Dạy trẻ ăn sai cách?
Đoạn băng quảng cáo thạch ra câu Long Hải dài 30 giây được các phương tiện truyền thông đăng tải từ đầu năm 2015 được trẻ em ưa thích bởi hình ảnh đáng yêu của các nhân vật nhí và lời bài hát vui nhộn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại giật mình khi xem đến đoạn nhóm trẻ em ngửa miệng lên hấng viên thạch từ trên cao rơi xuống bởi cách ăn này khiến trẻ có thể bị hóc, dẫn đến nguy hiểm.
Chiều ngày 11/8/2016, khi PV cho nhiều phụ huynh xem đoạn quảng cáo thạch rau câu Long Hải với hình ảnh trẻ tung thạch lên rồi lấy miệng ra hứng, nhiều người đã phải thốt lên "thế này thì nguy hiểm quá".
Chia sẻ cảm nghĩ về đoạn quảng cáo này, chị Trần Thu Trang (32 tuổi, ngụ Q. Đống Đa, TP. Hà Nội) không giấu nổi sự lo lắng trên khuôn mặt bởi, con trai 3 tuổi của chị Trang sau khi xem xong cũng bắt chiếc cách ăn giống như nhân vật trong đoạn quảng cáo.
|
Hình ảnh bé trai ăn thạch bằng cách tung lên rồi lấy miệng hứng trong đoạn quảng cáo thạch rau câu Long Hải (Ảnh cắt từ băng ghi hình). |
"Cách ăn tung lên câu rồi lấy miệng đỡ có vẻ khiến cho trẻ con thích thú nhưng tôi thấy rất nguy hiểm. Con trai tôi sau khi xem xong đoạn quảng cáo cũng bắt chiếc làm, không chỉ ăn thạch mà khi ăn đậu phộng, bim bim... nó cũng bắt chiếc cách ăn như thế. Có lần, viên thạch thọt sâu vào cổ họng khiến cháu bị hóc khiến cả nhà được một phen lo lắng" - chị Trang nói.
Chị Trang chia sẻ: "Quảng cáo về sản phẩm là điều cần làm của mỗi doanh nghiệp nhưng cũng phải cân nhắc từng chi tiết xem có lợi hay có hại người tiêu dùng. Đặc biệt là những quảng cáo có đối tượng hướng tới là trẻ em thì càng phải lên cân nhắc vì chúng không phân biệt được đâu là tốt, hại cho mình mà cứ thấy vui nhộn là thích".
Cùng nhận xét về đoạn quảng cáo rau câu Long Hải, chị Phạm Thị Hương Lan (35 tuổi, ngụ Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ) cho rằng, không ai dạy trẻ ăn bằng cách tung lên rồi lấy miếng hứng bao giờ. Chị Lan nói: "Cách ăn đó rất phản cảm, dễ khiến cho thức ăn rơi thẳng vào cổ họng, đi nhầm vào đường thanh quản. Nhất là với những loại thức ăn mềm và trơn, khi bị hóc thì sẽ rất khó xử lý".
Năm 2012, một cháu bé 14 tháng tuổi ở Bắc Giang vừa đưa miếng thạch vào miệng thì ho sặc sụa khiến miếng thạch chui tọt vào đường thở. Cậu bé lập tức tím tái toàn thân, ngừng thở… Ngay khi phát hiện cháu hóc thạch, ông bà đã đưa cháu vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, đặt ống nội khí quản, hút truyền dịch… nhưng cháu bé vẫn tím tái toàn thân, rơi vào trạng thái hôn mê nên đã nhanh chóng được chuyển thẳng đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương để soi gắp viên thạch nhưng bé vẫn bị ngừng thở, toàn thân tím đen và được chuyển thẳng sang khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai).
Đến tháng 5/2014, một cháu bé được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tim rời rạc, không thở; khí không vào phổi, lồng ngực không di động khi tiến hành bóp bóng cấp cứu. Lúc tiến hành đặt nội khí quản, bác sĩ đã phát hiện một miếng thạch nằm chắn ngang cổ họng bé và đã lấy được miếng thạch lớn. Nhiều khả năng khi ăn do không để ý, bé đã nuốt chửng cả miếng thạch nguyên hình trụ.
|
Đoạn quảng cáo thạch ra câu Long Hải nhiều lần quay hình ảnh ăn thạch bằng cách "tung hứng". |
Hóc thạch là nguy hiểm nhất
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), hóc thạch là hóc dị vật nguy hiểm nhất, rất khó gắp hết được dị vật ra khỏi đường thở bởi thạch trơn, dễ nát ra thành các viên nhỏ. Nếu cứ cố gắng hút hết dị vật trẻ sẽ bị thiếu ô-xy trầm trọng, có nguy cơ tử vong.
“Hóc thạch rất đáng sợ bởi thạch vốn mềm nên khi trôi xuống đường thở, nó rất dễ “thay đổi hình dáng”, ôm chặt khít lấy đường thở có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức. Mỗi năm, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục ca hóc thạch ở trẻ em nhưng có chỉ một vài trường hợp thoát nạn”, PGS. TS Dũng nói.
Cùng quan điểm này, BS.ThS Hoàng Đình Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho rằng, những ca hóc thạch để cứu sống được cực kỳ hi hữu. Bởi đặc thù miếng thạch mềm, dễ dàng chui tọt vào đường thở, khít chặt lấy và khi đó, thời gian cấp cứu là vô cùng cấp bách, chỉ trong vòng 5 - 10 phút.
Có những ca bệnh, dù được bác sĩ ở bệnh viện tỉnh mở nội khí quản đến thở, đến Viện Tai mũi họng, các bác sĩ cũng gắp được miếng thạch chen ngang đường thở của bé nhưng cũng không thể trả lại cuộc sống bình thường cho bé. Vì thiếu ôxy quá lâu, mất não nên em bé phải sống thực vật suốt đời.
Rất nhiều trường hợp đã tử vong vì hóc thạch, dù ở ngay thời điểm hóc người nhà đã phát hiện và đưa đi cấp cứu. Có những người nhà chỉ cách viện chưa tròn một cây số nhưng khi đến viện thì em bé cũng đã tử vong vì miếng thạch bít toàn bộ đường thở. Chỉ thời gian 10 năm trở lại đây mới có các trường hợp bị hóc thạch. Con số đưa đến viện không nhiều, nhưng hầu như, bị hóc dị vật là thạch thì đều không thể cứu sống.
“Trẻ em vốn thích ăn thạch, cha mẹ chiều con mua cả túi thạch cho con ăn mà không lường hết được nguy hiểm. Vì thạch vốn trơn, lại thường được sản xuất dưới hình trụ, khi bóc lớp vỏ ngoài, người lớn thường bóp ở đầu chóp thạch khiến thạch được đẩy ra rất nhanh, mạnh. Nhiều trẻ vì bị cả miếng thạch đẩy vào miệng nhanh, bất ngờ trôi tọt vào cuống họng nên bị hóc gây ngạt. Trong khi thạch là món ăn không bổ béo gì, lại có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nên tốt nhất, trẻ con tuyệt đối không nên ăn thạch”, TS Dũng nói.
Đoàn Văn