Quảng Nam: Nguy cơ mất trắng hơn 118ha rau màu vì mưa lũ

17/10/2023 - 10:19

PNO - Hơn 100ha rau màu ở Quảng Nam đứng trước nguy cơ mất trắng vì mưa lũ. Trong khi đó, sóng lớn cũng đang “ăn mòn” hàng trăm mét bờ biển.

Nguy cơ mất trắng

Mưa liên tục đổ xuống khiến các cánh đồng rau màu sắp đến kỳ thu hoạch của người nông dân Quảng Nam chìm trong biển nước. Tại xã Bình Phục (huyện Thăng Bình) có gần 30ha rau màu có nguy cơ bị úng cây, thối rễ.

Hơn 118ha rau màu của nông dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng
Hơn 118ha rau màu của nông dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng

Canh tác 6 sào nén ở cánh đồng tổ 8 (thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục), 2 ngày qua ông Lê Tấn Bồng túc trực ở tuyến mương gần thửa ruộng nén để vớt rác, khơi thông dòng chảy. Ông cho biết, ruộng nén trồng được gần 100 ngày, đang đẻ nhánh và ra củ, dự tính khoảng giữa tháng 11 âm lịch này thu hoạch. Thế nhưng đợt mưa lớn từ chiều tối 11/10 đến nay đã làm ngập hoàn toàn 6 sào nén.

“Chi phí trồng mỗi sào hết khoảng 5 triệu đồng, dự kiến cuối mùa bán được 15 - 16 triệu đồng/sào. Chừ (giờ - PV) bị ngập hết. Nén là loại cây không chịu được nước ngập nên dễ bị thối rễ, chết cây và nguy cơ mất trắng” - ông Lê Tấn Bồng nói.

Ông cho biết thêm, cánh đồng tổ 8 rộng khoảng 3ha với gần 20 hộ trồng nén, kiệu. Những ngày qua trời mưa lớn, nước dâng cao, ông và các hộ dân thường xuyên túc trực, đào mương khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, mưa quá lớn khiến việc tiêu nước gặp khó khăn.

Cũng trên cánh đồng tổ 8, gia đình bà Mai Thị Nhung trồng hơn 1 sào môn hương chuẩn bị cho đợt bán tết Nguyên đán 2024. Bà Nhung cho biết, môn hương xuống giống được hơn 1 tháng, mặt môn đã lên cây, dấu hiệu của mùa vụ tươi tốt. Tuy nhiên, những ngày qua mưa làm ngập hoàn toàn ruộng môn hương. Do ruộng ở chỗ trũng, không đào được mương thoát nước nên khả năng mất trắng là điều khó tránh khỏi.

“Tuy tiền mua giống không nhiều nhưng chi phí phân bón, thuốc và công làm đất tốn kha khá. Chừ thế này tiếc không sao kể được” - bà Nhung nói.

Mưa lớn liên tục khiến cho các đồng ruộng ứ nước khiến nhiều điện tích hoa màu bị thối gốc
Mưa lớn liên tục khiến đồng ruộng ứ nước, nhiều diện tích hoa màu bị thối gốc

Ông Phan Ngọc Bốn - Phó chủ tịch UBND xã Bình Phục - cho biết, vụ này nông dân xuống giống 240ha rau màu các loại như nén, kiệu, môn hương, khoai lang… Tuy nhiên, mưa quá lớn nước rút không kịp đã gây ngập hoàn toàn gần 30ha.

“Hiện nay, địa phương vận động nhân dân ra đồng khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương để nước rút nhanh, sớm khôi phục diện tích bị hư hại” - ông Phan Ngọc Bốn nói.

Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên - cho biết, mưa lớn kéo dài 4 ngày qua đã khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu của địa phương bị hư hại.

Tính đến sáng ngày 16/10, toàn huyện có 26,5ha hoa màu vụ đông bị ngập úng, bồi lấp. Trong đó, xã Duy Nghĩa 20ha, Duy Phước 4ha, Duy Trung 2,5ha. Ngoài ra, tại Duy Nghĩa còn có 20ha lúa cấy kỳ bị ngập nước.

Biển xâm thực mạnh

Những ngày qua, mưa lớn liên tục kết hợp với thủy triều dâng cao, sóng đánh mạnh khiến đoạn bờ biển thuộc thôn Trung Phường (xã Duy Hải, Duy Xuyên) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng.

Tại TP Hội An, mưa to kèm theo sóng biển lớn khiến bờ biển thuộc khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An bị sạt lở nghiêm trọng
Tại TP Hội An, mưa to kèm theo sóng biển lớn khiến bờ biển thuộc khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An bị sạt lở nghiêm trọng

Ông Trương Công Trực (ngụ thôn Trung Phường) cho biết, 4 ngày qua mưa to kéo dài, sóng đánh khá mạnh khiến đoạn bờ biển gần nhà ông bị xâm thực nặng hơn. Sáng nay 15/10, lực lượng xung kích của xã Duy Hải đến hỗ trợ gia đình ông dùng cọc tre và bao tải cát gia cố tạm thời các điểm sạt lở.

Cạnh đó, gia đình ông Trương Công Tuấn, Nguyễn Văn Hai và một số hộ dân khác ở thôn Trung Phường cũng thấp thỏm trước tình trạng bờ biển ngày càng bị sóng đánh sập, giờ chỉ còn cách nhà gần chục mét.

Duy Hải là xã bãi ngang ven biển, hằng năm, cứ đến mùa mưa bão, tình trạng xâm thực lại diễn biến phức tạp. Từ năm 1999, biển xâm thực sâu vào đất liền khoảng 300m làm sạt lở và nguy cơ sạt lở 72 hộ dân, tất cả phải di dời vào khu tái định cư tại thôn An Lương để ổn định cuộc sống.

Đoạn bờ biển thuộc thôn Trung Phường (xã Duy Hải, Duy Xuyên) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng
Đoạn bờ biển thuộc thôn Trung Phường (xã Duy Hải, Duy Xuyên) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng

Nhờ công trình kè chắn sóng thôn An Lương được xây dựng mà không còn sạt lở. Tuy nhiên, vẫn còn một đoạn từ cuối bờ kè An Lương đến thôn Trung Phường giáp biển Cửa Đại chiều dài 1,1km chưa có kè, do đó sạt lở ngày càng phức tạp hơn. Đáng nói, từ đầu năm 2019 đến nay tình trạng sạt lở diễn ra nhanh hơn, nhất là trong mùa mưa bão và các đợt gió mùa đông bắc.

Ông Trần Văn Siêm - Phó chủ tịch UBND xã Duy Hải - cho biết, tại khu vực thôn Trung Phường có 58 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở. Những năm qua, chính quyền địa phương đã dời 19 hộ vào nơi ở xen ghép và 4 hộ vào khu tái định cư.

Theo ông Trần Văn Siêm, hiện nay còn 35 hộ dân vẫn ở lại khu vực nguy cơ sạt lở, trong đó có 16 hộ bị ảnh hưởng liền kề tiếp giáp với đoạn sạt lở. Trước đó, năm 2018, UBND xã Duy Hải đã bố trí tái định cư cho 16 hộ có nguy cơ cao nhưng một số hộ không thống nhất vào khu tái định cư.

Chính quyền xã Duy Hải đã tổ chức nhiều buổi làm việc và nhiều lần tới nhà vận động 16 hộ dân đến khu tái định cư. Thế nhưng, chỉ 5/16 hộ đồng ý đến khu tái định cư, còn lại 11 hộ vẫn tiếp tục ở lại đất cũ được Nhà nước giao năm 1995 (theo Nghị định số 64 của Chính phủ) vì nhiều lý do khác nhau.

Duy Hải là xã bãi ngang ven biển, hằng năm cứ đến mùa mưa bão là tình trạng sạt lở lại diễn biến phức tạp
Hằng năm cứ đến mùa mưa bão thì tình trạng sạt lở tại xã Duy Hải lại diễn biến phức tạp 

“Từ năm 2021 đến nay, mưa bão diễn biến khá phức tạp và thường xuất hiện nhiều đợt gió mùa đông bắc đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển của thôn Trung Phường, sâu vào đất liền hơn 70m. Hiện giờ, một số nhà dân chỉ còn cách bờ biển khoảng hơn 10m và luôn sống trong lo sợ” - ông Trần Văn Siêm nói.

Tại TP Hội An, mưa to kèm theo sóng biển lớn khiến bờ biển thuộc khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn bờ biển kéo dài gần 500m bị sóng lớn công phá dữ dội, nước biển "ăn" sâu vào khu dân cư hơn 10m. Ông Lê Biết - chủ ngôi nhà chỉ còn cách mép sóng chừng 15m - cho hay, mưa xối xả cùng sóng lớn cuộn trào khiến bờ biển bị đặt trong tình trạng báo động. 

Hàng dương liễu bị cuốn trôi xuống biển
Hàng dương liễu bị cuốn trôi xuống biển

"Tháng 9 vừa qua, gia đình tôi cùng với hàng xóm góp 500 triệu đồng để dựng "núi" cát khổng lồ che chắn phía sau nhà nhằm ngăn sóng biển uy hiếp. Tuy nhiên, hiện tại, sóng lớn đang có dấu hiệu khoét vào các lỗ hổng của kè mềm này khiến chúng tôi đứng ngồi không yên" - ông Lê Biết nói.

Địa điểm sạt lở chỉ cách nhà dân chỉ hơn mười mét
Địa điểm sạt lở chỉ cách nhà dân hơn 10m

Ông Lê Văn Viết (trú khối Thịnh Mỹ) cho biết, tình trạng sạt lở bờ biển đang tịnh tiến về phía bắc. "Trong đêm qua, nước biển đã xâm lấn và khoét một đường vòng cung sâu hơn 10m vào khu dân cư. Cứ đà sạt lở này, chẳng mấy chốc mà các nhà dân ven biển như tôi phải khăn gói rời đi" - ông Viết lo lắng.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI