Quảng Nam: Hỗ trợ tiền xây nhà tránh bão lũ quá thấp, dân không mặn mà

15/11/2023 - 06:36

PNO - HĐND tỉnh Quảng Nam ra nghị quyết hỗ trợ cho khoảng 10.000 hộ dân xây dựng chòi/phòng để trú bão, lũ, lụt. Ban đầu, dân đăng ký rất đông, nhưng sau đó họ lại chẳng mặn mà.

Lo tránh được cái lũ thì mắc cái nợ 

Huyện Đại Lộc là vùng lũ của tỉnh Quảng Nam, nên người dân dù giàu hay nghèo đều phải tính chuyện xây nhà cao hoặc có gác để tránh lũ. Nằm sâu trong cánh đồng thuộc thôn Phú Phong (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc), ngôi nhà mới cất xong cuối năm 2022 của cha con cô Nguyễn Thị Đen đã giải tỏa được nỗi lo bị ngập sâu vào mùa lũ lụt. Cô Đen năm nay 58 tuổi, bị bệnh tim, ở vậy nuôi cha già là ông Nguyễn Hùng (94 tuổi). 2 cha con đều đau ốm, bệnh tật. Cuộc sống cũng chỉ qua ngày khi mỗi tháng cô được hỗ trợ 540.000 đồng và cha được hỗ trợ 720.000 đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương trong căn nhà vừa được xây xong phần thô
Bà Nguyễn Thị Phương trong căn nhà vừa được xây xong phần thô

“Năm vừa rồi, mặt trận huyện hỗ trợ 30 triệu đồng cho xây nhà kiên cố. Nghe nói xã có hỗ trợ thêm 10 triệu đồng nên cha con cô mừng quá, bán luôn cái xác nhà gỗ đang ở và mấy tấm ván dành để đóng hòm được 25 triệu đồng rồi vay mượn thêm bà con xung quanh để xây nhà. Thấy hoàn cảnh, anh thợ xây cũng thương tình lấy giá phải chăng. Nhà xây hết 130 triệu đồng, nhưng cha con cô còn nợ 70 triệu đồng”.

Đầu thôn, nhà bà Nguyễn Thị Phương (73 tuổi) vừa mới xây xong phần thô, nước mưa còn thấm khắp tường. Cách đây 2 năm, nhà bà nằm ở chân đồi, nơi dễ bị sạt lở. Được huyện hỗ trợ 40 triệu đồng theo diện xóa nhà tạm, bà Phương với con trai đã mạnh dạn vay mượn khắp anh em bạn bè cất ngôi nhà mới có gác lửng để tránh bão lũ. Nhà xây hết 150 triệu đồng, mẹ con bà còn đang nợ khoảng 100 triệu đồng. “Giờ cô thì bệnh tật, con trai làm phụ hồ, công việc, cuộc sống bấp bênh, khổ lắm cháu ơi. Lo được cái lũ thì giờ lại vướng cái nợ” - bà Phương mếu máo.

Kinh phí hỗ trợ quá ít, dân không dám làm, xã muốn trả

Tháng 9/2021, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 32/2021/NQ-HĐND (NQ32) quy định mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng để tránh bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với quy mô 10.000 hộ, kinh phí 100 tỉ đồng. Đối tượng ưu tiên gồm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ… Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng (chòi hoặc phòng). Ngoài mức hỗ trợ này, địa phương kết hợp từ các nguồn xã hội hóa và từ các nguồn hợp pháp khác. 

Ông Đặng Văn Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho biết, đến nay huyện đã duyệt 261 hộ nhưng 138 hộ không thực hiện. “Đây là một chính sách nhân văn, thiết thực nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Cụ thể, giai đoạn khảo sát thì các hộ nghèo có nhu cầu và đăng ký nhưng triển khai không được vì nguồn hỗ trợ quá thấp do giá cả nhân công, vật liệu tăng cao; nhiều gia đình đã được phê duyệt nhưng xin rút” - ông Đặng Văn Kỳ cho biết.

Còn ông Huỳnh Văn Thanh - Phó chủ tịch UBND xã Đại Tân - cho biết, năm 2022 có 43 hộ dân đăng ký nhận hỗ trợ từ NQ32, nhưng sau đó chỉ có 15 nhà triển khai và chỉ quyết toán được 8 nhà. Hiện địa phương còn nợ 3 nhà chưa giải ngân được.

Rất nhiều xã đang gặp khó và thậm chí muốn trả lại vì nguồn hỗ trợ quá thấp, người dân không thể làm nổi. Bà Trương Thị Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh - cho biết, xã đăng ký 4 nhà theo NQ32 nhưng chỉ làm được 1 nhà, 3 nhà đang làm tờ trình gửi lên huyện xin trả.

Các địa phương đều cho rằng chi phí hỗ trợ 10 triệu đồng cho 1 hộ để xây chòi/phòng là quá thấp và không thể thực hiện được. Xây riêng 1 phòng độc lập còn không đủ tiền chứ chưa nói là đập sửa lại kết cấu trong căn nhà. Không những vậy, những người nhận hỗ trợ đều là hộ nghèo, mà đã nghèo thì nhận 10 triệu đồng rồi biết vay mượn đâu ra nữa để làm.

Như tại xã Đại Lãnh, thực hiện theo NQ32 chỉ có 1 hộ đăng ký. Nhưng có một chính sách thiết thực hơn từ chương trình Nhà chống lũ thuộc quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững (TP Hà Nội) đã hỗ trợ xây được 115 ngôi nhà từ năm 2016 đến nay. “Chương trình Nhà chống lũ hỗ trợ từ 40-50 triệu đồng/hộ dân để xây nhà có gác tránh lũ. Hiện rất nhiều người đang đăng ký để nhận hỗ trợ từ quỹ này” - bà Trương Thị Minh Phương cho hay.

Tại huyện Thăng Bình, rất nhiều xã đang gặp khó khăn trong thực hiện NQ32. Kinh phí năm 2023 phân bổ cho Thăng Bình là 1.699 hộ, nhưng hiện chỉ có 235 hộ thực hiện. Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào, huyện Thăng Bình - cho biết, trong 2 năm 2022 và 2023, có 92 hộ trên địa bàn xã đăng ký, nhưng sau đó phần lớn đều xin rút. Cụ thể, năm nay có 55 hộ đăng ký nhưng hiện chỉ còn 5 nhà trong danh sách, và thực tế chỉ có 2 nhà đang triển khai.

Lãnh đạo xã Bình Đào kiến nghị lên các cấp nâng mức hỗ trợ cho người dân, đồng thời mở rộng thêm đối với những đối tượng có điều kiện để thực hiện cũng như cho phép thay đổi danh sách người đã đăng ký. Xã này cũng kiến nghị có thể lồng ghép chương trình hỗ trợ này vào các chương trình hỗ trợ khác để người dân có thêm tiền để làm.

Ông Nguyễn Công Thanh - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Mục tiêu ban đầu của nghị quyết là hỗ trợ người dân 10 triệu đồng từ ngân sách tỉnh và địa phương phải cân đối nguồn ngân sách và bằng các nguồn khác để làm. Chúng tôi cũng đã nghe phản ánh và chuẩn bị đi kiểm tra lại xem kết quả triển khai như thế nào, có những vướng mắc gì để báo cáo Thường trực HĐND và xin ý kiến lãnh đạo”.

Lê Đình Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI