Quảng Nam lại chơi sang nhờ… tiết kiệm

03/05/2020 - 15:32

PNO - Công trình tượng đài chiến thắng Khâm Đức được xây dựng tại khu vực cổng chào huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đang trong giai đoạn tu bổ, hoàn thành. Công trình do UBND huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư, dự toán kinh phí khoảng 14 tỷ đồng.

Phước Sơn là một trong 56 huyện nghèo của cả nước, đang được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 30a của Chính phủ.

Tượng đài do UBND huyện Phước Sơn thực hiện, dự toán ban đầu khoảng 14 tỷ đồng
Tượng đài do UBND huyện Phước Sơn thực hiện, dự toán ban đầu khoảng 14 tỷ đồng

Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn đảm bảo rằng, tượng đài được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách tiết kiệm của huyện chứ không lấy từ nguồn ngân sách hỗ trợ đồng bào nghèo theo Nghị quyết 30a.

Nghe là thế. Biết là vậy. Nhưng ở một huyện nghèo miền núi, cái ăn cái mặc của đồng bào, trong đó đa phần là người Bh’nong còn nhiều thiếu thốn; các chương trình thiện nguyện hàng năm do các tổ chức đoàn thể chính trị vẫn ưu tiên dành cho Phước Sơn, với các hoạt động chăm lo an sinh ở mức tối thiểu thì dành 14 tỷ đồng từ “ngân sách tiết kiệm” để xây tượng đài là không hợp lý, nếu không muốn nói hết sức phung phí, lại càng không thuận tình, nhất là trên “mặt bằng” đời sống còn nghèo khó, cơ cực của người dân.

Rõ ràng, ý nghĩa của chiến thắng Khâm Đức – Ngok Tavak cách đây 52 năm là không gì so sánh được. Chỉ trong 4 ngày, bộ đội chủ lực Sư đoàn 2, Quân khu 5 và lực lượng vũ trang địa phương cùng đồng bào dân tộc tại huyện Phước Sơn đã nổ súng tiêu diệt gọn Chi khu quân sự Khâm Đức – Ngok Tavak, giải phóng hoàn toàn huyện Phước Sơn.

Ngày nay, bia di tích lịch sử chiến thắng Khâm Đức vẫn còn đó, đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Sự công nhận của chính quyền, sự ghi ơn của các thế hệ sau đều có đủ. Nếu để dành những phút giây mặc niệm người ngã xuống hay nhắc nhớ về chiến công quả cảm đã qua, còn gì thiêng liêng và trang trọng bằng về chính nơi đã từng lưu dấu lịch sử. Có cần thiết phải xẻ một phần ngọn đồi - là đã xâm hại thiên nhiên, phải dựng cả tượng đài chiến thắng hao tốn đến 14 tỷ đồng - thay vì dùng nó để chăm lo đời sống bà con thì cái mục tiêu "tiết kiệm" mới thiết thực và ý nghĩa.

Nếu mỗi địa danh từng ghi lại chiến công đều là cơn cớ để đúc dựng tượng đài thì tôi nghĩ, nguyên vật liệu nào cho đủ để phục dựng và tưởng niệm chiến thắng của một dân tộc trường kỳ kháng chiến để đi đến ngày nối vòng tay lớn như Việt Nam? Và hẳn là, những con người ngã xuống hôm qua, chẳng ai trong họ mong chờ dựng tượng, đúc đài; quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, cho đồng bào tự do, ấm no, hạnh phúc.

Đã bao lần tôi trở về đất Quảng, đứng trước tượng đài mẹ Thứ, ngước mắt nhìn những khối đá khổng lồ, cao lớn, như thể vờn lượn với đất trời, lòng lại không thôi nỗi ám ảnh, day dứt về tấm hình Mẹ ngồi lặng thinh trước cái mâm có 9 cái bát, 9 đôi đũa dành cho 9 người con của mẹ đã hy sinh.

Tượng càng cao, tôi lại càng nghĩ về những điều… thấp bé, như lời kêu gọi, đi vận động của cô giáo Trần Thị Cư cho những đứa trẻ có được bữa cơm có thịt, ở một điểm trường xa ngái của Quảng Nam.

Và từ chuyện dựng tượng bạc tỷ, tôi lại nghĩ đến bộ máy xét nghiệm Realtime PCR mà Quảng Nam đang “quán quân” về giá chỉ định thầu. Giá có thể cò kè mà nâng lên đặt xuống, máy còn tìm cách… trả lại cho đối tác cung cấp thì sắt thép, gạch đá cũng có hề gì mà không trả giá hơn thua.

Chỉ có điều, giọt nước mắt kia đã nhỏ xuống thế gian, kẻ khóc lại khiến người cười thì cũng đừng mong rằng, trước cái ngước nhìn của dân, chẳng sắt đá nào che giấu được!

Ái Mỹ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI