Ai là nạn nhân?
Tác giả Viên Nghiệp (tên thật Phạm Văn Lành) cho biết khoảng tháng 8-9/2019 liên hệ với Quang Lập giới thiệu một vài ca khúc với mong muốn Quang Lập trình bày. Sau khi nghe demo, Quang Lập đồng ý. Viên Nghiệp giao cho Quang Lập tổng cộng 12 ca khúc.
Quang Lập đề xuất Viên Nghiệp ký vào hợp đồng để có thể sử dụng ca khúc này, đồng thời đưa anh biên nhận 30 triệu đồng. Viên Nghiệp từ chối nhận tiền, vì cho rằng tặng để hát chứ không mua bán. Anh nói việc ký vào hợp đồng là do tin tưởng để Quang Lập thuận tiện trong việc phát hành sản phẩm, trình diễn. Viên Nghiệp không giữ bản hợp đồng nào.
|
Tác giả Viên Nghiệp |
Sau đó, anh tiếp tục giao 5 ca khúc khác cho Quang Lập. Lần này, Viên Nghiệp cũng được đề nghị ký hợp đồng và biên nhận nhận 5 triệu đồng. Anh ký nhưng không nhận tiền. Trong bản hợp đồng Viên Nghiệp chia sẻ, chỉ có chữ ký của anh, không có chữ ký của Quang Lập. Còn bản của Quang Lập chia sẻ, có chữ ký của cả hai.
Sau đó, Viên Nghiệp nhận được đề nghị mua ca khúc nhưng anh nói chỉ tặng, không bán. Các ca sĩ lo ngại do các ca khúc từng được Quang Lập trình bày nên nhờ anh kiểm tra lại thỏa thuận giữa hai bên. Lúc này, Viên Nghiệp xem kỹ hợp đồng, phát hiện là chuyển nhượng quyền tác giả, anh yêu cầu Quang Lập chỉnh sửa hợp đồng nhưng không được đáp ứng.
Quang Lập phản bác, cho rằng Viên Nghiệp bịa chuyện bôi nhọ anh. Quang Lập nói một người 30 tuổi ký 2 hợp đồng mà không hiểu, không biết hợp đồng có nội dung gì là điều khó tin.
Quang Lập chia sẻ một tờ giấy cho phép tác giả Viên Nghiệp sử dụng một số ca khúc được cho là đã bán cho anh: “Nếu cậu ấy không hiểu hợp đồng trước đó là hợp đồng bán đứt tác phẩm, công nhận tôi là chủ sở hữu những bài hát đó, thì cậu ta đâu cần xin tôi ký thêm giấy này”.
Trong khi đó, Viên Nghiệp cho rằng anh không biết về giấy này, tờ giấy này chỉ có Quang Lập nêu nội dung rồi ký tên.
Quang Lập cho rằng sau khi anh trình bày, các ca khúc được nhiều người biết đến và đặt mua nên Viên Nghiệp trở mặt. Quang Lập còn khẳng định Viên Nghiệp đã nhận tiền và anh muốn cho thêm 20 triệu đồng do tác giả đang gặp khó khăn, nhưng Viên Nghiệp lại đòi 35 triệu.
Viên Nghiệp nói Quang Lập bịa đặt.
|
Quang Lập là giọng ca bolero nổi tiếng với kênh YouTube có hàng triệu người theo dõi |
Không chỉ lùm xùm với một tác giả
Phạm Hưng (tác giả ca khúc Hai thước đất) cho biết anh cũng rơi vào trường hợp tương tự. Phạm Hưng đồng ý tặng Quang Lập ca khúc của anh để hát. Quang Lập yêu cầu ký hợp đồng tượng trưng để sử dụng ca khúc này, trả 5 triệu đồng.
“Sau đó, anh Lập hỏi tôi còn ca khúc bolero nào nữa không. Tôi nói còn, liệt kê tổng cộng 15 bài để đưa vào hợp đồng. Tôi ký nhưng không hiểu lắm việc chuyển nhượng quyền tác giả. Trước nay, tôi sáng tác để tặng chứ không buôn bán ca khúc vì tôi không phải nhạc sĩ chuyên nghiệp. Sau đó, anh Lập chuyển khoản cho tôi 75 triệu đồng. Việc có tiền từ ca khúc mình sáng tác khiến tôi thấy vui. Nhưng khi về nhà, được mọi người giải thích tôi mới hiểu ý nghĩa hợp đồng đã ký. Tôi gọi ngay cho anh Lập đề nghị trả tiền lại, nhưng anh ấy không đồng ý”, Phạm Hưng chia sẻ.
Quang Lập phủ nhận, cho biết trong quá trình ký kết hợp đồng đã giải thích rõ, nên khi tác giả muốn trả tiền lại anh không đồng ý.
Tác giả Việt Nhân cho biết anh có 2 ca khúc Như nước qua cầu và Nỗi buồn tha phương, vì lời hứa nên để Quang Lập đứng tên đồng tác giả. Nhưng sau này khi anh sử dụng ca khúc này để hát, chia sẻ trên YouTube thì bị một đơn vị tên BH Media (đều được đề cập trên fanpage của Quang Lập, Giọng ca để đời) vào gắn cờ vi phạm bản quyền.
“Nếu anh ấy muốn giao cho BH Media kiểm soát việc sử dụng tác phẩm, hoặc chuyển nhượng tác phẩm phải thông báo vì ít nhất tôi cũng cùng đứng tên tác giả. Nhưng tôi không được thông báo gì cả. Bài hát của tôi nay tôi hát lại bị gắn cờ vi phạm, có vô lý không?”, anh nói.
Quang Lập cho rằng anh chỉ thực hiện đúng 50% quyền tác giả với 2 ca khúc này, và không cần thông báo cho đồng tác giả.
Luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, theo luật định hiện hành khi đã là tài sản chung thì việc quyết định các quyền liên quan đến tài sản phải được sự đồng thuận của hai bên, không có khái niệm sử dụng quyền lên một nửa tài sản.
Ai đúng ai sai, ra tòa sẽ rõ
Tác giả Viên Nghiệp, Phạm Hưng đều thừa nhận trong chuyện này họ có sơ suất do không tìm hiểu kỹ, bất cẩn. Viên Nghiệp nói: “Tôi chấp nhận mất 17 ca khúc, yêu cầu anh ấy trả 35 triệu theo đúng hợp đồng, nhưng anh ấy không làm, trả giá xuống còn 20 triệu. Tôi đề xuất, những ca khúc đã phát hành sẽ chuyển quyền sở hữu cho anh ấy, còn lại sẽ đồng sở hữu, nhưng anh ấy cũng không chịu. Tôi gọi điện, nhắn tin yêu cầu anh ấy giải quyết nhưng không đi đến đâu”. Phạm Hưng cho rằng đây là kinh nghiệm nhớ đời của mình.
Chiều 8/6, khi được hỏi về việc tác giả Viên Nghiệp đã nhận tiền hay chưa, Quang Lập nói: "Thời điểm này chuyện nhận tiền hay không không quan trọng nữa. Đây là một chuyện khác. Hai hợp đồng đã ký hơn 1 năm, cái còn lại gần 1 năm, nếu không trả tiền người ta để cho tôi yên à?".
Trước những câu hỏi về lùm xùm đang diễn ra, anh chỉ nói đang giải quyết một cách văn minh, do ê-kíp đảm nhận, không thể chia sẻ thêm.
|
Một trong 2 hợp đồng giữa Viên Nghiệp và Quang Lập |
Theo luật sư Hà Hải, Phó trưởng Đoàn luật sư TPHCM, trong trường hợp này để xác định ai đúng ai sai cần nhờ sự can thiệp của pháp luật: “Nếu phía tác giả cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại thì nên nhờ luật sư hỗ trợ giải quyết. Trong trường hợp hợp đồng có giá trị pháp lý thì yêu cầu bên còn lại thực hiện nghĩa vụ nếu chưa thực hiện đầy đủ, hoặc chấm dứt xâm hại đối với tác quyền nếu hợp đồng không có giá trị pháp lý. Nếu bên còn lại không thực hiện hoặc không đáp ứng yêu cầu đưa ra, tác giả có quyền kiện ra tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”.
Luật sư Hà Hải cho rằng, về mặt hình thức, hợp đồng được tác giả Viên Nghiệp và Quang Lập chia sẻ chưa đúng quy định pháp luật, còn có giá trị hay không phụ thuộc nhiều yếu tố.
Tác giả Viên Nghiệp cho biết anh đã nghĩ đến hướng nhờ luật sư, nhưng với tình hình kinh tế hiện tại không kham nổi chi phí.
Chuyện đúng sai chưa bàn đến, nhưng đây sẽ là bài học lớn cho giới nghệ thuật. Nghệ thuật cần tình cảm để thăng hoa, nhưng trên cả hiểu và làm đúng luật mới quan trọng.
Quy định của pháp luật về việc hợp đồng vô hiệu
Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, khiến một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.
Điều 127 quy định giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Luật nêu rõ lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Điều 128 quy định người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
|
Trung Sơn