Quảng Nam: Ngang nhiên khai thác vàng trái phép giữa rừng

12/05/2022 - 08:43

PNO - Từ khi Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt (trụ sở ở thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam) bị thu hồi giấy phép, bãi vàng 38 của công ty này đã trở thành điểm nóng khai thác vàng trái phép.

Điểm đen khó dẹp

Bãi vàng 38 thuộc địa phận xã Phước Hòa (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), nằm sâu phía trong núi. UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép cho Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt khai thác ở địa phận này, thời hạn đến năm 2016. Năm 2017, công ty này tiếp tục được cấp phép thăm dò trên diện tích 9,26 ha đến tháng 8/2019. Tuy nhiên, sau đó công ty không thực hiện báo cáo kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng nên huyện Phước Sơn đã yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, chấm dứt hoạt động. Cũng từ đó đến nay, nơi này biến thành điểm đen của các tệ nạn, từ mua bán ma túy, đánh bạc cho đến khai thác vàng trái phép.

Dọc theo sườn núi, hàng loạt lều trại được vàng tặc dựng lên như nấm đề làm nơi khai thác vàng trái phép
Dọc theo sườn núi, hàng loạt lều trại được "vàng tặc" dựng lên để làm nơi khai thác vàng trái phép

Mất gần 2 tiếng men theo những con suối rồi qua chừng 4 cái dốc dựng đứng, chúng tôi mới tiếp cận được bãi 38. Trước mặt chúng tôi là rất nhiều lán trại dọc trên sườn núi. Đa số các "vàng tặc" ở đây đều tìm vận may từ các hầm lò cũ của công ty để lại trước đó. Đá được đào xới ngổn ngang, chất thành đống rồi được đem đi xay, tuyển quặng, lọc vàng… Thấy người lạ, một số bỏ lại lán trại rồi đi nhanh vào rừng trong khi số khác vẫn điềm nhiên tiếp tục công việc.

Hoạt động khai thác diễn ra rầm rộ
Hoạt động khai thác diễn ra rầm rộ

Trước khi chúng tôi vào bãi, một người dân địa phương rỉ tai: “Mấy chú cẩn thận, người trong đó liều lĩnh lắm, thấy không ổn thì rút, đừng cố đi vào sâu!”. Người này cho biết thêm, nơi đây hàng ngày vẫn nườm nượp người ra vào: “Lúc thì vận chuyển lương thực, khi thì xăng dầu đưa vào bãi. Mà đa số là người từ phía ngoài vào, người địa phương rất ít. Lâu lâu công an lại truy quét một đợt. Truy quét thì họ lại lủi vào rừng, rút đi lại ra làm lại. Lâu nay vẫn chẳng thể làm được gì”.

Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng công an huyện Phước Sơn cho biết, từ năm 2019 đến nay, công an huyện đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức truy quét, đẩy đuổi tiêu hủy nhiều lán trại, phương tiện tại bãi vàng 38 nhưng chưa triệt để.

Mặc dù lực lượng công an đã nhiều lần truy quét, đập phá máy móc, lán trại nhưng sau một thời gian, mọi chuyện đâu lại vào đấy
Công an đã nhiều lần truy quét, nhưng sau một thời gian, các lán trại lại tiếp tục xuất hiện

Nơi đây tồn tại nhiều tệ nạn như mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ trái phép đã được công an huyện phối hợp với công an tỉnh triệt xóa thời gian qua. “Về vấn đề này, chúng tôi và các cơ quan chức năng ở huyện đã nhiều lần báo cáo, tham mưu cho các cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị đóng cửa mỏ bãi vàng 38 nhưng chưa thực hiện được do thiếu kinh phí”, thượng tá Tuấn nói.

Chưa thể đóng cửa mỏ

Liên quan đến bãi vàng 38, Sở Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản yêu cầu đóng cửa mỏ và UBND tỉnh cũng giao cho huyện Phước Sơn thực hiện. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, mặc dù doanh nghiệp đã chấm dứt thời gian hoạt động ghi trong giấy phép tại bãi vàng 38, nhưng vẫn chưa đóng cửa mỏ.

Phương thức khai thác chủ yếu là từ những hầm lò cũ của công ty Nguyên Thành Đạt để lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ sập xuống bất cứ lúc nào
Những hầm lò cũ của Công ty Nguyên Thành Đạt để lại, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi có thể sập xuống bất cứ lúc nào

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, bãi vàng 38 hiện nay đang là điểm nóng của các tệ nạn nên huyện cũng đang rất muốn hoàn thành việc đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, việc này đang vướng từ chỗ chính sách.

Trong khi chờ hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ, hoạt động khai thác vàng trái phép nơi đây vẫn ngang nhiên diễn ra
Trong khi chờ hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ, hoạt động khai thác vàng trái phép nơi đây vẫn ngang nhiên diễn ra

Theo ông Trung, huyện đã trình hồ sơ đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng 38, từ tháng 6/2021. Tuy nhiên, đến tháng 1/2022, Sở TN-MT tỉnh mới có văn bản thẩm định trả lời là không rõ nguồn kinh phí đóng cửa mỏ, đề nghị UBND huyện Phước Sơn giải trình. Ngay sau đó, huyện có giải trình với Sở TN-MT rằng, theo quy định của Luật khoáng sản thì kinh phí đóng cửa mỏ sử dụng nguồn kinh phí phục hồi môi trường của doanh nghiệp. Trong trường hợp thiếu thì UBND huyện trình HĐND cấp tỉnh xem xét bổ sung, thực hiện.

“Nguồn kinh phí thực đóng cửa mỏ gần 500 triệu, trong khi đó trước đây doanh nghiệp khai thác đã đóng phí phục hồi môi trường là 190 triệu đồng nên chỉ cần thêm hơn 300 triệu đồng nữa là đủ. Số tiền còn lại huyện có thể giải quyết được, tuy nhiên HĐND cấp tỉnh phải ủy quyền để HĐND cấp huyện có quyền quyết định trong chuyện này thì mới thực hiện việc đóng cửa mỏ”, ông Trung nói.

Trong khi giữa hai bên chưa thống nhất được phương án đóng cửa mỏ thì hàng ngày, lượng tài nguyên bị thất thoát là vô cùng lớn.

 Nguyễn Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI