Quảng Nam đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ chống ngập cho Hội An và Tam Kỳ

03/11/2023 - 11:35

PNO - Không khác các đô thị ven biển Việt Nam, các đô thị của tỉnh Quảng Nam như TP Hội An, TP Tam Kỳ ngày càng bị ngập úng sâu hơn. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ các giải pháp tổng thể về giảm ngập bền vững cho các đô thị trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về tình hình ngập úng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua. Theo đó, ngập úng chủ yếu tập trung ở hai đô thị lớn là thành phố Tam Kỳ và thành phố Hội An.

Cụ thể, tại thành phố Hội An, ngoài một số tuyến đường bị ngập úng cục bộ do mưa lớn thì khu vực phố cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn nên thường xuyên ngập lụt.

Tại thành phố Tam Kỳ, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nước ngoại lai từ các huyện lân cận đổ về sông Bàn Thạch kết hợp với mưa cực đoan nên dẫn đến ngập lụt thường xuyên cho đô thị Tam Kỳ. Trong các năm từ 2018 đến nay cho thấy có 3 cụm ngập thường xuyên với 30 điểm ngập, tập trung ở các tuyến từ đường Phan Bội Châu đến Phan Châu Trinh bị ngập rất sâu trên 0,8 m. 

Nước lũ dâng ở trên sông Hoài chảy qua trung tâm thành phố Hội An
Nước lũ dâng ở trên sông Hoài chảy qua trung tâm thành phố Hội An

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân chính của việc ngập úng đô thị là do thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường.

Tuy nhiên, năng lực tiêu thoát lũ của hệ thống sông và trữ nước tự nhiên bị suy giảm; hệ thống thoát nước đô thị chưa hoàn chỉnh và còn nhiều hạn chế. Việc gia tăng diện tích bề mặt bị bê tông hóa tại khu vực đô thị làm gia tăng lượng nước mưa chảy tràn trên bề mặt.

Ngoài ra, công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước chưa đạt hiệu quả. Nạo vét bùn thải từ sông, hồ, kênh, từ mạng lưới còn nhiều hạn chế. Kinh phí dành cho các hoạt động này còn ít…

Qua đánh giá hiện trạng, mạng lưới thoát nước nội đô Tam Kỳ bị quá tải. Tại thành phố Hội An, hệ thống mương dọc không đáp ứng được lưu lượng thoát nước, hệ thống thoát nước mưa đã đầu tư từ rất lâu, hiện nay đã xuống cấp và tiết diện quá nhỏ không đảm bảo.

Từ thực trạng trên, tỉnh Quảng Nam đã đưa ra một số giải pháp ngắn hạn cho hai đô thị lớn. Tại thành phố Tam Kỳ, đầu tư tuyến kênh thoát lũ phía Tây từ cống Ông Dung về sông Tam Kỳ; tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương từ đường Nguyễn Hoàng đến sông Bàn Thạch; nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Dục…

Tại thành phố Hội An, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện việc nạo vét, khơi thông cống rãnh. Thực hiện duy tu, sửa chữa nâng cấp các hệ thống mương dọc bị hư hỏng cũng như đầu tư mới các vị trí chưa có mương thoát nước để kết nối đồng bộ.

Về dài hạn, tại thành phố Tam Kỳ sẽ cải tạo, nâng cấp các cống ngăn triều hiện có thành van đóng mở bằng điện tích hợp điều khiển IoT hoặc tự lật; chuyển công năng các hồ điều hoà thành hồ điều tiết; đầu tư hệ thống bơm chống ngập; nâng cấp cao trình chống ngập cho kè sông Bàn Thạch.

Tại thành phố Hội An sẽ cải tạo, nâng cấp lại hệ thống mương thoát nước đáp ứng được lưu lượng mưa cực đoan như thời gian qua đối với các tuyến đường do tỉnh và trung ương quản lý đi qua địa phận Hội An như: hệ thống thoát nước dọc tuyến đường ĐT 603B và hệ thống mương dọc của tuyến Quốc lộ 14H.

Một điểm trên tuyến đường huyết mạch nối Đà Nẵng và Hội An thường xuyên bị ngập nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn chưa xử lý được
Một điểm trên tuyến đường huyết mạch nối Đà Nẵng và Hội An thường xuyên bị ngập nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn chưa xử lý được

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện vẫn còn rất nhiều vướng mắc và khó khăn như: Tốc độ đô thị tăng nhanh dẫn đến việc đầu tư xây dựng, khớp nối hạ tầng chưa đồng bộ. Hạ tầng thoát nước đầu tư xây dựng đã lâu năm đến nay đã xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến dòng chảy, tiêu thoát nước. Tại một số khu vực dân cư hiện hữu trong đô thị, nhiều nơi mật độ dân cư còn thưa thớt, địa hình bị chia cắt, giải pháp thu gom nước thải tập trung để xử lý là không hiệu quả. Khó khăn về kinh phí để thực hiện.

Do đó, tỉnh này đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm, hỗ trợ một số giải pháp tổng thể về giảm ngập bền vững cho các đô thị trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp, môi trường… để tỉnh Quảng Nam thực hiện các giải pháp nêu trên.

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI