dự án. Tôi hốt hoảng bồng con chạy lên đồi cạnh đó mới thoát chết. May mà đứa con gái đầu đang đi đón em nó nên không sao. Còn căn nhà và đồ đạc trong đó thì bị bùn đất chôn sâu gần tới nóc. Mấy nhà xung quanh cũng chịu tình cảnh tương tự”, chị Nguyễn Thị Toàn (sinh năm 1971, trú tổ 3 thôn Hoa) kể lại.
Bùn chôn sạch mọi thứ, chị Hoa và 3 đứa con phải tạm tá túc và nhờ hảo lòng tâm của các Mạnh Thường Quân hỗ trợ, người thùng mì tôm, người ít tiền mặt.
Chị nói: “Nhà mất, ban đầu mấy mẹ con phải đi thuê trọ ở. Sau đó huyện có nói hỗ trợ bố trí lên chỗ ở tạm khoảng 4 tháng nhưng tôi sợ sau 4 tháng đó không có chỗ ở nên tôi không lên. Sau đó tôi xin cán bộ thôn cho ở trong nhà sinh hoạt cộng đồng cũ của thôn cho đến giờ”.
Chồng mất sớm, một mình chị Toàn nuôi 3 đứa con; đứa con gái lớn đang học Đại học Kinh tế ở Đà Nẵng, đứa thứ hai đang học lớp 11, con trai út đang học lớp 4. Căn nhà cùng toàn bộ tài sản bị chôn vùi, chị đau xót khôn nguôi. Sau những ngày mất nhà, đứa con gái lớn phải về san ít mì tôm mà người ta cho gia đình để mang xuống Đà Nẵng ăn học.
|
Không còn nhà, chị Toàn và con cái phải mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng cũ của thôn để tá túc |
Ngoài chị Toàn, còn 3 nhà khác bị vùi lấp, 4 nhà khác bị ảnh hưởng, 7 ao cá bị chôn sâu. Ông Mông Văn Quảng (62 tuổi) cho biết: “Tôi về đây sinh sống từ lâu. Đợt lũ đất tràn xuống, tôi có khoảng 3000m2 ao cá cho con trai cũng bị chôn lấp sạch, 2 ao đó đã nuôi cá 4 năm nay, khoảng 800kg cá”.
Tổng cộng có 11 hộ gia đình tại tổ 3 chịu thiệt hại do sạt lở đất từ dự án. Họ đã gửi đơn kiến nghị đi nhiều nơi, đề nghị chính quyền vào cuộc giải quyết và đền bù thỏa đáng.
Chị Toàn trăn trở: “Tôi chỉ mong muốn chính quyền, ngành chức năng làm sao có phương án đền bù để tôi có lại căn nhà như cũ để mẹ con tôi tá túc, để làm ăn nuôi con học hành”.
Tương tự, những hộ khác cũng mong muốn chủ đầu tư phải đền bù xứng đáng hoặc hoàn trả lại tài sản của họ là những ao cá, vườn dứa đã chìm sâu trong đất. Tuy nhiên, từ khi xảy ra vụ việc cho đến nay, chưa thấy việc đền bù, hỗ trợ được tiến hành thỏa đáng.
Những người dân nói trên cho biết, đất ở đây được họ khai phá từ năm 1991, đến năm 2019 thì huyện Nam Giang thu hồi để làm dự án. Quá trình thi công san ủi mặt bằng không tính đến trắc địa môi trường dẫn đến rủi ro.
|
Những ao cá của người dân bị chôn vùi |
Chưa chốt phương án xử lý, nguy hiểm còn treo trên đầu dân
Lãnh đạo các phòng ban của huyện Nam Giang thừa nhận, vụ sạt lở đất từ dự án làm lấp nhà và tài sản của người dân thôn Hoa có nguyên nhân chủ quan từ quá trình thi công nhưng đồng thời cũng có nguyên nhân khách quan do đợt mưa lũ năm 2020.
Phía người dân thì khẳng định, từ lúc họ sinh sống ở đây chưa bao giờ có chuyện đất đá đổ xuống ào ạt như vậy, mà chính xác là do việc san gạt đất trên đỉnh núi.
Ông Thái Minh Hoàng - Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Nam Giang, đại diện chủ đầu tư - cho biết: Sau khi xảy ra sự cố, huyện đã chỉ đạo lập đoàn công tác kiểm tra thiệt hại của các hộ dân. Tuy nhiên, do nhà cửa và tài sản hiện đã bị lấp sâu dưới bùn đất nên chỉ đề nghị người dân kê khai thiệt hại. Hiện trước mắt huyện đã hỗ trợ 70% giá trị thiệt hại của những hộ bị mất mát nhà cửa để họ có điều kiện đón Tết Nguyên đán vừa rồi. Còn về lâu dài phải vét bùn để đo đạc lập biên bản kiểm kê và áp giá bồi thường cho các hộ, kể cả nhà cửa và tài sản như ao cá.
Tuy nhiên, phía người dân cho rằng nếu đền bù theo giá hiện nay thì quá rẻ, họ thậm chí không đủ tiền mua một miếng đất khác để xây nhà. “Vừa rồi phòng Tài nguyên - Môi trường kêu lên nói đền 56 triệu, nhưng như vậy là sao mà tôi đủ tiền để có lại căn nhà như cũ mà ở”, chị Toàn kiến nghị.
|
Hiện, chính quyền huyện Nam Giang đang tiếp tục nghiên cứu các phương án để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm |
Trả lời kiến nghị này của người dân, ông Nguyễn Trọng Bình - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Nam Giang - cho rằng đất của các hộ dân ở khu vực này không có sổ đỏ nên không được tính áp giá mức cao.
Đại diện các ban ngành huyện Nam Giang cũng cho rằng đang vướng mắc và gặp khó trong vấn đề này. Họ cho biết, trước mắt huyện đang vận dụng các nguồn lực cố gắng hỗ trợ thiệt hại cho người dân; về lâu dài đang kiến nghị phương án di dời giải tỏa khu vực sạt lở và đưa người dân định cư ở chỗ khác.
Như vậy, phương án đền bù, hỗ trợ chưa dứt điểm từ các cấp ngành của chính quyền khiến người dân gặp khó khăn do mất nhà, mất tài sản. Nhưng một nguy hiểm cũng đang rình rập nữa là dự án san lấp dở dang đang có dấu hiệu sạt trượt vẫn treo trên đầu dân khiến họ phập phồng không yên.
|
Hàng ngàn tấn đất tiếp tục sụt lún có nguy cơ đổ tràn xuống phía dưới nếu mưa lớn |
Khảo sát tại khu vực san lấp cụm công nghiệp, chúng tôi phát hiện hàng trăm m2 mặt bằng đất phần rìa núi đang bị sụt xuống, những vết nứt kéo dài hàng trăm mét chia cắt phần nền. Nếu có mưa lớn xảy ra thì hàng ngàn khối đất này dễ sập xuống.
Ông Thái Minh Hoàng thừa nhận có việc này và cho biết do mưa bão cộng với năm 2020 xảy ra dịch bệnh nên việc thi công chậm tiến độ. Việc đánh giá tác động môi trường dự án đảm bảo nhưng đất sạt lở chảy xuống khu vực bên dưới là do nằm ngoài vùng đánh giá. Vị này cũng cho rằng sẽ sớm làm kè chắn ở phía dưới để ngăn đất tràn xuống và khu vực người dân bị ảnh hưởng đang được nghiên cứu để giải tỏa di dời, tránh những hệ lụy lâu dài.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng