PNO - Luật mới quy định rất chặt chẽ việc khoe con trên mạng, nhưng liệu các “chợ khoe con” trên mạng xã hội có trở nên bình lặng hay càng xôm tụ hơn với những hình ảnh ngày 1/6 trẻ tham gia văn nghệ, lễ hội,nhận được thành tích?
Từ 1/6, cha mẹ đăng hình trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên trên facebook phải được sự đồng ý của trẻ
Hội chứng cuồng khoe con khiến cha mẹ lao vào cuộc đua tung hình trẻ trên mạng xã hội, theo quy định của Luật Trẻ em: Điều 21 - Quyền bí mật đời sống riêng tư: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”,
Điều 6 - các hành vi bị nghiêm cấm: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Trong số đó có bao nhiêu người hỏi ý trẻ và được trẻ đồng tình? Những quy định mới này là công cụ, là hành lang để cha mẹ bảo vệ con mình trước bao nguy cơ, nhưng thói quen “tung, quăng, khoe, đếm like” đã khiến cha mẹ bất chấp.
Nhà thơ Nguyệt Phạm thú thật, bây giờ chị mới nghe điều luật này và cũng được biết… nhờ con. Lúc con còn nhỏ xíu, chị cũng hay đưa hình con hoặc hai mẹ con lên mạng xã hội, có viết về con thì cũng chỉ kể những chuyện vui vui, dễ thương. Với chị, đó là chuyện bình thường bởi mẹ nào chẳng thích khoe con. Những năm sau, được sự cảnh báo của bạn bè và truyền thông về các nguy cơ, chị hạn chế đăng về con, nhất là những thông tin học hành, trường lớp hoặc nhà riêng thì tuyệt đối không tiết lộ để tránh những điều không hay.
Muốn đăng ảnh hoặc thông tin, chuyện kể liên quan đến con phải hỏi ý kiến, con đồng ý thì mới đăng. “Làm vậy để con cảm thấy được tôn trọng và mở lòng với mẹ. Nhất là vì bây giờ “ảnh” cũng tham gia mạng xã hội nên ứng xử với “ảnh” trên mạng xã hội cũng phải hết sức dè chừng. Mẹ mà lộn xộn là bị block, là khỏi giao tiếp trên mạng luôn. Thêm vào đó, ở trường, con tôi được học về quyền trẻ em nên có nhiều khi nó còn “dọa” mẹ rằng nó đã được pháp luật bảo vệ rồi, mẹ đừng có ỷ mẹ là mẹ nữa” - chị Nguyệt Phạm kể.
Với việc trẻ được/bị khoe trên mạng, cậu học sinh Bùi Vũ Khoa (14 tuổi) cho rằng, có bạn xấu hổ, nhưng cũng có bạn sẽ tự hào khi nhiều người biết đến mình. Riêng với Khoa, khen hay chê cũng đều đưa đến cảm giác khó chịu. “Có những chuyện thuộc tâm lý chúng con mà người lớn không thể hiểu. Chúng con muốn tự nói về mình nếu cần, chứ không thích bị bêu riếu hay khoe khoang. Rất may, người thân luôn hỏi con trước khi đăng này nọ” - Khoa tươi cười.
Tiếp cận với Luật Trẻ em nhờ thầy giáo chia sẻ trên trang facebook, Ngô Khánh Linh (lớp 10CA, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền Q.Tân Bình, TP.HCM) chú ý chi tiết nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em. Hỏi Linh làm thế nào để phản đối cha mẹ xâm phạm quyền riêng tư đó, Linh đáp: “Con nghĩ cứ thẳng thắn nói để vui vẻ cả nhà, không mâu thuẫn, giận hờn nhau. Cha mẹ đừng bao giờ đăng những thông tin cá nhân liên quan đến con cái. Ví dụ như số điện thoại, địa chỉ emai, mật khẩu… vì mất đi sự an toàn của chúng con”.
Đồng quan điểm với Khánh Linh, chị Phan Thùy Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) lưu ý thêm một vấn đề khá tế nhị mà không ít phụ huynh “thích đùa” mắc phải. Đó là hiện tượng cha mẹ hồn nhiên kể xấu con trên mạng.
Chẳng hạn như trẻ là một cậu trai hay nhõng nhẽo, mít ướt; con gái hay nắm đuôi chó, mèo, vật nuôi trong nhà, không thương súc vật. Bên dưới những status ấy là hàng loạt bình luận khen chê, châm chọc, mỉa mai… mà chính người khởi xướng không lường được. Những bình luận đó khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, buồn phiền, tức giận, bực bội, thậm chí trầm cảm.
Thủy - Hiền - Chi
Trẻ tổn thương khi bị "lên sóng
Dù khen hay chê, trẻ đều khó hồn nhiên, tự tin khi tiếp xúc với ai biết trẻ từ thông tin cha mẹ đã công khai. Có trẻ xấu hổ, ngại ngùng, nhiều lần lặp lại có thể trở nên tự ti, mặc cảm. Có trẻ sẽ kiêu ngạo khi những thành công của bản thân được tung hô rồi nhận thức sai về bản thân. Từ kiêu ngạo đến tự ti không xa, khi gặp phải một thất bại nào đó, trẻ dễ đánh mất hình tượng đứa trẻ giỏi giang cha mẹ tạo nên.
Đặc biệt, ở giai đoạn trẻ dậy thì, trẻ càng phản ứng rất tiêu cực khi cha mẹ tự ý đăng thông tin về con trên mạng. Nhiều cha mẹ cho biết họ đã bị con chặn face, con giận cha mẹ khi thấy cha mẹ nói gì đó về con trên mạng...
Với trẻ nhỏ, trẻ chưa biết việc cha mẹ đăng hình, nhưng khi trẻ lớn lên, những gì trẻ nhìn thấy về mình xuất hiện trên mạng sẽ khiến trẻ ám ảnh, ngại ngùng, bất mãn...
Không ai muốn bị phơi bày về bản thân cho người khác bình phẩm. Cha mẹ cũng vậy, sao lại làm với con? Khi cha mẹ tôn trọng con là một con người, một cá thể duy nhất, độc lập, cần được sống tự do thì cha mẹ sẽ hiểu việc quyết định có chia sẻ thông tin cho ai đó hay không là quyền của con. Cha mẹ không thể lấy quyền phụ huynh mà định đoạt.
Tốt nhất ở những trang cá nhân trên mạng xã hội, chúng ta chỉ đăng những gì thuộc về chính ta mà thôi. Đó cũng là tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
(Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia)
Nếu vi phạm, ai thổi còi, ai bảo vệ trẻ?
Việc xử lý, chế tài chưa được quy định cụ thể. Nếu những người đăng thông tin này không phải cha mẹ của trẻ thì cha mẹ của trẻ có quyền khởi kiện, yêu cầu người đăng phải gỡ bỏ thông tin, đính chính, bồi thường thiệt hại… Nhưng nếu người đăng thông tin là cha mẹ của trẻ mà chính cha mẹ của trẻ lại là người giám hộ đương nhiên thì không thể thực hiện được việc khởi kiện.
Vì thế, việc nâng cao ý thức của phụ huynh trong việc thực hiện Luật Trẻ em là rất cần thiết. Chỉ vì một chút “khoe con” mà có thể con cái mình trở thành nạn nhân của những tệ nạn xã hội…
Thạc sĩ luật Lê Thị Minh Long
(Chuyên viên Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp)
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.