Trước đó, 5/3/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 1219/UBND-KTN gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về một số kiến nghị liên quan quản lý giao thông đường thuỷ nội địa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi, giải quyết.
“Để công tác quản lý giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến được đảm bảo an toàn, đúng quy định hiện hành của pháp luật; trước mắt là phục vụ tốt Năm Du lịch Quốc gia 2022 và giải quyết các vướng mắc, kiến nghị tại công văn nêu trên; UBND tỉnh Quảng Nam đăng ký lịch làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị chức năng thuộc Bộ GTVT; với thời gian 1 ngày, dự kiến từ ngày 22/3/2022 đến ngày 24/3/2022 (thời gian cụ thể do Bộ GTVT sắp xếp). Họp trực tiếp tại phòng họp Bộ GTVT”, chính quyền tỉnh Quảng Nam đề nghị.
Công văn 1219/UBND-KTN do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng, chuyên ngành thực hiện nhiều nội dung.
|
Quảng Nam kiến nghị nhiều vấn đề với Bộ GTVT sau vụ chìm cano |
Đối với tuyến đường thủy nội địa quốc gia Hội An - Cù Lao Chàm; Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoàn thành các thủ tục theo quy định để quản lý, thực hiện thông báo luồng, chia sẻ hồ sơ hoàn công cho các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo quy định.
Tuyến có chiều dài 17km từ bến Cửa Đại (Km0) đến đảo Cù Lao Chàm (Km17). Đây là tuyến đường thủy nội địa chở khách từ bờ ra đảo phục vụ dân sinh, du lịch và là tuyến tàu đánh bắt hải sản của ngư dân ra vào, số lượng phương tiện hoạt động nhiều (trong đó có 93 phương tiện ca nô chuẩn SB và hơn 1.000 tàu đánh bắt hải sản của ngư dân), hành khách đông (bình quân 450.000 khách/năm) và tăng qua các năm, đặc biệt dự báo sẽ tăng cao trong Năm Du 2 lịch Quốc gia 2022 và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Tại khu vực Cửa Đại (Km01+000 - Km04+000), hằng năm thường xuyên bị bồi lấp lớn dẫn đến các phương tiện thủy đi lại khó khăn, rất nhiều tàu đã bị mắc cạn, nguy cơ tai nạn rất cao. Vì vậy, Quảng Nam cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tăng tần suất quan trắc, khảo sát lên 3 tháng/lần thay vì 12 tháng/lần như hiện nay và thực hiện đột xuất sau mỗi đợt mưa lũ lớn hoặc tác động của thiên tai cực đoan có khả năng làm thay đổi hướng tuyến hoặc các thông số kỹ thuật của luồng. Trên cơ sở đó có các biện pháp kịp thời để điều chỉnh phao, tiêu báo hiệu và thực hiện nạo vét đảm bảo chuẩn tắc luồng.
Ngoài ra, tuyến luồng Hội An - Cù Lao Chàm đã được phê duyệt là luồng đường thủy nội địa quốc gia theo chuẩn cấp I (bề rộng luồng > 90 m, độ sâu > 4 m). Để đảm bảo an toàn lâu dài, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT có kế hoạch nạo vét theo đúng tiêu chuẩn đã được quy hoạch, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh tăng bán kính cong 2 đoạn gấp khúc trên tuyến luồng (đoạn Km02+000 - Km02+580 và Km03+280 - Km03+680)… Đồng thời, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu sâu về tác động của cồn cát ngoài biển Cửa Đại đến luồng tàu để có các giải pháp phù hợp.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam: “Thực tế tại hiện trường khi xảy ra vụ tai nạn, tàu QNa-1152 (tàu composite cải hoán từ chuẩn SI sang chuẩn SB) bị vỡ mũi phía trước, đa số hành khách trong cabin tử nạn rất nhanh (13 người). Theo ý kiến của lực lượng cứu hộ, cứu nạn, các chủ tàu và chính quyền, nhân dân địa phương, nguyên nhân chính là do khi tàu chìm, họ mặc áo phao bị vướng trong khoang kín không thể thoát ra ngoài được, công tác cứu hộ, cứu nạn cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Đây là vụ tai nạn gây thiệt mạng thảm khốc nhất và nhanh nhất vì từ trước đến nay đã có nhiều vụ tai nạn đường thủy trên tuyến này nhưng đều được cứu sống nếu người tham gia trên phương tiện thủy mặc áo phao (tàu hở, người mặc áo phao nổi, cứu hộ, cứu nạn không gặp khó khăn). Vụ tai nạn đã gây hoang mang, lo lắng cho chính quyền địa phương, các chủ doanh nghiệp, lái tàu và người dân tham gia giao thông đường thuỷ nội địa khi sử dụng loại phương tiện này, nhất là tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm”.
|
Việc sử dụng tàu composite mui hở hay mui kín cũng được UBND tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề nghiêm túc với Bộ GTVT |
“Do đó, kính đề nghị Bộ GTVT có ý kiến khẳng định việc sử dụng tàu composite chuẩn SI cải hoán sang chuẩn SB hoặc tàu composite đóng mới theo chuẩn SB đã được kiểm định đảm bảo hoạt động an toàn trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia Cửa Đại - Cù Lao Chàm khi đủ điều kiện rời bến theo quy định hiện hành; các biện pháp cần thiết để những người tham gia giao thông đảm bảo an toàn tính mạng khi có tai nạn xảy ra, nhất là những người mặc áo phao và ngồi trong khoang kín? Việc duy trì hoạt động của tàu composite chuẩn SB trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm có được tiếp tục thực hiện không? Có cho phép các tàu composite chuẩn SI hoạt động trên tuyến này không?”, công văn của UBND tỉnh Quảng Nam nêu rõ.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị thêm một số việc như: Đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ GTVT chia sẻ dữ liệu thiết bị AIS gắn trên phương tiện thủy hoạt động trên tuyến với các cơ quan chức năng địa phương để cùng phối hợp cảnh báo, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm ngăn ngừa tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến. Trước mắt cần khẩn trương thực hiện ngay đối với tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm.
Đề nghị Bộ GTVT xem xét dừng việc ủy quyền cho Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, đồng thời thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để quản lý nhà nước tại cảng, bến thủy, khu neo đậu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam và các địa phương lân cận theo đúng quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Lê Đình Dũng