Quảng Nam khẩn cấp đưa người dân ra khỏi vùng sạt lở

07/11/2020 - 15:37

PNO - Một lần nữa, lũ lại quét ngang Trà Leng, cuốn trôi thêm 14 ngôi nhà. Lần này, rất may là không có ai thiệt mạng, bởi trước đó, chính quyền đã kịp di tản mọi người đến nơi an toàn.

Đêm nằm nghe đất nổ

Mưa một lần nữa trắng trời ở Quảng Nam. Những ngọn đồi no nước lại rục rịch, cựa mình. “Mỗi lần đồi núi đổ xuống là phát ra tiếng nổ, rồi đất đá ầm ào chảy xuống. Vì thế, cả đêm cứ thấp thỏm. Có không dưới 3 lần nghe tiếng đất cựa mình, nổ ràn rạt ở sát mình. Lo lắm, cứ nghĩ giờ mà chạy cũng chẳng biết chạy về đâu khi 4 bề đều là núi”- chị Hồ Phương Thảo, ở xã Phước Kim (huyện Phước Sơn) ghi vội mấy dòng trên Facebook.

Lũ quét qua, tàn phá Trà Leng trở nên hoang tàn. Những ngôi nhà chỉ chực đổ xuống sau khu lũ khoét sâu vào lòng dất
Lũ quét qua, tàn phá Trà Leng trở nên hoang tàn. Những ngôi nhà chỉ chực đổ xuống sau khi lũ khoét sâu vào lòng đất

Trong chiều tối 6/11, những ngọn đồi lại tiếp tục đổ xuống, khiến cho việc thông đường vào các xã bị cô lập là Phước Thành và Phước Lộc vốn đã khó lại khó thêm. Núi đồi đã no nước, nên chỉ cần mưa xuống là đất đá biến thành bùn non nhão nhoẹt tràn xuống khắp mặt đường.

“Hiện chúng tôi đã tạm dừng công tác tìm kiếm những nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở núi ở thôn 3 xã Phước Lộc. Qua đợt mưa này thì mới có thể tiếp tục được” - một lãnh đạo huyện Phước Sơn cho biết.

Đúng là người dân miền núi Quảng Nam giờ không biết chạy đi đâu khi vây quanh là đồi núi. Quan niệm xây nhà tựa lưng vào núi, trước mặt là sông chỉ sự thịnh vượng, chắc chắn… thì nay đã thành thảm họa. Họ chới với trong sự cực đoan của thiên nhiên đang giận dữ. Thêm 1 lần nữa, Trà Leng lại nhận thêm 1 cơn lũ quét kinh hoàng. Nước đổ xuống cuốn trôi hoàn toàn 14 ngôi nhà ở làng Tăk Pát, xóa sổ hoàn toàn ngôi làng này trên bản đồ, bởi trước đó, trong bão số 9 cũng đã có 12 ngôi nhà ở đây bị cuốn trôi.

“Tiếng nước xiết, ầm ầm đổ xuống. Tiếng từng ngôi nhà dần đổ gục, rồi biến mất trong dòng nước lũ ám ảnh mãi không thôi. Chưa có năm nào thấy cảnh kinh hoàng như thế. Không biết đến bao giờ cái cảnh này mới chấm dứt đây” - ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Leng nói.

Quyết liệt di tản

“Có những nơi tưởng chừng như chẳng bao giờ bị sạt lở thì nay đã đổ xuống. Vì vậy, khi mưa vẫn tiếp tục lớn trên diện rộng thì huyện đã kiên quyết di tản dân đến những nơi an toàn nhất, thậm chí cưỡng chế cũng buộc phải làm” - ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin.

Người dân ở miền núi Quảng Nam mỗi lần nghe tiếng đất nổ, cựa mình là giật mình thon thót
Người dân ở miền núi Quảng Nam mỗi lần nghe tiếng đất nổ, cựa mình là giật mình thon thót

Nói là cưỡng chế, nhưng thực chất người dân ở đây đều chủ động di tản. Họ đã quá sợ hãi trước sự nổi giận của thiên nhiên. Trà Leng, nơi nổi tiếng với rừng quế cổ thụ, thương hiệu “quế Trà My” nay hoang tàn sau dòng lũ dữ. Những nơi chắc chắn như nóc ông Đề phải chứng kiến tang thương ngút trời khi có đến 9 người chết, 13 người còn lại vẫn nằm ở đâu đó mà lực lượng chức năng đang tìm kiếm.

“Hiện tại, những người dân có nhà vừa bị cuốn trôi đã di chuyển lên nóc ông Hiền để tránh trú trước đó nên may mắn không có ai bị thiệt mạng. Chính quyền xã cũng đã đưa lên đây 1 tấn gạo cùng nhu yếu phẩm để cho bà con tạm sinh sống trong những ngày không có nhà” - ông Phan Quốc Cường thông tin.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, ngay từ trước cơn bão số 10, tỉnh đã yêu cầu khẩn trương di dời những người vẫn đang ở trong vùng nguy hiểm. “Với lượng mưa đổ xuống như thế, không thể lường trước chuyện gì có thể xảy ra. Lũ ống, lũ quét có thể xảy ra bất kỳ nơi nào. Như nóc ông Đề, có ai nghĩ là tan hoang chỉ sau một cơn lũ. Làng ở đó cả mấy chục năm rồi, chưa hề xảy ra chuyện gì. Vì vậy, phải đưa người dân đến những nơi khả dĩ an toàn nhất” - ông Bửu nói.

Công tác sơ tán người dân của chính quyền địa phương ở Nam Trà My và Phước Sơn đang được khẩn cấp tiến hành, tránh thiệt hại về người đến mức tối thiểu
Công tác sơ tán người dân của chính quyền địa phương ở Nam Trà My và Phước Sơn đang được khẩn cấp tiến hành, tránh thiệt hại về người đến mức tối thiểu

Theo ông Trần Duy Dũng, huyện đã sơ tán hơn 7.000 người (1.500 hộ dân) ở 10 xã có nguy cơ sạt lở. “Tạm thời, người dân phải ở những nơi an toàn cho đến khi chúng tôi tìm được những vị trí phù hợp để xây dựng lại khu dân cư. Cũng từ kinh nghiệm của đợt này, việc sắp xếp dân cư cần phải đảm bảo những yếu tố tiên quyết tránh việc sạt lở có thể xảy ra. Đây là điều rất khó, vì ở đây bao quanh toàn là đồi núi” - ông Dũng nói thêm.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI