|
Ảnh minh họa |
Thật khó hẹn được chị, người phụ nữ thường xuyên ngược xuôi trên các chuyến xe từ miền trung vào sài gòn. Gần 50 tuổi, chị Cao Thị Phúc đã phải khởi nghiệp lần thứ hai từ hai bàn tay trắng. Nhìn lại quãng đời “đại gia với xe hơi, biệt thự”, chị thấy quá khứ của mình như không hề có thật. Từ có đến không trong khoảng thời gian 30 năm với chị như một cái chớp mắt. Và bây giờ, chị làm lại từ đầu…
Từ hai bàn tay trắng…
16 tuổi, Phúc mang ba lô rời vùng quê nghèo của tỉnh Bình Định, chỉ với vài bộ đồ cũ và tài sản quý nhất là mấy cuốn sách, những cuốn tập trong đó có nhiều điểm 9, 10. Rời một nơi đã gắn bó trọn tuổi thơ để đến một chốn xa lạ, không có người thân, là rất khó khăn với Phúc, nhưng đi tìm cái chữ để thoát nghèo lại là con đường duy nhất.
Cảm giác sung sướng đầu tiên trong đời Phúc là được trở thành “công dân” của thành phố Quy Nhơn. Phúc vừa học, vừa làm thuê, chắt chiu từng đồng cha mẹ gởi cho. Sau hai năm học cấp II, Cao Thị Phúc được vào lớp chuyên của trường cấp III Trưng Vương. Phúc tự tin trở về quê. Tấm bằng tốt nghiệp phổ thông khiến Phúc trở thành một hiện tượng hiếm có chốn quê nghèo.
Nhưng, thời đó ở quê, với phụ nữ, chuyện chồng con mới thật sự quan trọng. Bạn bè cũ của Phúc ai cũng đã có gia đình. Trong mắt họ, Phúc là “gái lỡ thì”, là nỗi lo của mẹ cha, dù cô chỉ mới ngoài 20 tuổi. Mấy tháng sau, Phúc lấy chồng, một người đàn ông do cha mẹ chọn, phần cô chỉ biết “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Có con, áp lực kiếm sống càng thêm nặng. Vừa làm ruộng, Phúc vừa mua bán hết thứ này đến thứ khác. Ngay cả khi mang thai, sắp sinh, cô vẫn tất tả với công việc. Trong những mặt hàng mua đi bán lại, hạt điều mang lại may mắn cho Phúc nhiều nhất. Phúc gom ba ký, năm ký… rồi đến trăm ký, vài tấn, vài xe tải bán cho các công ty nông sản phía Nam.
... Đến tiền tỷ
Phúc nhận ra mình “có máu và có khiếu kinh doanh”. “Giảng đường đại học” của chị là những chuyến xe hàng ngược xuôi Nam, Bắc; những bài học phát triển kinh doanh. Trong một lần giao lưu với các đồng nghiệp tại hiệp hội doanh nhân tỉnh, Phúc mạnh dạn và thử sức trong ngành gỗ. Ban đầu, chị mua bán gỗ xẻ, gỗ xỏ giấy, rồi gỗ xẻ ra chi tiết… Dần dần chị nắm rõ từng loại gỗ, rành rọt thị trường gỗ. Kinh doanh là việc cần được tính toán kỹ, nhưng sự “liều lĩnh” vẫn có giá trị của nó. Phúc gom hết tiền kiếm được gần 10 năm qua, huy động thêm vốn của người thân, vay ngân hàng… để cho ra đời công ty sản xuất chế biến gỗ.
|
Chị Cao Thị Phúc |
Khách hàng ngày càng nhiều. Thị trường châu Âu cần những loại bàn ghế cao cấp trong nhà, và cả những loại đơn giản đặt trong vườn, sân. Công ty của Phúc nhộn nhịp gỗ về, hàng đi. Phụ nữ một khi đã xông pha trên thương trường, thì “chân yếu tay mềm” lại trở thành “điểm mạnh” trong giao tiếp với các đối tác, khách hàng và cả với nhân viên. Sự chân tình, nhẹ nhàng của chị góp phần giúp công ty quay vòng vốn rất nhanh.
Công nhân gắn bó với công ty vì lương thưởng cao, khách hàng chọn công ty vì giá cả hợp lý, mẫu mã phong phú. Phúc phát triển thêm một cơ sở nữa, giao cho chồng quản lý, để anh thoát mặc cảm “làm công cho vợ”. Niềm vui lớn nhất của Phúc là “có tiền cho các con ăn học”: hai con trai du học, hai con trai học đại học tại TP.HCM, con gái út học trường phổ thông quốc tế. Nhìn các con ham học, chị càng thêm phấn chấn làm việc. Đàn bà hết lòng, hết sức cho gia đình, là một bà mẹ tuyệt vời, nhưng có khi lại là một bà vợ… kém.
Nhắc đến thời kỳ này, Phúc không quên một ân nhân: “Năm 1992, tôi đến một công ty nông sản lớn để nhận tiền. Lúc đó đã quá giờ làm việc, kế toán đã về. Bác giám đốc thương tôi nhà xa, con nhỏ, nên bỏ tiền túi ra trả, chờ cơ quan thanh toán lại sau. Trong phiếu chi cho tôi, số tiền chỉ có 1.130.000 đồng, nhưng ông nhìn nhầm nên đưa tôi 11.130.000đ. Tôi trả lại tiền thừa cho ông.
Thời điểm đó, 10.000.000đ (mười triệu đồng) là một số tiền rất lớn. Hành vi đó khiến ông cảm động, ngạc nhiên và khi biết về hoàn cảnh khó khăn của tôi, ông càng thêm thương mến. Nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của ông, từ một người bán hàng nhỏ, lẻ, tôi từng bước đi vào ngành nông sản và trở thành một đại lý uy tín”. Các con khôn lớn từng ngày, khỏe mạnh và học hành giỏi giang. Chồng luôn sát cánh làm ăn cùng vợ. Công việc ngày càng tốt đẹp.
Có lần, giữa bề bộn công việc, Phúc giật mình nhận ra lâu rồi, vợ chồng không gần gũi. Ngay tối hôm đó, chị lái xe sang công ty chồng. Phòng ngủ của anh đóng cửa. Linh tính của người vợ cho chị cảm giác không lành. Anh xuất hiện, vẻ thờ ơ, chẳng quan tâm gì đến vợ. Vợ chồng to tiếng, anh còn trách chị bỏ bê chồng. Chị nghẹn lời: “Tôi bận rộn cũng vì lo cho gia đình”. Chị lái xe về giữa đêm khuya, thỉnh thoảng ngoái đầu lại xem chồng có chạy theo không. Nhưng không, chỉ mình chị trên đường vắng. Chị không ngờ, có ngày mình phải ôm gối chiếc, khóc thương thân.
Lại... khởi nghiệp
Trong nỗi đớn đau “chồng mê người khác”, chị cắn răng “về thu xếp lại” vì nghĩ đến các con. Chị không chi vốn cho chồng nữa, để anh tự xoay xở. Tình cảm nhạt dần, công ty chồng, công ty vợ phát sinh mâu thuẫn. Trong nhiều đơn hàng xuất khẩu chung, giá cả không đồng nhất, thời gian xuất hàng không đồng bộ, chất lượng hàng không đồng đều, trách nhiệm đùn đẩy… Đó cũng là lúc tình hình giá cả biến động mạnh, công ty càng làm càng lỗ; lương trả cho công nhân chậm khiến tình hình càng thêm rối. Ngay thời điểm đó, chồng chị rao bán rẻ máy móc, gom tiền, bỏ gia đình, bỏ công ty, ra đi cùng người tình trẻ.
Nghe mẹ gặp chuyện khốn đốn dồn dập, các con chị ở nước ngoài, ở Sài Gòn đều ngưng học về nhà. Nỗi đau của chị còn bị đẩy lên đỉnh điểm, khi người con thứ hai đang du học ở Úc, vừa về nhà là bị tai nạn giao thông thập tử nhất sinh. Sau cơn nguy kịch, con trai chị rơi vào cảnh “người một nơi, hộp sọ một nơi”.
Chị nhìn lại đời mình: cơ nghiệp sau gần 30 năm gầy dựng giờ rơi vào nợ nần, ngân hàng tịch thu tài sản. Chồng có vợ bé, đi biệt tăm. Các con phải tạm nghỉ học. Một mình với mớ bòng bong, chị chỉ còn biết khóc và khóc. Nhưng rồi nhìn các con cũng đang tuyệt vọng, chị gạt nước mắt, gượng đứng lên, ngày nào cũng tự nói với mình: “Phúc, mày không được chết, không được bỏ con”.
Trong nghiệt ngã, chị nhận ra: “Không có đứa con đang bệnh nặng, chắc mình đã không đủ sức chịu đựng gian khổ”. Tô lại chút son, chị lại xuống chợ đời, vẫn kiểu nhẫn nại “mua cái này, bán cái kia”, lúc thì ngồi chợ với từng mớ rau, ký đậu, lúc đứng vỉa hè với đống quần áo trẻ em, lúc lại chạy môi giới đất đai. Có kinh nghiệm kinh doanh, tính tình chân thật, nên Phúc được những khách hàng cũ mời làm tư vấn trong ngành nông sản, xây dựng. Ai cần mua bán gì Phúc cũng giúp, chị chạy như con thoi theo yêu cầu của khách hàng. Vượt qua mọi thương hại lẫn xét nét của người đời, chị vẫn sống cho mình, cho các con.
Phúc khoe: “Con trai đầu giờ đã có vợ, con dâu dễ thương, cháu nội kháu khỉnh. Vợ chồng tụi nó đang mua trả góp một căn nhà. Thằng nhỏ bị tai nạn đã hồi phục, cũng tìm được việc làm. Con gái út vào đại học. Với người mẹ, không tài sản nào quý bằng con cái”.
Từ những được mất của đời mình, chị chân tình nhắn gởi đến những người phụ nữ đang phải lo cho gia đình: “Làm gì cũng phải chăm sóc sức khỏe, biết thương bản thân, chỉ nên dành 50% thời gian cho sự nghiệp. Đừng nghĩ, hy sinh cho gia đình là được chồng “đời đời nhớ ơn”. Đàn bà hy sinh hết cho gia đình là… dại! Nếu mình chẳng may rơi vào cảnh phá sản, thì hãy nghĩ còn đôi tay, còn sức khỏe là còn sống và có thể kiếm sống”.
Trường Sơn